Đắk Lắk: Tăng cường truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã

Thanh Nga 12/07/2022 08:16

Ngày 11/7, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật xã hội Việt Nam) tổ chức buổi tọa đàm truyền thông về công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Ông Trương Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên và gần 30 nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh.

.....
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thông tin về hoạt động mua bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho biết, Đắk Lắk là một trong những điểm nóng về tình trạng quảng cáo, tàng trữ, mua bán động vật hoang dã trái phép. Theo số liệu của ENV, từ năm 2018-2022, có 1.425 hành vi vi phạm về động vật hoang dã tại Đắk Lắk. Một cuộc khảo sát nhanh của ENV vào cuối tháng 1/2022 cho thấy, trong tổng số 49 cơ sở khảo sát (gồm 8 cửa hàng vàng bạc, 6 cửa hàng mỹ nghệ, 9 cửa hàng lưu niệm, 2 khách sạn và 1 nhà hàng) thì có 26 cơ sở kinh doanh các sản phẩm chế tác từ ngà voi, xương voi, lông đuôi voi, móng hổ, móng gấu và lông đuôi công. Sở dĩ tội phạm về động vật hoang dã ngày càng tăng bởi mức lợi nhuận rất lớn, chỉ đứng sau lợi nhuận buôn người, ma túy.

....
Ông Trương Văn Ty, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thông tin cơ sở, hộ gia đình nuôi động vật hoang dã trên địa bàn.

Ông Trương Văn Ty, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thông tin, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk có 461 cơ sở, hộ gia đình nuôi động vật hoang dã, trong đó có 425 cơ sở, hộ nuôi thương mại, phần lớn tập trung ở thành phố Buôn Ma Thuột (392 cơ sở, hộ gia đình). Trong 5 năm gần đây, riêng Cơ quan Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các ngành bắt giữ và xử lý 144 vụ vi phạm các quy định về săn bắn, mua bán trái phép ĐVR tịch thu 197 cá thể, trọng lượng 949 kg.

Chi cục Kiểm lâm thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã nuôi nhốt. Kết quả năm 2021, đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý đối với 20 cá thể động vật rừng do người dân tự nguyện giao nộp (gồm: 12 cá thể Khỉ đuôi dài, 1 cá thể Mèo rừng, 1 cá thể Cu li lớn, 1 cá thể Vượn má trắng, 1 cá thể Khỉ mặt đỏ, 1 cá thể Khỉ cộc, 3 cá thể Khỉ đuôi lợn). Đến tháng 4, năm 2022 đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý đối với 2 cá thể (1 cá thể tê tê, 1 cá thể khỉ đuôi lợn). Những cá thể động vật này đã được kiểm tra sức khỏe và thả vào Vườn quốc gia Chư Yang Sin và Khu BTTN Ea Sô nơi có sinh cảnh sống phù hợp.

....
Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk chia sẻ khó khăn về việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã.

Thiếu tá Nguyễn Thế Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong tháng 3 và tháng 4/2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm du lịch trên địa bàn tỉnh thì phát hiện 7 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm liên quan đến các động vật hoang dã, nhất là các sản phẩm liên quan đến voi, các cơ sở còn lại kinh doanh nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 2,1 tỷ đồng.

Để ngăn chặn tình trạng mua bán động vật hoang dã cần có sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt giữa các ban ngành liên quan; sự sát sao chỉ đạo lãnh đạo, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh; đặc biệt công tác truyền thông rất quan trọng. “Khi chúng tôi vào cuộc kiểm tra, nhiều chủ cơ sở khai hầu hết vi phạm lần đầu. Đối mặt với mức phạt 180 triệu đồng cho dưới 300 g ngà voi, nhiều người bất ngờ, vì cả đời kinh doanh chưa đủ tiền đóng phạt. Do đó, tôi mong muốn các sở ngành, tổ chức liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân lẫn các cơ sở kinh doanh nắm bắt quy định, tránh vi phạm’, Thiếu tá Anh nói.

.....
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Trước tình trạng buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và ngà voi có chiều hướng gia tăng, ngày 30/5, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 4390/UBND-NNMT, về việc triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp từ ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tại buổi tọa đàm, các nhà báo, phóng viên đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những thông tin về hoạt động mua bán, sử dụng các sản phẩm từ ngà voi và các động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời đề xuất các giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, hiệu quả của báo chí trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã, góp phần cùng với các cấp, các ngành nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã và loài voi của Việt Nam.

Thanh Nga