Phim đề tài lịch sử: Loay hoay tìm cách chinh phục khán giả
Với các quốc gia có nền điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… đề tài lịch sử là một kho tàng đồ sộ để các nhà làm phim thỏa sức sáng tạo với hàng loạt sản phẩm “bom tấn”. Thế nhưng, ở Việt Nam mảng đề tài này vẫn đang loay hoay tìm hướng phát triển, làm sao để chinh phục khán giả ngay trên sân nhà vẫn là câu hỏi khó.
Thiếu “đất diễn”
Với gần 70 năm hình thành và phát triển của điện ảnh Việt Nam, không thể phủ nhận phim điện ảnh đề tài lịch sử được xem là “viên gạch” quan trọng trong việc gắn kết quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, thực tế điểm mặt các bộ phim về đề tài lịch sử tạo được dấu ấn trong lòng công chúng thì vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhìn sang các nền điện ảnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến “gia tài” phim lịch sử nước nhà trong suốt những năm qua.
Số lượng phim rất ít, phần lớn là các phim do phim nhà nước “đặt hàng” nhân những ngày lễ, những sự kiện lớn. Nếu được khán giả “nhớ tên” có chăng chỉ là “Đêm hội Long Trì”, “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Long thành cầm giả ca”… và gần đây là “Phượng Khấu”, “Quỳnh Hoa nhất dạ”.
Nếu như những năm trước đây phim về đề tài lịch sử phần lớn phụ thuộc nguồn ngân sách nhà nước, theo đơn đặt hàng… thì hiện nay dù đã có một vài đơn vị tư nhân “thử sức”, nhưng vẫn ở mức độ cầm chừng.
Bởi để sản xuất một bộ phim về đề tài lịch sử luôn đòi hỏi kinh phí sản xuất cho đến nhân lực tham gia cũng khác các thể loại phim khác. Chưa kể những yêu cầu khắt khe về bối cảnh, phục trang… và đặc biệt mảng đề tài này luôn thiếu những kịch bản tốt. Cho dù những năm qua, các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử vẫn xuất hiện đều đặn nhưng dường như chưa có nhiều đạo diễn để tâm đến.
Đáng chú ý, thị hiếu khán giả hiện nay đang nghiêng về phía các bộ phim đề tài lịch sử được nhập khẩu từ nước ngoài. Ngoài ra, với các hãng phim tư nhân khi hoàn thành các tác phẩm chuẩn bị ra rạp là phải đối mặt với nhiều ý kiến ngược xuôi, chủ yếu là chê bai về bối cảnh, hình ảnh, trang phục của nhân vật không phù hợp.
Đơn cử như bộ phim lịch sử được đánh giá là hay là “Lửa Phật” của đạo diễn Dustin Nguyễn nhưng vẫn bị chê là không có cảnh binh đao hấp dẫn, bởi đây là phim nói về cuộc chiến chống ngoại xâm.
Dẫn chứng những khó khăn khi sản xuất một bộ phim về đề tài lịch sử, đạo diễn bộ phim “Phượng Khấu” Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ, đoàn làm phim gặp nhiều khó khăn khi triển khai dự án, ngoài vấn đề vốn thì bối cảnh cũng khiến cả ê kíp “đau đầu”.
Đạo diễn cho biết, các công trình tại Đại nội Huế hiện tại không đáp ứng đủ cho bối cảnh kịch bản của bộ phim miêu tả. Đoàn phim định tìm đến các khu phủ đệ của các hoàng tử nhưng vẫn không khả thi. Bên cạnh đó, đoàn làm phim cũng đã khảo sát khu vực các lăng tẩm của các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức nhưng vẫn gặp nhiều bất cập. Việc quay bộ phim hoàn toàn ở Huế có quá nhiều rủi ro với đoàn làm phim, không thể mạo hiểm.
Ngoài ra, đối với trang phục, chi tiết luôn bị coi là nhược điểm của nhiều bộ phim lịch sử, ê kíp phải tập hợp 300 trang phục, trong đó 50% là thêu thủ công truyền thống do nghệ nhân Vũ Kim Lộc nghiên cứu, thiết kế và chế tác phỏng dựng.
“Phim công chiếu đúng thời điểm nhiều bộ phim cổ trang nước ngoài đang phát sóng nên khó khăn trong cạnh tranh” - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn nói.
Tìm bệ đỡ vững chắc
Có thể nói, việc sản xuất một bộ phim đề tài lịch sử tại Việt Nam đang gặp phải nhiều trở ngại. Thực trạng này đã được giới chuyên môn “mổ xẻ” từ nhiều năm nay và đưa ra vô vàn lý do, song nguyên nhân chính vẫn nằm ở chỗ, đề tài lịch sử đang thiếu những “bà đỡ” mát tay.
Theo đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, xu hướng làm phim lịch sử Việt Nam chủ yếu là tự phát nên chưa tạo được dấu ấn và tính bền vững.
"Việc làm phim lịch sử cần có sự vào cuộc của tập đoàn lớn, nếu là tư nhân hoặc là chủ trương, chiến lược văn hóa của quốc gia. Khi đó, sự đầu tư, quản lý, nguồn kinh phí từ Nhà nước sẽ góp phần tạo ra một dòng phim lịch sử mang tính chính quy và bền vững hơn” - đạo diễn Anh Tuấn chia sẻ quan điểm.
Hiện nay, việc làm phim vẫn mang tính tự phát nên nếu không có đam mê, các bạn trẻ rất khó theo đuổi đường dài. Trong khi đó, các nền điện ảnh lớn đã làm phim lịch sử bằng ngân sách quốc gia để phát triển dòng phim này chứ không thể phó mặc cho tư nhân.
Đồng quan điểm, đạo diễn Đào Bá Sơn bày tỏ, để thay đổi tình trạng khan hiếm phim lịch sử thì nhà nước cần phải đặt hàng sản xuất từ ngân sách nhà nước 100% hoặc chí ít 70% kinh phí.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng, cần phải có chế độ khen thưởng thích đáng cho các nhà làm phim tư nhân mạnh dạn bỏ vốn ra làm phim về đề tài này mà thành công. Nhà nước không bỏ tiền đầu tư thì cần có chế độ khuyến khích họ làm. Đạo diễn cũng thẳng thắn cho rằng, các hãng phim tư nhân bỏ vốn ra làm phim nên phải tìm đến những đề tài giải trí hợp thị hiếu để mong thu hồi vốn, việc làm phim lịch sử với họ là khá mạo hiểm nên không thể trách các hãng phim tư nhân.
“Làm phim lịch sử khó trăm bề. Ngoài thiếu hụt đội ngũ biên kịch giỏi để có kịch bản hay, thì việc người làm phim lịch sử gặp phải một sự phản biện quá khắt khe khiến nhà đầu tư nản lòng. Quả thực, không phải ai cũng làm được phim lịch sử vì buộc phải nghiên cứu, xem xét rất kỹ giai đoạn lịch sử đó” – ông Sơn nhận định.
Thực tế cho thấy, để ra đời một bộ phim điện ảnh về đề tài lịch sử chưa bao giờ dễ dàng. Bởi đằng sau mỗi dự án chủ đề lịch sử, các nhà sản xuất ngoài yếu tố của sự đam mê, còn là niềm tự hào dân tộc, mong muốn được kể câu chuyện về những anh hùng dân tộc, tiền nhân...
Những khát vọng tạo nên giá trị đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa là động lực để giúp các nhà làm phim vượt khó. Hy vọng bằng sự dấn thân, nỗ lực sáng tạo của những người làm phim sẽ đưa tác phẩm đến với nhiều người xem hơn, để không chỉ thưởng thức tác phẩm mà còn thêm hiểu và trân trọng lịch sử đất nước.