Xuất khẩu nông sản: Liên tiếp đón nhận tin vui
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng mừng là nhiều mặt hàng nông sản có giá trị tăng trưởng cao, dần chuyển dịch sang các thị trường lớn, tiềm năng...
Ngày 11/7, Bộ NN&PTNN Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, từ 12/7, Trung Quốc sẽ chính thức thông quan nhập khẩu chính ngạch đối với trái sầu riêng Việt Nam ây là kết quả đàm phán. Đây là kết quả trong hơn 2 năm qua giữa NN&PTNT Việt Nam và GACC.
Theo Nghị định thư vừa ký kết, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng; Phải áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, sầu riêng của Việt Nam chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc sau khi Nghị định thư được công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng Cục Hải quan, cùng với danh sách các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt. Đây là điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường Trung Quốc.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, năm 2021, sản lượng sầu riêng cả nước đạt 642.600 tấn, tăng 15% so với năm 2020. Thời gian qua, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng đều là xuất tiểu ngạch.
Với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và đây được dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt thời gian tới. Với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại EU.
Đặc biệt, từ khi EVFTA có hiệu lực chính thức (1/8/2020), nhiều ngành hàng như: Giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao, ở mức từ 20 - 30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.
Đề cập về tiềm năng xuất khẩu nông sản tại thị trường EU, ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu cho rằng, EU là một thị trường quan trọng, tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tại châu Âu đang tăng rất mạnh, do khan hiếm nguồn cung, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu.
Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng đưa ra nhận định, việc thiếu hụt nguồn cung các loại thủy sản ở EU chính là “cơ hội vàng” để sản phẩm cá tra Việt Nam tăng thị phần ở thị trường này. Nếu trước đây, giá cá tra bình quân xuất khẩu đi châu Âu chỉ đạt 2,7 USD/kg, thì trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu sang khu vực này đạt bình quân 3,45 USD/kg.
Tổng cục Thủy sản cũng đưa ra dự báo, tổng sản lượng thủy sản có thể đạt 8,73 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 9 tỷ USD trong cả năm 2022.
Đáng chú ý, dịch bệnh Covid -19 trên thế giới đã từng bước được khống chế nên nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại. Dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2022 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm.
Đối với ngành cá tra, dự báo, cuối năm 2022, giá lương thực ở EU sẽ tăng cao. Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp xuất khẩu cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, xuất khẩu nông sản sang EU đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh khi Covid-19 được kiểm soát, mở cửa thông thương thuận lợi hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng trải qua thời gian thích nghi với những cam kết tại EVFTA, đặc biệt là cam kết về quy tắc xuất xứ.
Đây là những yếu tố quan trọng để nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị phần tại thị trường các quốc gia EU.
Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu, năm 2022, xuất khẩu nông sản phấn đấu cán đích con số 55 tỷ USD (cao hơn nhiệm vụ Chính phủ giao 5 tỷ USD). Để đạt mục tiêu trên, Bộ thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực có triển vọng và khả năng tăng giá trị cao để bù cho những sản phẩm có thể không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.