Phụ thu hay là lách luật?
Mới đây, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã chính thức đề nghị Grab phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí, được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị. Trước đó, kể từ ngày 6/7, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương, Grab sẽ thu thêm “phụ phí nắng nóng” 5.000 đồng với mỗi chuyến GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart, mức phí này với dịch vụ Grab Express là 3.000 đồng/đơn hàng.
Chưa hết, Grab còn tính thu thêm một số loại phí và phụ phí như "phụ phí khi mưa lớn", "phụ phí kẹt xe", "phí chờ đợi". Việc Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu Grab cung cấp danh mục và làm rõ các loại hình, mức phí và phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị; cũng như việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe... cung cấp cho Cục trước ngày 18/7 là nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Ngay khi Grab thông báo thu thêm loại phụ phí này, nhiều người không khỏi bất ngờ và thắc mắc Grab dựa vào thời tiết nắng nóng bao nhiêu độ C hay thời tiết như thế nào là nắng nóng để phụ thu thêm phí này. Mùa này thường ngày vẫn có mưa, không lẽ cũng thu thêm tiền. Còn về vấn nạn kẹt xe, thì Hà Nội và TPHCM xảy ra “như cơm bữa”, trước không thu sao nay lại “phụ thu”?
Đáng chú ý, những người chạy Grab cho biết, dù hãng tính thêm tiền với khách nhưng họ cũng không được hưởng lợi, vì đã cộng luôn vào doanh thu của mỗi chuyến rồi phân chia lại theo tỉ lệ chiết khấu. Như vậy, trong câu chuyện này thì hãng được lợi nhiều nhất, lái xe được “chút xíu” còn phần thiệt hại là thuộc về người sử dụng xe.
Việc Grab tự ý đặt ra phí, phụ phí bên cạnh giá cước được coi là chiêu nâng giá dịch vụ, khi mập mờ giữa phí và cước. Phụ phí hay phí dịch vụ cũng có thể được đặt ra, tuy nhiên phải thông báo và được sự đồng ý của cơ quan chức năng, vì trước đó mức cước được duyệt đã mang tính pháp lý trong kinh doanh. Vì vậy, Grab hay bất cứ đơn vị dịch vụ nào muốn áp dụng phí, phụ phí thì đều phải có lý do chính đáng, phải xin phép và phải được chấp thuận.
Hiện Grab đã trở thành đơn vị chiếm thị phần nhiều nhất của các hãng xe công nghệ hoạt động tại Việt Nam. Chính vì thế, việc Grab tự đặt ra phí, phụ phí xe nhiều khả năng sẽ làm xáo trộn hoạt động này. Cho tới thời điểm đầu năm 2021, tại Việt Nam có 7 ứng dụng gọi xe công nghệ phổ biến nhất. Thứ tự gồm: Grab; GO-Viet; Be; Vato; Mai Linh; MyGo; FastGo. Trong đó, Grab là ứng dụng đặt xe tiện lợi được sử dụng nhiều nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả Đông Nam Á, kết nối hơn 10 triệu hành khách với 185.000 tài xế trong khắp khu vực (thời điểm cuối năm 2020).
Từ khi xuất hiện các loại xe công nghệ, người sử dụng gặp nhiều thuận lợi, tuy nhiên loại hình xe ôm truyền thống cũng dần biến mất. Do người sử dụng có quyền lựa chọn và đương nhiên sẽ chọn dịch vụ thuận tiện hơn, giá cả phải chăng hơn. Nhưng điều đáng nói là sau khi đã chiếm lĩnh thị trường, thì các hãng xe công nghệ bắt đầu tìm cách “xoay” khách hàng; mà tự đặt ra phí, phụ phí là chiêu thức quen thuộc. Phí và phụ phí thu trực tiếp từ khách hàng rồi chảy thẳng về hãng, phần chiết khấu lại cho người chạy xe rất ít. Phần thu lợi này cũng né được thuế nên có thể ví như một loại lãi ròng.
Lần này, với sự vào cuộc nhanh chóng của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Grab sẽ phải giải trình lý do tự đặt ra phí, phụ phí. Dù lý do gì đi chăng nữa thì việc mập mờ giữa cước với phí, phụ phí thì cũng khó có thể chấp nhận. Mặt khác, trời mưa to, nắng nóng, hay là kẹt xe thì cũng có phải riêng Grab phải chịu đâu mà lại tự cho mình quyền được thu thêm.
Hy vọng sự việc sẽ được cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ, để không chỉ Grab phải điều chỉnh và hành xử cho đúng luật mà các ứng dụng xe công nghệ khác cũng lấy đó làm gương, để không tự ý nâng giá cước, hay là “lách luật” đặt ra những khoản phụ thu nhằm thu về nhiều lợi nhuận hơn, trong khi thuế vẫn chỉ chừng ấy và cuối cùng thì người sử dụng phải gánh chịu.