3 điểm/môn đỗ lớp 10 công lập: Dạy học thế nào để bảo đảm chất lượng?

Nguyễn Hoài 13/07/2022 14:38

Mức điểm chuẩn chênh lệch lớn giữa các trường thuộc trung tâm với trường ngoại thành khiến dư luận xã hội không khỏi băn khoăn. Nhiều người đặt câu hỏi: Với những học sinh chỉ 3 điểm đã trúng tuyển vào lớp 10 thì năm học tới, giáo viên sẽ dạy học ra sao để bảo đảm chất lượng giáo dục?

Thách thức với cả giáo viên và học sinh

Mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay, dư luận tiếp tục quan tâm đến việc nhiều trường công lập ở các địa phương có mức điểm chuẩn đầu vào khá thấp. Một số trường, nếu điểm trung bình mỗi môn thì có thí sinh chưa đến 2 điểm/môn cũng trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập.

Đơn cử như tại Khánh Hòa, nhiều học sinh và phụ huynh bất ngờ khi có một số trường chỉ cần hơn 1 điểm/môn đã đỗ vào trường THPT công lập.

Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Du (thị xã Ninh Hòa), điểm chuẩn nguyện vọng 1 là 7,25 điểm, trung bình 1,45 điểm/môn; Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa) nguyện vọng 1 là 7,5 điểm, trung bình 1,5 điểm/môn.

Thí sinh làm thủ tục nhập học vào lớp 10 tại Hà Nội.

Sự chênh lệch điểm chuẩn vào lớp 10 giữa các trường THPT ở các địa phương không phải năm nay mới xảy ra mà trên thực tế, tình trạng này đã tồn tại thời gian qua. Những năm trước, sau khi các Sở GDĐT công bố điểm chuẩn vào lớp 10, không ít địa phương cũng xảy ra tình trạng chỉ hơn 1 điểm/môn đỗ THPT công lập.

Năm 2020, Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa) đã từng gây xôn xao dư luận xã hội, khi chỉ cần có điểm trung bình 0,58/môn là đỗ.

Điểm đầu vào của các trường thấp khiến dư luận băn khoăn về chất lượng giáo dục, giáo viên sẽ dạy học ra sao với học sinh chỉ 1 vài điểm đã đỗ vào lớp 10 THPT công lập?

Một giáo viên tại Hà Nội nhìn nhận, việc tuyển học sinh có điểm đầu vào thấp khiến chất lượng không đồng đều. Thầy cô sẽ gặp khó về phương pháp giảng dạy. Bản thân học sinh cũng khó theo kịp nội dung, dẫn tới tâm lý chán nản, không muốn học.

Làm sao để sau 3 năm học tập tại trường, các em có đủ kiến thức, năng lực tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là thách thức với giáo viên.

Bày tỏ lo ngại khi điểm chuẩn vào lớp 10 ở các địa phương có sự chênh lệch quá lớn giữa trường thuộc quận trung tâm và trường ngoại thành, NGND.GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là hiện nay, Nhà nước chưa bố trí đủ trường THPT công lập, nhất là ở các thành phố lớn có mật độ dân số đông như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình có tâm lý chạy đua vào trường “điểm”, trường tốp đầu. Thế nên, nhiều năm qua, kỳ thi vào lớp 10 tại các thành phố này luôn căng thẳng, khốc liệt.

Riêng ở Hà Nội, nhìn vào bảng điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 của các trường trên địa bàn thành phố, GS Nguyễn Mậu Bành nhận xét, các trường có mức điểm chuẩn thấp là các trường ngoại thành, cho thấy chất lượng giáo dục của các trường giữa trung tâm và ngoại thành chưa đồng đều.

Chưa làm tốt công tác phân luồng học sinh?

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp, những trường có điểm thấp đều thuộc khu vực ngoại thành - nơi có điều kiện đất đai rộng rãi, mật độ dân cư không đông đúc như nội thành. Trong khi đó, số đông người dân thích sống và học tập tại các trường nội thành nên tạo ra sự cạnh tranh lớn của kỳ thi vào lớp 10.

Trao đổi với phóng viên, ông Vinh băn khoăn, liệu thí sinh có điểm trúng tuyển thấp chỉ 3 điểm/môn có học tiếp được bậc THPT?

“Với những học sinh có đạt điểm thấp vẫn đỗ trường THPT thì cần xác định với số điểm đó, các em có học tiếp phổ thông được nữa hay không. Trong trường hợp, năng lực các em không thể theo học được, thì cần chuyển hướng các em sang học nghề.

Một số trường THPT cũng nên chuyển thành mô hình trường trung học nghề để vừa đáp ứng dạy phổ thông, vừa dạy nghề cho học sinh”, ông Vinh cho hay.

Thí sinh hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội.

Công tác phân luồng sau THCS là chủ trương chung của Chính phủ. Theo lộ trình, đến năm 2025, sẽ có 40% học sinh sau lớp 9 được phân luồng theo định hướng giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Mậu Bành cho rằng, hiện nay, ngành giáo dục chưa làm tốt công tác phân luồng hướng nghiệp. Tâm lý chung của phụ huynh, học sinh là phải đỗ đại học, trong khi xã hội lại thiếu công nhân lành nghề, công nhân chất lượng cao.

Tâm lý này dẫn tới khủng hoảng thiếu chỗ học. Thực tế có nhiều gia đình, con không đỗ trường công lập thì chuyển hướng cho con vào trường tư thục chất lượng cao, trong khi khả năng của con phù hợp với học nghề.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp THPT được thiết kế nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Việc định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho học sinh sau bậc THCS giúp các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng từ sớm. Điều này cũng phù hợp với những chủ trương, khuyến khích của Chính phủ trong việc phát triển nguồn nhân lực.

Hiện nay, nếu học sinh không vào được lớp 10 công lập, các em còn nhiều sự lựa chọn như: theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp và trường cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội…

Học sinh tốt nghiệp trung cấp có thể học tiếp lên cao đẳng và học liên thông lên bậc đại học. Nếu các em tốt nghiệp trung cấp và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông thì có thể được xét tuyển trực tiếp vào các trường đại học.

Vì vậy, GS Nguyễn Mậu Bành cho rằng: “Muốn giải quyết vấn đề trên cần giải pháp đồng bộ: thêm trường học, bảo đảm chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường và làm tốt công tác phân luồng học sinh sau bậc THCS”.

Nguyễn Hoài