Đại thụ làng chèo
Nói đến chèo là nói đến một loại hình sân khấu dân gian cổ truyền phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc bộ được sinh ra từ cộng đồng sinh hoạt thôn làng. Loại hình này thường được gắn với cụm từ “chèo sân đình” và là một trong những tiêu biểu cho văn hóa của nền văn minh lúa nước. Chính vì nguồn gốc phát sinh như vậy nên nghệ thuật chèo từ hàng ngàn năm nay gắn liền với dân gian và được lan truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu.
Từ “manh chiếu sân đình” ở làng quê Việt Nam chèo xuất hiện trong các nhà hát tráng lệ nơi thánh đường của nghệ thuật. Được bước ra sân khấu thế giới làm rạng danh nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Được giảng dạy trong trường nghệ thuật các cấp và được nghiên cứu như một bộ môn khoa học nghiêm túc. Sự thay đổi mang tính đột phá phù hợp với thời cuộc có công đầu rất lớn của GS-NSND Trần Bảng.
Trần Bảng sinh 1926 quê ở Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Cha ông - nhà văn Trần Tiêu tác giả cuốn tiểu thuyết “Con trâu” viết về nông thôn Việt Nam cách đây gần một thế kỉ. Bác ruột Trần Bảng là Khái Hưng - một trong những chủ soái của nhóm Tự Lực văn đoàn nổi tiếng một thời. Dòng chảy nghệ thuật của dòng họ Trần Cổ Am, Vĩnh Bảo đó giờ vẫn đang được tiếp tục ở thế hệ thứ ba với diễn viên, đạo diễn Trần Lực - con trai GS Trần Bảng - một đạo diễn tài năng và sự cách tân trong các vở diễn.
Trong sự nghiệp làm nghệ thuật sân khấu của Trần Bảng, số lượng kịch bản ông viết không nhiều, chỉ trên dưới 10 kịch bản, với hơn 30 vở diễn ông đạo diễn cùng 4 cuốn sách nghiên cứu, 2 công trình học thuật về nghệ thuật sân khấu cùng giáo trình giảng dậy chính thức trong Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Việt Nam. Trần Bảng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001, và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Nhưng cái lớn và quan trọng nhất là bằng tài năng và tâm huyết của mình, bằng trí tuệ và vốn kiến thức lớn, uyên bác của một giáo sư, Trần Bảng đã trả lại cho nghệ thuật chèo một vị trí xứng đáng không chỉ là niềm tự hào cho giới nghệ thuật, nhân dân ta mà còn làm giới nghệ thuật thế giới phải ngạc nhiên, thán phục đúng như đầu đề một công trình nghiên cứu khoa học của ông “Chèo-một hiện tượng sân khấu dân tộc”.
Điều đáng nói là Trần Bảng bước vào con đường nghệ thuật không phải là một người biết chèo và am hiểu chèo, một nghệ nhân Chèo. Trần Bảng đến với nghệ thuật bắt đầu là tham gia Đoàn văn công Tiền phương một đoàn nghệ thuật tổng hợp phục vụ tiền tuyến của Tổng cục Hậu cần khi ông mới hơn 20 tuổi.
Trong hồi ức của mình, ông kể: “…Tôi nhớ cứ đi suốt. Một đêm diễn mấy nơi. Lúc thì phục vụ đoàn xe thồ, lúc lại sang cánh lái xe… Tuyên huấn Trung ương cử các nghệ sĩ chuyên nghiệp gồm tôi, Mai Khanh, Thái Vy là 3 cán bộ chính… vừa đạo tạo, vừa tham gia dàn dựng, biểu diễn. Chúng tôi diễn mỗi tối, đầy đủ các thể loại kịch, hát múa… Chúng tôi còn dựng cả kịch không chuyên, dậy các đoàn văn công, tổ chức liên hoan với các đội dân công. Kịch thì tự viết ra mà diễn”.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật vất vả, thiếu thốn và đầy hiểm nguy của thời chiến đó, may mắn cho Trần Bảng là trong tiết mục phục vụ của ông có một vở chèo. Vở chèo này mang tên “Chị Trầm” lại có vinh dự được Bác Hồ xem và thích.
Ngay sau buổi đó Trần Bảng được Bác Hồ mời dung cơm cùng anh hùng Nguyễn Thị Chiên và một bác sĩ ở Pháp về. Trong bữa ăn Bác Hồ nói: “Cháu trẻ thế mà đã yêu nghệ thuật truyền thống rồi. Cố gắng học hỏi nghệ nhân để giữ lấy chèo”.
Chèo trước Cách mạng nở rộ ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, nhưng trận đói khủng khiếp năm 1945, các đội chèo làng gần như bị xóa sổ. Khi làm công tác văn nghệ, thực hiện lời của Bác Hồ, Trần Bảng công phu đi tìm kiếm lại các nghệ nhân, tập họp họ lại khai thác, ghi lại các làn điệu, cách biểu diễn của nghệ thuật chèo cổ.
Qua việc làm này Trần Bảng dần dần bị hấp dẫn bởi bởi các làn điệu của chèo cổ. Đến năm 1957 ông cùng một số nghệ sĩ, nghệ nhân thành lập Ban nghiên cứu, khai thác, bảo tồn vốn chèo cổ, lưu giữ lại các lớp trò kinh điển của loại hình nghệ thuật trình diễn này.
Trong các nghệ sĩ đầu tiên đi phục vụ kháng chiến, Trần Bảng là một trong những nghệ sĩ có trình độ kiến thức vào loại tốt nhất. Ông tốt nghiệp tú tài và chứng tỏ một năng khiếu về ngoại ngữ. Ông thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh. Trong một lần chuẩn bị đi liên hoan sân khấu quốc tế ông bị tai nạn giao thông phải vào bệnh viện.
Thật kì diệu trong 3 tháng nằm trong bệnh viện, ông tự học tiếng Đức theo sách và khi rời bệnh viện ông đã có thể đọc thạo ngôn ngữ này. Cắt nghĩa một trí thức lớn am hiểu kiến thức Đông - Tây, Kim - Cổ, từ chỗ chưa biết chèo đến khi mê nghệ thuật chèo đến đắm say và đã đặt ra mục tiêu phải nâng nghệ thuật dân gian này lên một tầm vóc mới theo tôi điều duy nhất là ông đã bị chèo hấp dẫn khi ông hiểu ra những điều kì diệu mà nghệ thuật chèo có được.
Sự hấp dẫn và cả sự thuyết phục chèo đối với giáo sư Trần Bảng bắt đầu từ sau khi ông thực hiện lời của Bác Hồ về sự học hỏi các nghệ nhân của chèo. Chính các nghệ nhận chèo đã mang lại cho ông sự am hiểu sâu sắc và sự kì diệu của ngôn ngữ chèo bao gồm từ các làn điệu phong phú đủ sức biểu cảm mọi trạng huống cảm xúc của con người trong mọi hoàn cảnh đến các động tác và phương pháp nghệ thuật của chèo được hun đúc từ hàng nghìn đời để lại.
GS Trần Bảng tâm sự: “Xem các cụ diễn lại những gì các cụ diễn hồi nhỏ, tôi mới thấy nó hay thật. Mình mê, sao mà không mê. Có mê tôi mới làm chèo cả đời được chứ”.
Chứng kiến các nghệ nhân diễn giáo sư mới nhận ra. Cái uốn tay, liếc mắt của Thị Mầu không chỉ là cái uốn tay, liếc mắt thuần túy mà còn hàm chứa khát vọng sống của người nông dân Việt Nam trong cuộc sống còn nhiều vất vả.
Đạo diễn Trần Lực còn cho biết cha ông – NSND Trần Bảng luôn đòi hỏi làm nghệ thuật là phải hồn nhiên, mà điều này như một tố chất chủ đạo bao trùm lên nghệ thuật chèo. Chỉ cần Kim Nhan hát một câu “Thoắt đà đã 17 xuân qua” thế là ngay lập tức sự kiện 17 năm sau đã được tái hiện một cách tự nhiên không gò bó, không câu nệ.
Sự hồn nhiên của chèo đã trở thành triết lý, mục tiêu nghệ thuật của GS Trần Bảng. Với kiến thức tây học ông càng hiểu nghệ thuật chèo không chỉ đặc sắc mang đầy bản sắc dân tộc Việt Nam mà còn không thua kém bất kì nghệ thuật trình diễn của quốc gia nào.
Chính vì thế nên năm 1985 với tiết mục “Hề mồi” ông mang đến Liên hoan Sân khấu thế giới đã làm nghiêng ngả các nhà sành nghệ thuật năm châu. Giáo sư nhớ lại “anh Hề mồi thế mà đến sân khấu với 400 ngọn đèn. Giọng hát nó được nâng lên bao nhiêu lần, ngang ngửa với Opera của Pháp, của Ý”.
Còn trong các kịch bản kinh điển của sân khấu chèo, GS Trần Bảng ưng nhất “Quan Âm Thị Kính”. Ông đã 3 lần dựng kịch bản này, với các bản dựng khác nhau và sau mỗi lần đều được nâng cao.
Lần đầu vào năm 1957, và đáng kể nhất là lần dựng thứ ba vào năm 1984 nghĩa là sau gần 30 năm, ông mang vở diễn “Quan Âm Thị Kính” tới Liên hoan Sân khấu thế giới và được ban giám khảo và bạn bè đồng nghiệp các nước trầm trồ khen vì lạ, vì hay, vì "rất Việt Nam" khi họ xem Trần Bảng đưa khung cảnh chèo sân đình với đôi ngựa bạch, cái đỉnh và cả dàn nhạc chèo lên sàn diễn hiện đại của sân khấu nước Đức.
Năm nay GS - NSND Trần Bảng đã vào tuổi 96, nhưng thật mừng vẫn thấy ông miệt mài, say sưa trên những trang sách.
Trong sự nghiệp làm nghệ thuật sân khấu của Trần Bảng, số lượng kịch bản ông viết không nhiều, chỉ trên dưới 10 kịch bản, với hơn 30 vở diễn ông đạo diễn cùng 4 cuốn sách nghiên cứu, 2 công trình học thuật về nghệ thuật sân khấu cùng giáo trình giảng dậy chính thức trong Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Việt Nam. Trần Bảng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001, và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017. Nhưng cái lớn và quan trọng nhất là bằng tài năng và tâm huyết của mình, bằng trí tuệ và vốn kiến thức lớn, uyên bác của một giáo sư, Trần Bảng đã trả lại cho nghệ thuật chèo một vị trí xứng đáng không chỉ là niềm tự hào cho giới nghệ thuật, nhân dân ta mà còn làm giới nghệ thuật thế giới phải ngạc nhiên, thán phục.