Tiến sĩ Nghệ thuật học Trần Minh: Nhà làm phim phải phản ánh trung thực nhân vật
Tiến sĩ Nghệ thuật học Trần Minh đã tham gia hơn 30 triển lãm mỹ thuật nhóm, cá nhân trong nước và quốc tế; lĩnh vực điện ảnh, thực hiện hơn chục bộ phim với tư cách họa sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất như: “Hình và Bóng”, “Ngược hướng mặt trời”, “Nước Nga ngày trở lại”, “Nhà yêu nước Phó Đức Chính”...
PV:Thưa anh, những nhân vật lịch sử hay danh nhân văn hóa như thế nào sẽ tạo cảm hứng để anh nghiên cứu viết kịch bản?
Tiến sĩ TRẦN MINH: Nhân vật lịch sử hay danh nhân văn hóa muốn làm hay về cuộc đời họ thì điều đầu tiên phụ thuộc vào chính những sự kiện trong cuộc đời họ có gây được cảm xúc cho người sáng tác hay không. Tác động của họ đối với công chúng và xã hội ra sao, có sức lan tỏa thế nào? Mức độ ấy theo thời gian có được dài lâu không? Và cuối cùng ngóc ngách câu chuyện của họ có điều gì thú vị.
Mục đích của anh khi bắt tay vào thực hiện những bộ phim? Và anh mong muốn truyền tải tới khán giả điều gì?
- Thường khi làm phim về một danh nhân văn hóa hay nhà yêu nước điều đầu tiên với tôi là sự ngưỡng mộ cuộc đời và sự cống hiến của họ cho xã hội. Sau đó mục đích của người làm phim là sự lan tỏa. Một hình ảnh, một tấm gương luôn cần lan tỏa để các thế hệ kế tiếp biết đến những việc làm của họ. Nó như tấm gương phản chiếu mang tính thế hệ, đó là điều mà những người làm phim luôn muốn truyền tải.
Để bắt đầu, anh nghiên cứu nhân thân, bối cảnh, mối quan hệ… ra sao để phục dựng?
- Mỗi nhân vật lịch sử đều có sắc thái khác nhau và mỗi đạo diễn khi làm về một nhân vật lịch sử đều thông qua lăng kính của mình, vì vậy sẽ có nhiều góc nhìn về nhân vật lịch sử. Chỉ có một điểm chung nhất, đặc biệt với phim tài liệu, đó là sự trung thực. Dù ở góc độ nào, các nhà làm phim cũng phải phản ánh trung thực nhất nhân vật của mình, đặc biệt cần phải rất cẩn trọng khi làm phim về những nhân vật là danh nhân, nhà yêu nước mà nhiều người biết đến.
Vậy theo anh, vai trò của những cảnh quay đẹp và câu chuyện kể có phải là điều gây hấp dẫn khán giả?
- Với phim về những nhân vật có thật và nhất là phim tài liệu, đặc biệt khi phim diễn tả về các danh nhân và nhà yêu nước thì cảnh quay đẹp chỉ là chất xúc tác. Câu chuyện là quan trọng nhất, đặc biệt nó phải dựa trên những tài liệu khảo cứu chính xác về cuộc đời của họ. Sau đó cách kể chuyện hấp dẫn hay không là do khả năng của đạo diễn.
Mỗi một phim hay từng nhân vật đều cần có một thủ pháp phù hợp. Không những vậy nó cần phải theo diễn trình tư duy của người đạo diễn về nhân vật ấy. Cá nhân tôi thích đặc tả vì chân dung hay hiện vật của nhân vật thường gợi rất nhiều điều. Từ đó có thể hé lộ những tiềm ẩn mà đôi khi rất khó nhận biết.
Thường thì phim của anh tiết chế lời và gây rung cảm qua hình ảnh nhiều hơn?
- Nếu bản thân câu chuyện đã có nhiều thông tin và hay rồi thì đạo diễn sẽ chú ý đến phần hình ảnh và đi sâu vào kể chuyện bằng hình ảnh. Nhưng trong trường hợp tư liệu về nhân vật quá ít thì phải chuyển sang trau chuốt phần lời bình. Các thủ pháp này hoàn toàn phụ thuộc vào nhân vật và kịch bản của bộ phim.
Theo anh vấn đề của việc làm phim thời sự hay phục dựng một nhân vật có thật ngoài đời là gì?
- Miêu tả hay phục dựng nhân vật lịch sử hoặc danh nhân văn hóa, việc quan trọng nhất là đi tìm sự thật và chọn lọc sự thật để có điểm nhấn cho nhân vật.
Để đảm bảo một bộ phim không chỉ đẹp về nghệ thuật mà còn giàu tính nhân văn, mang cái đẹp tinh thần đến với người xem thì cần những yếu tố nào, thưa anh?
- Không một nhà làm phim nào không muốn phim của mình làm giàu tính nhân văn. Nhưng làm được điều đó cần tài năng và cảm xúc của nhà đạo diễn. Thực tế muốn làm được điều này, cần phải có cái gốc cơ bản. Câu chuyện của nhân vật phải giàu tính nhân văn. Sau đó tác động tính nhân văn đến người xem thì cần tài năng xử lý của nhà làm phim. Giá trị nhân văn là giá trị cốt lõi. Một tác phẩm giàu tính nhân văn là điều mà các nghệ sĩ sáng tác luôn muốn hướng tới vì nó là căn cốt để lưu giữ cảm xúc trong lòng người xem.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!