Họa sĩ Lê Thế Anh: Phải tìm thấy tinh thần, khí chất của nhân vật

Việt Quỳnh (thực hiện) 24/07/2022 16:16

Họa sĩ Lê Thế Anh được tặng nhiều giải thưởng về mỹ thuật, như: Huy chương Bạc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 (2005 – 2010), Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015, Giải A Văn học nghệ thuật toàn quốc đề tài Hải quân (2011 – 2015), Giải B Mỹ thuật (không có giải A dành cho Mỹ thuật) Giải thưởng toàn quốc sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, nghệ thuật, báo chí (2011 – 2014)... Đặc biệt, anh là người đồng thiết kế trang phục cho nhiều bộ phim.

Họa sĩ Lê Thế Anh.

1.Vì theo đuổi kỹ thuật sơn dầu nhiều lớp nên họa sĩ Lê Thế Anh rất chú trọng đến phác thảo. “Phác thảo càng kỹ thì quá trình vẽ sơn dầu càng thong dong”. Trong những trường hợp dáng khó, anh thường thuê người mẫu để tạo dựng những tư thế theo ý đồ nhằm nghiên cứu kết cấu, ánh sáng, hình khối, chất liệu:

“Việc ký họa nhanh cũng rất tốt cho việc nắm bắt ý tưởng. Khi có bản vẽ chì kỹ lưỡng... tôi sẽ scan hình này lên toan đã được chuẩn bị kỹ càng như quét goeso nhiều lớp, mài nhẵn... Sau đó tôi tiến hành lớp vẽ underpainting đen trắng bằng các màu: đen ngà voi (ivory black), trắng titanium (titanium white), nâu sienna (raw sienna), nâu tối sống (raw umber), nâu van dyck (van dyck brown), vàng đất (yellow ochre).

Bản vẽ này được vẽ kỹ càng, tỉ mỉ và chính xác như một bức tranh đen trắng hoàn thiện. Giai đoạn này tôi vẽ khá nhiều lớp nhằm tạo được lớp chân móng bền vững. Giai đoạn lên màu được tôi sử dụng nhiều màu trong và bán trong để láng các lớp. Medium painting cũng được tôi sử dụng nhiều trong giai đoạn này để liên kết các lớp màu và làm loãng sơn.

Để tạo sự sống động cho làn da, khiến khi nhìn, chúng ta cảm nhận được có mạch máu di chuyển bên trong, tôi thường láng một lớp mầu xanh nõn chuối bên dưới sau đó sẽ láng màu đỏ cam lên trên. Đặc biệt các khu vực dễ bị ửng đỏ bởi thời tiết giá lạnh như má, mũi, cằm... luôn được tôi coi trọng. Việc vẽ nhiều lớp sẽ khiến các hạt pigment của màu được giữ nguyên, khiến màu trong sáng, không bị đục.

Tuy nhiên, do không phải kỹ thuật pha trộn trực tiếp, tạo ra ngay lập tức màu như mắt nhìn, lối vẽ láng chỉ ra được màu khi đã láng lớp thứ hai nên quá trình này đòi hỏi người vẽ cần nắm vững tính chất hoá học của màu sắc, hình dung ra được mầu sắc tương lai khi láng màu sẽ ra sao. Một khó khăn khác là thời gian vẽ láng thường rất lâu nên việc duy trì cảm xúc tươi mới là điều rất quan trọng. Sự mỏi mệt trong kỹ thuật sẽ giết chết cảm xúc người xem.

Bù lại nếu vượt qua nỗi ám ảnh kỹ thuật, tác phầm sơn dầu kỹ thuật nhiều lớp sẽ mang lại một vẻ đẹp hoàn hảo và sự bền bỉ dài hơn so với các kỹ thuật khác. Nhìn chung tôi mất vài tháng đến một năm cho các tác phẩm của mình tuỳ theo kích thước. Do vậy, với các tác phẩm lớn, tôi thường cho phép mình gọi đó là dự án vì thời gian hoàn thiện rất lâu”.

2.Mỗi khi thực hiện tác phẩm, họa sĩ Lê Thế Anh mong muốn mang đến cho người xem vẻ đẹp hoàn hảo nhất của nghệ thuật tạo hình. Đó là vẻ đẹp của bố cục, màu sắc, luật xa gần, ánh sáng, chất liệu... Vẻ đẹp của tinh thần chủ nghĩa duy mỹ ngay cả khi diễn đạt những thứ bình thường: “Tôi muốn cái gì cũng đi đến tận cùng của nó. Đó chính là điều mà tôi vẫn miệt mài không ngừng tìm hiểu về kỹ thuật sơn dầu cổ điển.

Đây là kỹ thuật mà sau khi trường phái ấn tượng, trừu tượng bùng nổ... thì sự nghiêm ngặt trong bố cục, kỹ thuật sơn dầu bị buông lơi, thậm chí một số kỹ thuật cá nhân của các danh họa như Leonardo De Vinci, Vermeer, Rembrandt... bị thất truyền do trước đây các danh họa chỉ truyền dạy hội họa trong xưởng vẽ cá nhân và chỉ truyền kỹ thuật cho các đệ tử tin cậy, tài năng.

Đó là điều khó khăn cho các họa sĩ ngày nay muốn tìm hiểu về kỹ thuật sơn dầu cổ điển. Vẻ đẹp bề mặt của tác phầm thông qua kỹ thuật sơn dầu cũng chính là mong muốn của tôi. Tôi muốn tác phẩm của mình đẹp lên theo thời gian và tránh được các lỗi thường gặp do chất liệu mang lại, nhất là với khí hậu nồm ẩm ở Việt Nam”.

3.Họa sĩ Lê Thế Anh nhấn mạnh rằng, việc vẽ một chân dung có thật ngoài đời, mấu chốt lớn nhất là phải ra tinh thần, khí chất người ấy.

Để đảm bảo một tác phẩm không chỉ đẹp về hình thức mà còn lôi cuốn bởi nội dung, vẻ đẹp nhân văn, theo họa sĩ Lê Thế Anh, trước hết bản thân họa sĩ phải sống đẹp: “Có một điều rất khó lý giải là thường họa sĩ có năng lượng tốt thì vô hình chung họ cũng truyền tải được năng lượng tích cực vào tác phẩm.

Tất nhiên mỗi họa sĩ có cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Có người thích ca ngợi vẻ đẹp duy mỹ, có người thích thông qua những phê phán tiêu cực nhằm tôn vinh cái đẹp. Dù cách đặt vấn đề nào thì như Đoxtoiepxki từng nói: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới".

Chỉ khi nào người xem thấy lòng mình rung động, được tu dưỡng, hướng thiện... thông qua tác phẩm thì khi đó bức tranh mới thực sự đẹp theo nghĩa nhân văn của mình. Tất nhiên, để làm được điều này, bản thân tác phẩm phải đẹp trước đã.

Đó là vẻ đẹp của tạo hình, ở đó tựu trung tinh hoa của bố cục xuất sắc, đường nét tinh tế, màu sắc giầu sức gợi. Tất cả những tác phầm kinh điển đều đạt những yếu tố này. Chỉ khi nào tác phẩm đáp ứng được vẻ đẹp tạo hình cùng phong cách cá nhân độc đáo thì mới tính tới việc truyền tải thành công các ý nghĩa nhân văn”.

Việt Quỳnh (thực hiện)