Nhà văn Uông Triều: Nghệ thuật - tình yêu sâu sắc vì con người
Uông Triều là nhà văn ưa thích đề tài lịch sử. Anh cho rằng: "Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, sẽ có hàng trăm nhân vật, danh nhân văn hóa xứng đáng để viết, những đối tượng tôi lựa chọn để viết thường là những nhân vật có cá tính hoặc đóng góp quan trọng trong một quá trình, một giai đoạn nào đó, đặc biệt nếu nhân vật ấy có một đời sống riêng tư phong phú, khác biệt thì ấy là điều kiện rất tốt để viết.
Ví dụ tôi chọn danh tướng Trần Khánh Dư là nhân vật có không ít những thăng trầm, cuộc sống riêng tư của ông có nhiều góc khuất, hoặc công chúa Huyền Trân, vua Trần Nhân Tông ở những “giao điểm” rất quan trọng và đặc biệt trong lịch sử; tự họ là nhân vật mang nhiều hấp dẫn và gợi mở cho văn học nghệ thuật. Với những nhân vật giàu cá tính hoặc tiềm tàng cơ hội sáng tạo, đó là những điều kiện ban đầu gây cảm hứng và có “đất” cho sự sáng tạo”.
Với nhà văn Uông Triều, nhân vật lịch sử là những người đã mất, sống ở thời gian, không gian khá cách xa chúng ta, vì thế, thông qua những sáng tạo của mình, anh muốn bạn đọc đương thời có thể phần nào hiểu được con người cá nhân của họ thông qua điểm nhìn hiện đại:
“Vì lịch sử trong các pho sử không có điều kiện ghi lại quá tỉ mỉ cuộc đời và những vấn đề cá nhân của riêng họ, tôi muốn làm một thứ gì đó, chủ yếu là “giải phẫu” tâm hồn và những suy tư về cuộc sống của nhân vật, chứ không quá chú trọng vào những sự kiện họ can dự, bởi sự kiện, con số đã có các bộ sử ghi chép; nhà văn là người tạo ra đời sống và tâm hồn cho nhân vật, đặc biệt với cảm quan hiện đại và góc nhìn riêng biệt, nhân vật lịch sẽ sống động, “người” và thực tế hơn.
Các pho chính sử chỉ có thể ghi lại vắn tắt phần nào các sự kiện, các nhân vật, còn cả một khoảng trống vô biên để các nhà văn khai thác. Lịch sử ngày càng nhận được sự quan tâm của công chúng. Các sử gia nhìn lịch sử, nhân vật thông qua sự kiện, bối cảnh và con số; còn chúng tôi muốn nhìn những nhân vật quá khứ qua chiều kích qua tâm lý và tình cảm.
Sự quan tâm đến lịch sử càng lớn thì càng kích thích sự viết; còn việc tranh luận là điều không tránh khỏi vì nhân vật lịch sử đã mất, sự kiện đã xảy ra rồi, mỗi góc nhìn, đánh giá sẽ mang cảm quan cá nhân riêng biệt của người viết, giống như một bông hoa, mỗi người sẽ cảm nhận màu sắc và mùi vị khác nhau và chúng ta nên tôn trọng điều này. Đôi khi sự thách thức trong một đề tài nào đấy chính là yếu tố hấp dẫn người viết, tôi thích viết lịch sử, một phần quan trọng là muốn được nhìn lịch sử theo cách riêng của mình”.
Việc viết tiểu thuyết lịch sử nói riêng và về đề tài lịch sử nói chung theo nhà văn Uông Triều, thường mất nhiều thời gian và công sức: “Đầu tiên là quá trình đọc tư liệu trong các bộ sử nhưng các bộ chính sử có hạn chế là thường rất sơ lược, ít những yếu tố cá nhân hoặc huyền thoại. Để cho sinh động và tự tin, trước lúc viết tôi thường đi thực tế, đến tận quê quán hoặc bối cảnh xảy ra câu chuyện để tìm hiểu. Ví dụ để viết về trận Bạch Đằng và các nhân vật liên quan, tôi đã đến sông Bạch Đằng nhiều lần, quan sát thủy văn và địa thế, thậm chí uống cả một vốc nước sông để cảm nhận cho chân thật”.
Theo nhà văn Uông Triều, giọng văn đẹp và cá tính tất nhiên là yếu tố rất quan trọng, vì chúng là những gì nhìn thấy trên bề mặt câu chữ: “Sự hàm ẩn và những lớp nghĩa phía sau cũng có ý nghĩa rất lớn, nó làm tác phẩm thêm sức nặng và giá trị thực tế. Còn góc nhìn của người viết sẽ tạo ra sự khác biệt, cùng là nhân vật ấy, với góc nhìn và quan điểm khác nhau sẽ có hiệu quả khác nhau với người đọc.
Ví dụ cùng viết về vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ nhưng góc nhìn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất khác với những người trước đó; cùng viết về Hồ Quý Ly nhưng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có những lí giải riêng của mình, và chính sự khác biệt này mang lại thành công cho tác phẩm cũng như nhân vật, sự kiện lịch sử được soi chiếu một cách đa dạng và hấp dẫn hơn”.
Về vấn đề của việc làm phục dựng thời đại, bối cảnh lịch sử hay một nhân vật có thật ngoài đời, theo nhà văn Uông Triều, đó là sự chân thật và gần gũi: “Tôi thích những con người thực sự, có đời sống riêng tư, có tâm hồn, có hành động… Sự gần gũi và chân thật khiến câu chuyện thuyết phục và người đọc tin rằng đúng là đã từng tồn tại những con người và bối cảnh như thế. Trước đây xu hướng này ít thấy, nhưng giờ đây quan niệm về sự chân thật và gần gũi ngày càng được coi trọng, nó khiến nghệ thuật xích lại với đời sống và độc giả cũng ưa thích hơn.
Tôi nghĩ mỗi câu chuyện lịch sử trong thực tế đều có một thông điệp. Đọc một cuốn sách lịch sử người ta sẽ rút được nhiều trải nghiệm cho mình. Nếu ta rơi vào hoàn cảnh ấy, ta có làm như thế không hoặc làm gì để tránh điều ấy.
Câu chuyện lịch sử, ngoài những vấn đề như: Tổ quốc, chủ quyền, phục hưng hay dựng quốc thì phần cá nhân mỗi con người, mỗi biến cố đều mang những thông điệp thiết thực cho hậu thế, kể cả một câu chuyện buồn, một nhân vật phản diện đôi khi vẫn mang ý nghĩa tích cực để người ta tránh mắc phải. Tôi cho rằng văn học cần có giá trị thức tỉnh con người”.
Để nghệ thuật nói chung cần mang ý nghĩa nhân văn, để một tác phẩm tồn tại trong trái tim người thưởng thức, với nhà văn Uông Triều, nhà văn, người nghệ sĩ có thể viết, sáng tạo về bất cứ vấn đề gì nhưng cốt lõi điều ấy phải hướng đến con người và vì con người: “Sáng tạo với một tình yêu sâu sắc vì con người thì dù hình thức và vấn đề cập ra sao, nó sẽ có sức lay động và chạm đến trái tim con người và khiến họ suy nghĩ, ấy chính là sứ mạng của văn học nghệ thuật”.