Làm phim ‘ăn theo’ nhân vật có thật: Hư cấu đến đâu?
Bộ phim điện ảnh “Em và Trịnh” trong những ngày qua đã làm dậy sóng dư luận cũng như những người quan tâm tới điện ảnh. Mà đúng hơn, quan tâm và yêu mến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những gì liên quan tới ông. Nhưng từ bộ phim này, một câu chuyện quan trọng hơn được đặt ra: Giới hạn nào cho những hư cấu nghệ thuật khi làm phim có liên quan tới những nhân vật nổi tiếng?
Những phản ứng gay gắt
Có lẽ “Em và Trịnh” là một dự án điện ảnh khá… long đong bởi Covid-19. Sau nhiều lần hoãn, huy hoặc phải dời lịch chiếu, cuối cùng phim cũng đã ra rạp từ ngày 17/6 vừa qua. Nhiều người chờ đợi, nhiều người kỳ vọng. Và càng chờ đợi, càng kỳ vọng thì một số người cảm thấy hụt hẫng hoặc thất vọng. “Làm dâu trăm họ”, nên điều đó đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cùng nhà sản xuất dù đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng cho dự án phim này, cũng “lắng nghe tất cả mọi khen chê”.
Nhưng những khen chê thông thường của khán giả, rằng thích cảnh này, vai diễn nọ; hay không thích chi tiết này, bối cảnh khác; thậm chí bảo đạo diễn còn vụng chỗ này, diễn viên vào vai Trịnh Công Sơn là sự “thất bại toàn tập” đi chăng nữa thì cũng là bình thường, mà bất cứ ai cũng “nhập cuộc” cũng phải đón nhận, rồi tự rút ra những bài học cho mình. Thế nhưng, vượt qua những sự “thông thường” ấy, bộ phim “Em và Trịnh” đã gây ra những tranh luận có phần gay gắt trong thời gian qua.
Nếu đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn công khai bày tỏ sự “hài lòng” về hình tượng nhạc sĩ được khắc họa trong phim “Em và Trịnh” thì sự phản ứng lại đến từ những nhân vật liên quan chặt chẽ tới vị nhạc sĩ tài hoa ở ngoài đời thực. Và lại là những người có danh phận, đang sống và trí nhớ còn minh mẫn.
Đó là việc ca sĩ Khánh Ly phản ứng về một số chi tiết trong phim. Sau khi được một số người đã xem phim kể rằng, trong phim có những cảnh như Khánh Ly (do Bùi Lan Hương đóng) đút sữa chua cho ông ăn, đi tìm nhạc sĩ, ôm ông khi ông buồn...
Khánh Ly (ngoài đời thực) khẳng định, bà chưa khi nào đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn. Giữa bà và Trịnh không có tình yêu đôi lứa, bà luôn coi Trịnh như cha như chú. “Nhưng họ vẫn cố tình gán ghép chúng tôi thành một đôi. Để làm gì, tôi không hiểu”, ca sĩ Khánh Ly nói. Một điều nữa khiến bà không thể không lên tiếng. Đó là: “Quan trọng lúc đó tôi đã có gia đình. Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim có cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn. Trong khi tôi với bố nó vẫn ở với nhau”.
Phản ứng trước dư luận của ca sĩ Khánh Ly còn cao trào hơn, rất có thể gây ra những tranh cãi pháp lý. "Tôi chỉ nghĩ một điều là vì sao người ta làm như thế trong khi tôi còn sống. Tôi không biết khi con tôi xem phim đó, chúng sẽ nghĩ thế nào về mình”, Khánh Ly nói.
Không chỉ có ca sĩ Khánh Ly phản ứng, ca sĩ Thanh Thúy (sinh năm 1943) - người từng thành công với ca khúc “Ướt mi” (do Trịnh Công Sơn sáng tác tặng) cũng cho rằng bà bị xuyên tạc trên phim “Em và Trịnh”. Chia sẻ trên truyền thông, bà không giấu được sự thất vọng khi trong phim, vai diễn về bà phải mặc áo sườn sám.
“Đó là thời gian mẹ tôi mới mất. Tôi để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ tôi mặc áo sườn xám và búi tóc như thế”, Thanh Thúy nói, và khẳng định nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa bà về đến đầu ngõ.
“Tôi cũng rất “kỵ” hình ảnh một nam, một nữ đi về trong ngỏ hẻm mờ ảo như thế. Đó không phải là tôi. Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ hỏi về trang phục của tôi lúc đó, tôi cũng nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Tôi không hiểu được. Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý”, ca sĩ Thanh Thúy chia sẻ.
Hư cấu để… bán vé?
Việc ca sĩ Khánh Ly và ca sĩ Thanh Thúy cùng lên tiếng bày tỏ sự không hài lòng về việc ekip làm phim “Em và Trịnh” cố tình dùng tên tuổi của họ và đưa vào phim những chi tiết xuyên tạc, không đúng sự thật đã nhận được sự quan tâm của dư luận và giới làm nghề.
Nhiều ý kiến cho rằng, các đoàn làm phim có quyền khai thác những nhân vật có thật để làm phim. Và khi làm phim, họ có thể dùng các thủ pháp nghệ thuật để kể chuyện, thu hút khán giả. Đồng thời, họ cũng có quyền thêm thắt chi tiết chứ không phải bê nguyên hiện thực. Trong khi đó, khái niệm “hiện thực” quanh những nhân vật nổi tiếng cũng có thể có quan điểm, góc nhìn khác nhau. Nếu là sự kiện thì chỉ có 1, nhưng những câu chuyện liên quan đến các nhân vật quanh sự kiện đó thì mỗi người có một ký ức, một cách kể khác nhau…
Ở chiều ngược lại, những nhân vật “bằng xương bằng thịt” họ có quyền lên tiếng, thậm chí có quyền gửi đơn kiện ra tòa một khi các đoàn phim “bịa chuyện” về họ.
Nhiều độc giả cũng nêu ra quan điểm riêng dưới những bài viết về bộ phim “Em và Trịnh” đăng tải gần đây trên các trang điện tử. “Đã là phim nói về 1 con người thật, việc thật, thì không thể nói là vì nghệ thuật điện ảnh, mà tự hư cấu dễ dãi được” (độc giả “CamYen Phan); “Đạo diễn vô cùng lạ thế, làm bộ phim hư cấu quá nhiều khi người thật, nhân vật thật đang còn sống ra đó, vậy thì bộ phim mang tính chất gì... “ (nguyenthekhaist);
“Tất cả những bộ phim nói về những nhân vật lịch sử đều có hư cấu ít nhiều, ít ra người còn sống mà không hài lòng về nó thì coi như thất bại. Nếu sau này người ta cũng căn cứ theo những hư cấu phóng tác đó để nói về nhân vật lịch sử thì sự thật sẽ khác xa rất nhiều. Nếu làm phim về họ thì nên để nguyên bản và trần trụi nhân vật sẽ tốt hơn là xây dựng họ như một "ngôi sao". Bởi bản thân họ đã là ngôi sao rồi thì cần gì thêm thắt vào nữa” (Quê Hà Nội).
Theo dõi những ồn ào quanh bộ phim “Em và Trịnh”, NSND Nhuệ Giang cho rằng, hai ca sĩ Khánh Ly và Thanh Thúy có quyền lên tiếng về việc không cảm thấy hài lòng trước hình tượng của họ được đưa lên phim. Mỗi người đều đã khẳng định giữa họ và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không hề có một chút tình cảm yêu đương, mà chỉ là tình bạn trong nghệ thuật. Nhưng khi lên phim, mối quan hệ này được lãng mạn hóa, hay ngôn tình hóa, rất dễ khiến nhiều khán giả hiểu lầm, nhất là những ai chưa từng biết hoặc biết rất ít về hai giọng ca Khánh Ly hay Thanh Thúy.
“Tôi hiểu rằng, để tác phẩm điện ảnh thêm hấp dẫn, bán được vé, việc có những tình tiết hư cấu là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, với ca sĩ Khánh Ly và Thanh Thúy, đây đều là những nhân vật vẫn còn sống. Có những khán giả biết rằng, đây là phim hư cấu nhưng cũng không tránh khỏi có những người xem hiểu lầm hình tượng của họ là như vậy trên màn ảnh. Cho nên, tôi nghĩ đoàn phim đã thiếu cẩn trọng trong vấn đề này, mặc dù họ có xin phép hay thông qua gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”, NSND Nhuệ Giang nêu quan điểm.
Ngoài ra, việc sử dụng tên thật của các nhân vật nổi tiếng để đưa lên phim cũng cần phải tính toán cẩn trọng và thực thi những nguyên tắc tối thiểu.
Được biết, đoàn phim “Em và Trịnh” trước khi quay đã liên hệ với ca sĩ Khánh Ly và ca sĩ Thanh Thúy để hỏi ý kiến về một số phân đoạn trong phim, nhưng đều không được đồng ý. Thậm chí Khánh Ly còn nói nếu muốn sáng tạo, muốn giữ kịch bản thì phải đổi tên nhân vật nhưng đoàn phim cũng “phớt lờ”.
Trong khi đó, một số nhân vật họa sĩ bạn bè của Trịnh Công Sơn thì nhóm làm phim lại “tránh né” việc sử dụng tên thật. Sự khai thác các tên tuổi có thật để đưa vào phim rõ ràng có dụng ý, chỉ có điều công chúng thấy sự bất nhất, khó thuyết phục.
Không chỉ là lời xin lỗi
Dường như muốn xóa tan những hồ nghi của dư luận quanh một số tình tiết trong phim bị xem là "không đúng sự thật", vừa qua, ông Lương Công Hiếu - đại diện của Galaxy EE, nhà sản xuất “Em và Trịnh” đã chính thức lên tiếng. Vị đại diện này khẳng định "Em và Trịnh" là bộ phim lãng mạn, không phải là phim tài liệu hay phim tiểu sử.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim "Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật", chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không “copy” y nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim", ông Hiếu cho hay.
Liên quan đến nhân vật ca sĩ Khánh Ly (do Bùi Lan Hương đóng), ông Hiếu nói: "Với độ dài 136 phút, để giữ chân khán giả, bắt buộc "Em và Trịnh" phải cho mỗi nhân vật một nét riêng, cá tính khác biệt nhằm tạo kịch tính cho phim. Không chỉ với Khánh Ly, mà nhiều nhân vật khác như Thanh Thúy, nhóm bạn Tuyệt Tình Cốc… trong phim đều có những chi tiết sáng tạo, hư cấu theo đòi hỏi nghệ thuật của bộ phim”.
Mặc dù đưa ra những lời lẽ để khẳng định và thuyết phục, nhưng chốt lại, đại diện nhà sản xuất “Em và Trịnh” cũng đã lên tiếng xin lỗi. “Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời", ông Hiếu cho hay.
Sự giải thích và xin lỗi này được nhìn nhận như một động thái để “làm dịu” dư luận và tránh những lùm xùm, thậm chí tránh kiện tụng có thể xảy ra. Tuy nhiên, đây cũng là một bài học cho những nhà làm phim sau này, một khi đã chọn những nhân vật nổi tiếng để khai thác thì cần hết sức cẩn trọng.
Trên thế giới đã xuất hiện xu hướng làm phim về những nhân vật có thật, và cũng thường phải đối diện với các phản ứng trái chiều của dư luận, đặc biệt của chính người trong cuộc. Đại diện của Galaxy EE, nhà sản xuất “Em và Trịnh” cũng dẫn ra ví dụ là bộ phim “The Social Network” (Mạng xã hội) sản xuất năm 2010, nói về sự hình thành của mạng xã hội Facebook. Phim lấy đúng tên thật và nhiều chi tiết tiểu sử của Mark Zuckerberg. Ông trùm này lên tiếng chê phim đã “bịa ra nhiều thứ” khiến bộ phim hào nhoáng và u ám hơn thực tế.
Thế nhưng bộ phim vẫn cực kỳ thành công về doanh thu và gặt hái đến 3 giải Oscar, trong đó có giải cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. “Từ ví dụ này, có thể thấy “giống như thật” không phải là cơ sở để đánh giá chất lượng một bộ phim điện ảnh, kể cả khi phim lấy cảm hứng từ nhân vật, sự kiện có thật”, đại diện của Galaxy EE biện luận.
Tuy nhiên, một số chuyên gia điện ảnh và luật sư lưu ý, làm phim về nhân vật có thật (còn sống hay đã qua đời) vẫn cần đảm bảo không bôi nhọ hay xâm phạm đến bí mật riêng tư của các nhân vật. Có những giới hạn bởi quyền nhân thân của nhân vật hoặc của những người mà tác phẩm có đề cập tới. Người tạo ra tác phẩm điện ảnh có thể sáng tạo, chỉnh sửa thêm thắt các tình tiết để cho tác phẩm được hay hơn và hấp dẫn hơn. Nhưng bắt buộc, việc sáng tạo này phải đảm bảo không xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhân vật có thật mà tác phẩm đề cập tới.