Người vẽ những giấc mơ
Đam mê nghệ thuật từ nhỏ, khi có điều kiện, Đinh Phong sưu tập tranh của các họa sĩ tài danh Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Lưu Hậu cùng một số tranh của họa sĩ Trần Hải Minh và một số sĩ khác. Tháng 6/2020, Đinh Phong bắt đầu vẽ, trong vòng hai năm, anh đã có cho mình 3 triển lãm. Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Long gọi Đinh Phong là “cú đột phá khẩu”, còn nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói anh là “tốc lực nghệ thuật”.
Tôi tình cờ biết họa sĩ Đinh Phong trong một triển lãm tại TP HCM qua lời giới thiệu của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình. Dáng người gầy nhỏ, mặc áo phông vàng, quần bò hộp màu đen, đi giày thể thao trắng, tay cầm điện thoại, khuôn mặt khó đoán tuổi, giọng nói nhỏ nhẹ pha chút chậm rãi, mang sự khiêm tốn, Đinh Phong dễ gây thiện cảm cho người lần đầu mới gặp.
“Không rõ niềm đam mê nghệ thuật đến với tôi từ khi nào, chỉ nhớ từ khi học phổ thông, khoảng cuối cấp 2, một lần ghé chơi nhà bạn học, tôi nhìn thấy một tấm ảnh treo trên tường chụp một nhà ga”, Đinh Phong bắt đầu câu chuyện. “Khuôn hình cận cảnh một chàng trai mặc bộ quân phục mới tinh đang bịn rịn chia tay một cô gái xinh đẹp, đôi mắt đẫm lệ, phía sau là đoàn tàu chở đầy quân binh. Bức ảnh được chụp từ những năm đầu của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 ấy làm tôi cảm động”.
Sau này, mỗi khi qua nhà bạn, nhìn lên tấm ảnh, Đinh Phong vẫn thấy trong lòng xúc động khôn nguôi. Cũng từ đó, đi đâu, Đinh Phong cũng hay nhìn ngắm đắm đuối những bức tranh hay ảnh mà anh thấy đẹp.
“Tôi cho rằng niềm đam mê nghệ thuật của mình có ở trong tâm hồn từ khi nào rồi”, họa sĩ Đinh Phong mỉm cười, tâm sự.
May mắn được sinh ra trong một gia đình truyền thống, tuổi thơ của anh là những tháng năm chiến tranh bom đạn, và sơ tán. Đinh Phong hay mơ và rất nhiều ước mơ: “Từ nhỏ, tôi mơ lớn nhanh đủ tuổi để yêu. Tôi yêu nghệ thuật. Tôi thích đọc sách...”.
May mắn, Đinh Phong được vào những thư viện lớn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương hay thư viện của Câu lạc bộ Ba Đình. Có sách là anh đọc ngốn ngấu.
Những năm học hành từ trung học phổ thông rồi đại học trôi qua cũng bình thường giống như bao người khác trong thời kỳ bao cấp khó khăn. Sau khi học xong, năm 1981, Đinh Phong rời Hà Nội vào Nam lập nghiệp, trải qua những tháng năm đói khổ cùng cực và làm việc trong một vài công ty nhà nước. Sau đó, anh đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục và y tế (trường học và bệnh viện) cùng một số căn hộ cho thuê dài hạn, anh để vợ quản lý, điều hành. Đi qua những vất vả, nhiều trải nghiệm và có những thành công nhất định, cuộc sống của Đinh Phong tạm ổn, để anh chuyên tâm vào niềm đam mê nghệ thuật. Đinh Phong có nhiều bạn là họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà phê bình mỹ thuật và những kiến trúc sư. Anh quý trọng và ngưỡng mộ họ. Khi thích tranh của ai, Đinh Phong sẽ mua về treo lên để ngày ngày được chiêm ngưỡng. Anh cũng đọc và xem rất nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc trong và ngoài nước, của những nghệ sĩ lừng danh thế giới. Đinh Phong chưa bao giờ nghĩ có một ngày, anh có thể vẽ và trở thành họa sĩ hay nhà điêu khắc.
Tháng 6/2020, Đinh Phong bắt đầu vẽ. Đây là thời gian giãn cách vì dịch bệnh, quẩn quanh ở nhà ít ra ngoài, Đinh Phong vẽ chỉ để giải trí. “Thời gian đầu, tôi phải ngồi rất lâu trước tấm toan để nhập tâm, giống như ngồi thiền. Có khi ngồi hai tiếng mà chẳng làm được gì, nản lắm”. Sau những bỡ ngỡ, anh lao vào vẽ ào ạt như bão như giông, xuyên ngày đêm, quên ăn quên ngủ, thật kỳ lạ là không thấy mệt. Những lần vẽ sau, anh dễ nhập vào tác phẩm hơn: “Tôi cứ vẽ giống như vô thức. Pha mầu, phối mầu, bố cục theo phản xạ. Tôi không hề chọn vẽ theo một phong cách hay trường phái nào cả. Rất nhiều người cho rằng tôi vẽ trừu tượng hay siêu thực. Thực ra, tôi vẽ những thứ tôi nhìn thấy trong giấc mơ, nó rất thật, thật hơn cả thật nên tôi đặt tên nó là “siêu thực” có nghĩa giấc mơ siêu thực”.
Những tác phẩm đầu tiên, Đinh Phong chuyển tới họa sĩ Trần Hải Minh. Sau khi xem, Trần Hải Minh nói, “Phong vẽ làm Minh “choáng” đấy, không có nhiều người vẽ được như vậy”. Đinh Phong hỏi lại, có thật vậy không? Trần Hải Minh trả lời: “Rất chân thành!”
Đinh Phong cũng gửi những bức tranh đầu tiên đó cho họa sĩ Ca Lê Thắng. Khi thấy tranh của anh, họa sĩ Ca Lê Thắng thốt lên “Ối chà!”. Đinh Phong hỏi, thế là sao? Họa sĩ Ca Lê Thắng bảo, vẽ rất hay rất đẹp, Phong tiếp tục đi!
Những lời xác nhận và động viên của họa sĩ đàn anh làm Đinh Phong tự tin và dấn thân vào đam mê của mình. Anh mải miết vẽ mãi những hình ảnh từ trong giấc mơ và tiềm thức.
“Làm điêu khắc cũng vậy.” Đinh Phong tâm sự. “Rất nhiều câu hỏi về những tác phẩm điêu khắc của tôi, vì sao chúng hòa điệu cùng với những bức tranh tôi đã vẽ. Thật ra những vật thể hay hình thể tôi vẽ trên tấm toan hai chiều trước khi vào tranh, đã ở trong tâm thức của tôi là một không gian ba chiều. Khi tôi làm tượng, là đã có sẵn rồi”.
Cuối năm 2020, triển lãm đầu tiên của Đinh Phong diễn ra tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Ban đầu, anh dự định trưng bày chung cùng họa sĩ Trần Hải Minh, nhưng vì lý do riêng, họa sĩ Trần Hải Minh không tham gia được.
Khi ấy, Đinh Phong rất bối rối và luyến tiếc. Cũng là hữu duyên, anh gặp họa sĩ Đinh Sơn và nhận được lời động viên: cố vẽ thêm cho đủ tranh triển lãm, cần cố gắng một chút! Họa sĩ Đinh Sơn nhiệt tình hỗ trợ Đinh Phong rất nhiều. Đinh Sơn khuyên Đinh Phong nên làm thêm tượng gốm giống kiểu hình khối anh đang vẽ. Ban ngày, Đinh Phong làm tượng do Đinh Sơn hướng dẫn, ngay tại xưởng của Đinh Sơn. Ban đêm về nhà vẽ tranh, nhờ Đinh Sơn chỉ bảo những kĩ thuật cơ bản trong hội họa.
Cứ như vậy, từ đầu tháng 6 đến đến tháng 11/2020, Đinh Phong có gần 80 tác phẩm hội họa và điêu khắc. Triển lãm “Người bay và giấc mơ siêu thực” diễn ra thành công ngoài mong đợi. Đinh Phong được bạn bè, các họa sĩ, nhà điêu khắc, các nhà chuyên môn... đón nhận. Anh vô cùng hạnh phúc.
Tháng 4/2021, Đinh Phong tiếp tục triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, lấy tên là “Giấc mơ Siêu thực”. Triển lãm lần này bổ sung một số tác phẩm tranh và tượng mới. Triển lãm tiếp tục là một thành công lớn đối với Đinh Phong, khi anh được đông đảo giới chuyên môn, công chúng và bạn bè gần xa đến tham dự, thưởng lãm, ngoài ra, còn có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi từ Hà Nội, từ miền Trung cũng bay vào tham dự. Trong triển lãm, họa sĩ Ca Lê Thắng phát biểu, đây là sự “đột biến” và “Đinh Phong kiếp trước đã là họa sĩ”.
Triển lãm lần thứ ba được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 5/2022. Trong triển lãm, Đinh Phong trưng bày những tác phẩm tranh và tượng lớn. Vinh dự với anh, là được nhà điêu khắc Đào Châu Hải tham gia triển lãm chung.
“Trong cuộc đời mỗi người thường có những bước ngoặt”, Đinh Phong tâm sự. “Đối với tôi, như nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân nói: “Đinh Phong từ một người không biết vẽ trở thành người chỉ biết vẽ”. Suốt thời gian vừa qua, tôi chỉ sống với niềm đam mê nghệ thuật vẽ tranh và làm điêu khắc. Tôi làm việc không có giờ giấc. Làm cả ngày cả đêm không biết mệt.
Thật may mắn tôi có người vợ ngày đêm lo lắng thương yêu chăm sóc mọi bề, từ giấc ngủ cho đến bữa ăn. Sau mỗi tác phẩm, tôi lại bị thôi thúc lôi cuốn tiếp tục tác phẩm khác. Ngắm nhìn tấm toan trắng thấy thích hơn ngắm bức tranh đã vẽ xong”.