93 tuổi vẫn ‘gánh gánh gồng gồng’
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp nhà văn Xuân Phượng là sự nồng nàn, ấm áp và nhanh nhẹn, không có vẻ gì của người ở tuổi U100. Cũng không có vẻ kiêu ngạo của người đang rất nổi tiếng trên văn đàn với Giải thưởng Hội Nhà văn 2020 với cuốn hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” và những câu chuyện đồn thổi về “sự mát tay” của bà trong giới hội họa.
1. Bà từ TP HCM ra Hà Nội. “Vừa là thăm những người bạn rồi sau đó làm việc với đoàn làm phim. Có những người bạn chơi với nhau mấy chục năm như Thu Giang, lại có những người bạn mới như các bạn, mình rất vui, chỉ tiếc thời gian eo hẹp quá…”, bà nói.
Thu Giang bà nhắc ở đây là nữ họa sĩ, con gái út của nhà văn Nguyễn Tuân, vợ của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, sáng hôm ấy cũng chờ bà Xuân Phượng ở 90 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nơi có bảo tàng của nhà văn Nguyễn Tuân và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm do nữ họa sĩ tạo lập. Bà Thu Giang ít tuổi hơn nhưng họ có với nhau một tình bạn vong niên. Bà hẹn chúng tôi ở đây, bà bảo hôm nay là buổi cuối cùng được rảnh rỗi tại Hà Nội.
Tuổi 93, có ai được như vậy? Riêng việc có thể đi khắp nơi, đường dài bằng xe 4 chỗ. Từ TP HCM lên Đà Lạt khứ hồi, hay từ TP HCM ra Hà Nội rồi sẽ quay lại cũng trên chiếc xe đó đã cho thấy một sức khỏe và một nghị lực phi thường của bà. Cùng rong ruổi trên xe là một lái xe và một chị giúp việc, họ luôn là 2 người bạn đường trung thành.
Bà là tác giả của 2 cuốn sách. Cuốn “Áo dài” bằng tiếng Pháp và cuốn “Gánh gánh gồng gồng” hơn 300 trang, khổ 16x24cm. Các tác phẩm điện ảnh của bà có thể kể đến: “Việt Nam và chiếc xe đạp”, “Khi tiếng súng vừa tắt”, “Khi những nụ cười trở lại”, “Tôi viết bài ca hồi sinh”, “Hai tiếng quê hương”, “Trên một đoạn đường Trường Sơn”, “Ông Năm Yersin” và nhiều phim hợp tác với các nhà đạo diễn phim tài liệu Pháp, Mỹ, Nhật từ năm 1968 đến năm 2000 (Vĩ tuyến 17- Chiến tranh Nhân Dân, Đạo diễn Joris Ivens-1967)… với nhiều giải thưởng của các liên hoan phim quốc tế trong và ngoài nước.
Là con một gia đình quyền quý, từng học bằng tiếng Pháp trong Tu viện ở Đà Lạt nhưng bà rời nhà theo kháng chiến từ năm 16 tuổi. Trên con đường kháng chiến đầy gian khổ ấy, bà trải qua rất nhiều nghề có mặt ở nhiều nơi như: y tá, kỹ thuật viên thuốc nổ, phóng viên, làm nương rẫy, phiên dịch… Cái gánh nặng bởi sự chọn lựa của chính mình. Bà cùng chồng con sống cuộc đời thanh đạm, nghèo khó. Chồng bà là một lãnh đạo cao cấp trong quân đội. Ông tuyệt đối thanh liêm. Bà một mình nuôi 2 đứa con, lương ba cọc ba đồng, bà hướng dẫn cho đứa lớn dán phong bì thuê, còn bà dịch sách để có nhuận bút… Cho đến năm 1974 trở đi bà bắt đầu sang lĩnh vực điện ảnh. Năm 1989 bà nghỉ hưu.
2.Do khác biệt về lựa chọn, cha mẹ và những người ruột thịt của bà đã có cuộc sống ổn định ở Mỹ, họ rất mong nhớ con gái. Với văn hóa và khả năng tiếng Pháp của mình, bà Xuân Phượng tìm đường sang Pháp năm 1989. Ở đây bà đã gặp lại mẹ từ Mỹ sang sau nhiều tháng chờ đợi…
Trong những ngày tháng đó bà được người thân và bạn bè, những người biết nhiều về bà đã giới thiệu cho bà việc làm: dịch báo chí, dịch tài liệu cho các trường Đại học, thuyết minh phim, cùng làm phim về những người nổi tiếng của Pháp (có thời đã đến Việt Nam)…
Từng đi dự Liên hoan phim Cannes năm 1990 với nhiệm vụ tóm tắt những phim đã chiếu ở Liên hoan, kèm theo lời nhận xét về nội dung những phim đó cùng khả năng hấp dẫn đối với thị trường phim châu Á…
Ở Pháp, bà đã gặp gỡ rất nhiều nhân vật đình đám, có uy tín và nhiều ngôi sao điện ảnh thế giới... Những cuộc gặp gỡ, cộng với nền văn hóa Pháp của những bảo tàng mỹ thuật và cuộc sống văn hóa, văn minh ấy đã tác động và làm thay đổi 30 năm của cuộc đời bà cho đến hôm nay.
Năm 1991, quay trở lại Việt Nam, với vốn liếng tích cóp được nhờ những ngày lang thang các bảo tàng mỹ thuật của xứ sở ánh sáng, bà Xuân Phượng xin giấy phép mở phòng tranh Lotus tại TP HCM , đồng thời quyết tâm giới thiệu mỹ thuật Việt Nam - văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Sau giải phóng, các phòng tranh tư nhân ở TP HCM đóng cửa, chỉ có hai công ty quốc doanh Xunhabasa và Fahasa là được độc quyền bán tranh của các họa sĩ. Cho nên việc xin giấy phép lúc đầu cũng gặp những trở ngại. Song, nhờ cơ chế khuyến khích tư nhân hoạt động thương mại của thành phố, phòng tranh đã ra đời.
Chồng của bà là PGS Tôn Thất Hoàng sống và tư duy trong môi trường quân ngũ nên ông khá cứng nhắc. Ông cho rằng mở gallery bà sẽ quên con đường vào thư viện vốn là điều tâm đắc trước đây của bà. Nhưng với quyết tâm, bà đã đưa ông đến những cuộc triển lãm để thấy cuộc sống của người họa sĩ đã thay đổi thế nào nhờ tiền bán tranh. Dần dần, chồng bà không còn nghĩ gallery chỉ là nơi thuần buôn bán kinh doanh nữa.
Mở gallery thời nào cũng không đơn giản, vốn phải lớn, phải có trực giác tốt, thẩm mỹ tốt, phải có tri thức về hội họa không những để nhận biết tranh đẹp - xấu, trường phái nào đang được ưa chuộng, trường phái nào sẽ “tung cánh” trong tương lai, và dòng tranh nào, tên tuổi nào nên được ưu tiên giới thiệu trước.
Lận lưng với số vốn 2.000 USD dành dụm khi đi làm ở nước ngoài, bà đã đến các phòng triển lãm đang mở lúc bấy giờ và phát hiện ra Trương Đình Hào - một tên tuổi còn xa lạ. Nhưng bà đã tin vào bản thân, hỏi mua luôn số tranh của họa sĩ. Vợ chồng ông Hào mừng quá, đang lúc ế ẩm, có 72 bức bán luôn cho bà Phượng với giá tiền một nửa. Nhưng sau đó bà đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên cho ông. Một nửa số tranh của họa sĩ được bán hết. Bà lại đưa tranh ông sang Pháp và các nước châu Âu.
Bà từng phải bán trang sức, cầm cố đồ đạc của mình để phòng tranh hoạt động. Phòng tranh chỉ sưu tập tác phẩm của các họa sĩ tài năng nhưng chưa nhiều người biết đến để giới thiệu ra thế giới một nền mỹ thuật Việt Nam đa dạng và cũng là để hỗ trợ những nghệ sĩ khó khăn. Bà đã phát hiện ra những họa sĩ đang sống trong cảnh nghèo khó, người mở triển lãm không bán được bức nào.
Bà nghĩ, phải giúp họ. Có thể kể đến họa sĩ Hoàng Sùng. Bà đã đưa ông cũng như đưa Trương Đình Hào cùng tranh của ông sang Pháp, giới thiệu, trao đổi giá cả với các nhà sưu tập Pháp. Sau này, họa sĩ Hoàng Sùng bán được nhiều tác phẩm trên thị trường trong nước, thế giới và mới hiểu hết những quyết định của Xuân Phượng ngày ấy. Chỉ riêng với Trương Đình Hào và các con của ông bà đã cùng họ bán trên 4.000 bức tranh ở Pháp. Sự dấn thân vào lĩnh vực hội họa của bà Xuân Phượng đã được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh tháng 7/2011.
3.Như đã nói, chẳng có việc gì dễ dàng, nhất là việc dấn thân vào lĩnh vực văn hóa - mỹ thuật. Tác phẩm luôn là vô giá, nhưng cũng chẳng có giá nào. Đôi khi có chủ ý tốt nhưng kết quả chưa chắc đã tốt. Không phải lúc nào sự đồng hành của 4 yếu tố: tác giả - tác phẩm - người môi giới - nhà sưu tập cũng suôn sẻ. Bà cũng đang ấp ủ dự định ra mắt một tập sách mang tên “Sắc màu không biên giới”, viết về những chặng đường và vấp ngã trong hành trình sưu tập tranh.
Tròn 30 năm kể từ ngày mở phòng tranh, giờ đây đạo diễn phim Việt Nam quyết định dừng lại để chuẩn bị cho những hành trình mới. Gallery sẽ được bà chuyển giao cho thế hệ trẻ nhưng vẫn mang trọn vẹn những ấp ủ của ngày đầu thập niên 1990, đó là và trước hết làm bệ đỡ cho họa sĩ chưa thành danh.
Ra Hà Nội lần này, tháng 6 thời tiết khắc nghiệt, nhưng bà Xuân Phượng vẫn chẳng nề hà, hết gặp gỡ cho đỡ nhớ bạn bè, nhớ phố phường Hà Nội, bà lại tiếp tục đi với đoàn để làm phim mới. Cuộc đời của người phụ nữ này, điều tuyệt vời nhất trước hết là vẫn khỏe mạnh ở tuổi 93, vẫn làm việc có hiệu quả: viết sách, làm phim, dịch sách nhưng đáng ngưỡng mộ nhất là ở tấm lòng: luôn nghĩ cho người khác, giúp đỡ người khác và nghĩ cho đất nước, mong muốn thế giới biết đến một Việt Nam không chỉ anh dũng chống ngoại xâm mà còn có một nền mỹ thuật đáng kể.