Coi chừng mắc... sán lá gan
Mùa hè, đi du lịch và ăn nhiều món ăn lạ miệng, coi chừng mắc… sán lá gan. Đó là cảnh báo của một số bác sĩ, khi trong thời gian qua đã điều trị cho một số bệnh nhân bị sán lá gan do ăn các món gỏi.
Bệnh sán lá gan nhỏ đa số trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng lâm sàng hoặc có 4 triệu chứng như:
- Rối loạn tiêu hóa: phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, ăn nhiều mỡ đau tăng lên.
- Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút.
- Đau tức hạ sườn phải và vùng gan, xuất hiện khi lao động nặng, đi lại hoặc khi sức khỏe giảm sút. Đôi khi có cơn đau gan điển hình và kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp bị sạm da.
- Gan có thể sưng to dưới bờ sườn, mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể đau điểm túi mật.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh sán lá gan nhỏ có các thể nhẹ, thể trung bình và thể nặng.
* Đối với thể nhẹ: Giai đoạn đầu, đa số không có triệu chứng điển hình, đôi khi có rối loạn tiêu hóa.
* Đối với thể trung bình: Ttương ứng giai đoạn toàn phát người bệnh xuất hiện các triệu chứng sau:
Toàn thân: Mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, giảm cân.
Đau bụng: Thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải hoặc cả hai, đau tăng khi lao động nặng, đi lại, có thể có cơn đau gan điển hình, đau bụng có thể kèm theo tiêu chảy.
Rối loạn tiêu hóa: Phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch.
Vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có xạm da. Khám gan to dưới bờ sườn, ấn mềm, lúc này có thể có điểm đau túi mật.
* Đối với thể nặng, giai đoạn cuối bệnh nhân càng ăn kém, gầy yếu, sụt cân, giảm sức lao động. Phần lớn người bị bệnh sán lá gan có xơ gan ở nhiều mức độ khác nhau do sán kích thích tăng sinh tổ chức xơ lan tỏa, đường mật dày lên, kém đàn hồi, có thể bị tắc.
Những trường hợp không điều trị có thể dẫn đến xơ gan, cổ trướng và bệnh có liên quan đến ung thư biểu mô đường mật gây tử vong.
Phân biệt giữa “sán nhỏ” và “sán lớn”
Sán lá gan là một loài ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, gây ra bệnh lý tại nhiều cơ quan nhưng chủ yếu ở gan và đường mật. Bệnh sán lá gan ở người chia làm hai nhóm: sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên tổn thương đường mật, túi mật và các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm. Người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động như gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói... Tuỳ thuộc vào thời gian mắc bệnh và cường độ nhiễm cũng như các yếu tố ảnh hưởng mà các biểu hiện lâm sàng điển hình hay không điển hình.
Còn bệnh sán lá gan lớn là bệnh ký sinh trùng do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây nên những tổn thương, ổ áp xe tại gan hoặc các cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ. Sán lá gan lớn hình thù giống như một cái lá cây màu cháo lòng hoặc nâu nhạt, dài khoảng 2 - 3cm, rộng từ 10 đến 15mm.
Chúng sống trong ống mật của người bệnh, đẻ trứng và từ ống mật trứng sán di chuyển xuống ruột theo phân ra ngoài, xuống nước nở thành ấu trùng. Trong nước ấu trùng sán này cũng “thay hình đổi dạng” nhiều lần như sán lá gan nhỏ, nhưng khác một điều là chúng không vào ký sinh trong cơ thể cá mà lại bám vào các loại thực vật mọc dưới nước trở thành nang trùng sống ở đấy.
Khi chúng ta ăn phải các loại rau củ mọc dưới nước có nang trùng không được nấu chín kỹ hoặc ăn sống sẽ ăn theo cả nang trùng sán vào cơ thể và mắc bệnh. Ngoài ra chúng ta cũng có thể mắc bệnh do uống nước lã có nang trùng sán.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.
- Giai đoạn cấp tính: Thường có sốt, đau hạ sườn phải và đau bụng.
- Giai đoạn mãn tính: Thường các triệu chứng không còn điển hình nên dễ nhầm với bệnh khác với các dấu hiệu như: khó chịu vùng dạ dày, đau hạ sườn phải hoặc thượng vị, viêm mật, đường mật, sỏi túi mật. Gan luôn luôn to, có thể không đau khi sờ.
Cách nào để phòng tránh?
Bệnh sán lá gan đã xuất hiện từ lâu. Một con số thống kê đã cho thấy, thường xuyên ăn gỏi cá, khoảng 1 triệu người Việt Nam nhiễm sán lá gan nhỏ.
Trong đó, tập trung nhiều ở 21 tỉnh thành ở khu vực miền Bắc và 11 tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên có lưu hành bệnh. Đáng lưu ý tại các khu vực như: Kỳ Sơn – Hòa Bình; huyện Ba Vì - Hà Nội; huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu - Nam Định; huyện Nga Sơn, Hà Trung - Thanh Hoá; huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Gia Viễn - Ninh Bình; Huyện Thanh Sơn, Tân Sơn - Phú Thọ; huyện Yên Bình, Lục Yên - Yên Bái; huyện Tuy Hòa - Phú Yên và huyện Phù Mỹ - Bình Định… có tỷ lệ nhiễm sán lá gan nhỏ cộng đồng rất cao. Vì những địa phương này người dân có thói quen ăn gỏi cá.
Bên cạnh ăn gỏi cá, qua các nghiên cứu, các chuyên gia y tế chỉ ta những trường hợp mắc sán lá gan là những người hay ăn đồ sống, gỏi, rau thủy sinh..., sống ở ven sông, gần các khu chăn nuôi gia súc như trâu, bò, cừu; hoặc là người có tiền sử đã từng ăn cá sống đánh bắt ở vùng dịch tễ (vùng có bệnh sán lá gan lưu hành).
Theo BS Nguyễn Thọ (Viện Sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), hầu hết những người nhiễm sán lá gan không biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng không rõ rệt nên người bệnh thường bỏ qua, chỉ đến khi xuất hiện các biến chứng mới tới bệnh viện điều trị. Các triệu chứng thường gặp gồm: Đau bụng âm ỉ vùng hạ sườn phải, lan ra phía sau lưng hoặc sang bên trái, tới vùng thượng vị; Đầy bụng, buồn nôn, chóng mặt; Rối loạn tiêu hóa; Da xanh tái do thiếu máu; Sốt: có thể sốt cao kèm rét run, hoặc chỉ thoáng qua rồi hết; Vàng da, nổi mề đay, sút cân.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống của người dân, vì vậy phòng bệnh là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Người dân không ăn sống các loại rau mọc dưới nước; không uống nước lã; người nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chủ động phát hiện và điều trị sớm bệnh sán lá gan lớn tại vùng lưu hành bệnh. Định kỳ tẩy sán cho trâu, bò, cừu, dê...
Để chẩn đoán một ca bệnh sán lá gan, sẽ phải phối hợp các thông tin về đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Điều trị sán lá gan chủ yếu là điều trị nội khoa với các thuốc diệt ký sinh trùng. Các thuốc cần được chỉ định sớm và đúng liều. n
4 triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh sán lá gan lớn:
- Chủ yếu là đau tức vùng gan, ậm ạch khó tiêu hoặc đôi khi đau thượng vị.
- Có thể kèm theo tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc, sốt kéo dài.
- Một số trường hợp rối loạn tiêu hóa, kém ăn, sụt cân, sẩn ngứa/mề đay.
- Có trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện khối u trong gan khi khám sức khỏe hay khám bệnh khác, sau đó mới xác định do sán lá gan lớn.
* Đối với thể nhẹ: Triệu chứng lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn thường không đặc hiệu, có trường hợp không có triệu chứng, chỉ khi khám sức khỏe mới phát hiện tổn thương. Người bệnh thấy mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút, sốt, thiếu máu.
* Đối với thể trung bình: Đau bụng: Đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau (chiếm 70-80% các trường hợp), hoặc đau vùng thượng vị hoặc và mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, đau từng cơn, đau tức.
Sốt: Sốt cao, rét run đôi khi sốt kéo dài.
Thiếu máu: Da xanh, niêm mạc nhợt. Gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài.
Rối loạn tiêu hóa: Người bệnh có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn.
* Đối với thể nặng: Một số người bệnh có biểu hiện lâm sàng của biến chứng: Tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa...
Gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau.
Phản ứng viêm: Đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da.
Có mẩn ngứa ngoài da, dị ứng da gặp ở 20-30% người bệnh, biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, bứt rứt, khó chịu.
Ho, khó thở; mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút.
Sốt: Sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc chỉ sốt thoáng qua rồi hết, đôi khi sốt kéo dài.
Tràn dịch màng phổi.
Các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ ngực, bắp chân hoặc các cơ quan khác.
Có trường hợp vỡ gan (Việt Nam đã gặp 1 trường hợp năm 2014).