Đưa hoạt động quảng cáo vào quy củ
Kể từ khi được áp dụng, Luật Quảng cáo đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, hiện nay cũng đã xuất hiện bất cập, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và phát triển hoạt động quảng cáo.
Loạn... hình thức quảng cáo
Qua 10 năm thực thi Luật Quảng cáo, các quy định liên quan hàng năm số lượng doanh nghiệp (DN) quảng cáo đều tăng… một số hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo đã bị các cơ quan chức năng xử lý.
Tuy nhiên, cùng với những điểm mạnh, Luật Quảng cáo cũng xuất hiện những bất cập, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và phát triển hoạt động quảng cáo như: nội dung quảng cáo thiết kế nghèo nàn, đơn điệu, không thu hút, không đáp ứng được nhu cầu của DN. Đáng chú ý, xuất hiện nhiều quảng cáo phản cảm, gây tranh cãi, bất ổn trong xã hội… Có tình trạng biển quảng cáo ngoài trời không lành mạnh gây mất mỹ quan đô thị, thậm chí mất an toàn giao thông...
Sự xuất hiện của các loại hình quảng cáo mới thông qua người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng đang là xu hướng quảng cáo mới, có hiệu quả cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều bất cập trong việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Vẫn còn một số quy định chưa cụ thể, rõ ràng về thủ tục hành chính đối với một số sản phẩm quảng cáo gây khó khăn trong việc thực hiện. Nhiều DN vì lợi ích kinh tế mà bỏ quên truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục.
Tình trạng quảng cáo tràn lan trên các trang tin điện tử, mạng xã hội với nội dung chưa được kiểm chứng, quảng cáo sai sự thật, cường điệu quá mức về công dụng của sản phẩm, dịch vụ… gây phản cảm và thiệt hại cho người tiêu dùng đã và đang khiến dư luận xã hội bức xúc.
Trên thực tế, nhiều DN sử dụng những hợp đồng thuê hình ảnh của những người nổi tiếng làm đại diện cho thương hiệu sản phẩm của mình. Hình thức quảng cáo này được gọi là đại diện thương hiệu. Mỗi lời nói hoặc hành động của người đại diện thương hiệu là sự bảo đảm chắc chắn về chất lượng, giá, công dụng… của sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Các nhà sản xuất và DN quảng cáo đã tận dụng triệt để hình thức này trong hoạt động quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hàng hóa của họ. Trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu về chất lượng, sai công dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… thì trách nhiệm của người đại diện thương hiệu sẽ được đặt ra như thế nào, chế tài xử phạt đến đâu? Có lẽ, đây là vấn đề vẫn còn bị bỏ ngỏ trong quy định của pháp luật về quảng cáo hiện nay.
Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, hiện quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội chiếm tới 70% thị phần quảng cáo mà phần lớn doanh số rơi vào tay các nền tảng xuyên biên giới của nước ngoài, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn chồng chéo, nhiều lực lượng tham gia nhưng thiếu chế tài đối với đối tượng vi phạm cho nên kết quả xử lý còn hạn chế, tình trạng quảng cáo không phép, sai phép còn phổ biến ở nhiều địa phương.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trịnh Thị Thủy cho rằng, nhiều DN vì lợi ích kinh tế mà bỏ quên truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục. Những vấn đề thực tiễn cho thấy Luật Quảng cáo hiện hành và các văn bản quy định chi tiết đã bộc lộ những bất cập, chưa theo kịp thực tiễn mới.
Sửa đổi để hoàn thiện
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Quảng cáo, Bộ VHTTDL đã đề xuất một số sửa đổi để giải quyết những bất cập hiện tại của Luật Quảng cáo: Các quy định về tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam; quy định đối với hoạt động đầu tư, hợp tác của DN quảng cáo nước ngoài; quy định về cơ chế hoạt động của hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo, hiệu lực pháp lý của kết quả thẩm định, yêu cầu của việc xây dựng và thực thi quy tắc ứng xử nghề nghiệp.
Cùng với đó cần sửa đổi, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nhằm xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, nhất là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngăn ngừa quảng cáo không trung thực, quảng cáo sai sự thật. Một số nội dung về thủ tục hành chính tại Luật Quảng cáo như thời hạn treo băng - rôn; một số thành phần hồ sơ trong thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng quảng cáo, băng - rôn; người thực hiện quảng cáo…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ đề nghị các sở, ngành phải tích cực tham mưu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm quản lý về quảng cáo; tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về quảng cáo, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp.
Có thể thấy, việc đánh giá, nhìn nhận và tiến tới sửa đổi nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với Luật Quảng cáo đang là một yêu cầu cấp bách. Sự sửa đổi và hoàn thiện để thích ứng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời cũng là cách tăng cường sự biểu đạt các giá trị thẩm mỹ, văn hóa xã hội ở lĩnh vực kinh tế này.