Nhu cầu dịch vụ ngày càng lớn
Nếu như không nói về nhập siêu dịch vụ, khi nhìn vào số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng vọt cũng là điều đáng mừng. Tất cả đang cho thấy nhu cầu dịch vụ ngày càng lớn. PGS TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định, triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ là rất rõ ràng.
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng tới 81,8% trong 6 tháng đầu năm, được nhìn nhận là mức tăng trưởng vượt bậc. Theo ông điều gì đã tạo nên kết quả này?
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng: Xuất khẩu dịch vụ tăng cao trong 6 tháng đầu năm, chủ yếu do mở cửa kịp thời thị trường dịch vụ du lịch nhất là du lịch quốc tế và dịch vụ vận tải với các tuyến hàng không quốc tế, dịch vụ vận tải hành khách phục hồi. Đại dịch Covid -19 được kiểm soát, loại bỏ quy định giãn cách xã hội và quyết tâm mở cửa các loại dịch vụ. Điều này cho thấy sự đúng đắn và kịp thời của chính sách cùng với sự chuẩn bị tốt của các đơn vị cung ứng dịch vụ. Con số tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ rất cao cho thấy nhu cầu dịch vụ lớn. Những dữ liệu nói trên cho thấy triển vọng đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ là rất rõ ràng.
Quy mô xuất khẩu dịch vụ nhỏ chiếm chưa đến 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo ông, muốn tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ cần giải pháp gì?
- Quy mô xuất khẩu dịch vụ so với tổng kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ song tốc độ tăng trưởng cao cho thấy cần đầu tư nhiều hơn vào cải thiện năng lực cung ứng dịch vụ, đặc biệt là năng lực cung ứng dịch vụ du lịch quốc tế. Theo đó cần tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở du lịch quốc tế trong nước, sáng tạo nhiều sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn du khách, quảng bá, kích cầu, tăng kết nối.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng, xuất khẩu dịch vụ chỉ chiếm 2,3 % - 2,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, trong khi nhập khẩu dịch vụ chiếm 5,5% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Nhập siêu dịch vụ lớn nhất là dịch vụ vận tải. Bởi vậy, chúng ta cần phải đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ vận tải trên cơ sở đẩy mạnh vận tải ngoài nước, nhất là vận tải biển đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Với dịch vụ vận tải nói chung cần tăng cường năng lực cung ứng quy mô lớn, phục hồi tuyến cũ và mở thêm tuyến mới. Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; coi trọng phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng cao như viễn thông, ngân hàng, tài chính, dịch vụ bảo hiểm... Đồng thời với việc mở cửa với xuất khẩu dịch vụ du lịch thì cần kiểm soát tốt hơn việc nhập khẩu dịch vụ du lịch. Ngoài ra, chấn chỉnh các khâu đón khách quốc tế sau thời gian ngành này bị khủng hoảng do đại dịch...
Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu kỹ năng thương mại quốc tế nên bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu dịch vụ. Quan điểm của ông thế nào?
- Nguồn nhân lực đòi hỏi tính chuyên nghiệp hóa cao nhưng vì năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế nên cũng cần đầu tư thỏa đáng để cải thiện. Đầu tư vào phát triển năng lực chuyên môn cần đồng bộ với cơ sở vật chất, năng lực quản trị, kỹ năng thuyết phục, thương thảo, xây dựng quan hệ khách hàng, mạng lưới. Việc cung ứng dịch vụ cần đội ngũ phát triển cả về trình độ, kỹ năng và mạng lưới kết nối thực chất, bền vững, lâu dài.
Chúng ta đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, điều này có đưa đến cơ hội cho xuất khẩu dịch vụ không, thưa ông?
- Các hiệp định thương mại tự do (FTA) góp phần thúc đẩy thương mại dịch vụ. Mỗi FTA đều có chương thương mại dịch vụ. Việc tận dụng ưu đãi cam kết thương mại dịch vụ là cần thiết. Cần đầu tư cải thiện chất lượng theo chuẩn mực quốc tế để mở rộng thị trường thương mại dịch vụ.
Cơ hội xuất khẩu dịch vụ rất lớn. Tuy nhiên chúng ta cũng sẽ phải cạnh tranh gay gắt trong môi trường hội nhập kinh tế. Song nếu cải thiện được hệ thống nhà cung ứng dịch vụ, nâng cao chất lượng thì xuất khẩu dịch vụ sẽ còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác.
Trân trọng cảm ơn ông!