Xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2022: Lưu ý để đạt đúng nguyện vọng
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 có một số thay đổi như: Thí sinh phải đăng ký trực tuyến; đăng ký xét tuyển và thay đổi (nếu có) chỉ diễn ra trong cùng một đợt… Vì vậy, thí sinh cần lưu ý để lựa chọn và đăng ký xét tuyển đúng.
Lưu ý về thời gian, cách thức đăng ký nguyện vọng
Theo hướng dẫn từ Bộ GDĐT, trước 17h ngày 15/7/2022, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành sẽ nộp Hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo mẫu (không giới hạn số nguyện vọng) về các cơ sở đào tạo theo hướng dẫn của cơ sở đào tạo.
Trước 17h ngày 18/7/2022, theo hướng dẫn của Sở GDĐT, thí sinh (trừ các thí sinh đã và chưa tốt nghiệp các năm trước) sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập (học bạ) cấp THPT trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung và phải phản ánh lại với thầy, cô có trách nhiệm nơi thí sinh học cấp THPT để sửa sai (nếu có).
Từ ngày 12/7/2022 đến ngày 18/7/2022, thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trung cấp (thí sinh tự do) nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thông tin cá nhân trên Hệ thống phải thực hiện việc đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Từ ngày 22/7/2022 đến 17h ngày 20/8/2022, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.
Từ ngày 21/8/2022 đến ngày 17h ngày 28/8/2022, thí sinh phải xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống đồng thời nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến.
Từ ngày 22/7/2022 đến 17h ngày 20/8/2022, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên Hệ thống. Trong trường hợp chưa xác định nhập học, thí sinh có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như thí sinh khác để cơ sở đào tạo xét tuyển. Nếu trúng tuyển, thí sinh xác nhận nhập học theo lịch chung.
Trước 17h ngày 30/9/2022, tất cả các thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống.
Từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Sắp xếp nguyện vọng phù hợp để tránh rủi ro
Năm nay, đa số các trường đại học đều tuyển sinh bằng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, như xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển qua điểm thi đánh giá năng lực, xét tuyển qua kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.... Cho nên, rất nhiều thí sinh đưa ra thắc mắc là, nếu đã trúng tuyển bằng phương thức học bạ vào một ngành rồi nhưng sau đó lại đủ điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vào ngành khác thì có được chọn lựa không?
Với câu hỏi này, Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM chia sẻ: Theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ GDĐT, đối với các phương thức xét tuyển sớm như đánh giá năng lực, học bạ THPT, xét tuyển thẳng,... các trường phải công bố cập nhật dữ liệu danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm trên cổng tuyển sinh của Bộ GDĐT trước 17 giờ ngày 21/7. Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần).
Do đó khi nhà trường công bố điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm, nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm vào ngành mình thích, thì nên cân nhắc vào cổng thông tin của Bộ điều chỉnh sắp xếp nguyện vọng ngành đủ điều kiện trúng tuyển lên trước.
Nếu còn cân nhắc về ngành học hay trường chưa phù hợp thì thí sinh có thể sắp xếp lại thứ tự nguyện vọng sao cho phù hợp với mình nhất tránh rủi ro. “Một điều lưu ý là khi đã trúng tuyển vào ngành, trường mình thích ở phương thức xét tuyển sớm rồi thì thí sinh nên xác nhận nguyện vọng 1 ngay cho ngành phương thức này trên hệ thống để trúng tuyển nguyện vọng 1. Vì thí sinh trúng tuyển nhập học ở phương thức xét tuyển nào cũng đều học tập, có bằng cấp như nhau” - cô Hoa nhấn mạnh.
Tư vấn về cách sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển sao cho dễ trúng, Thạc sĩ Phùng Quán, chuyên gia hướng nghiệp - tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM cho hay: Nguyên tắc đăng ký nguyện vọng là đăng ký nguyện vọng yêu thích nhất vào nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất (nguyện vọng 1), rồi thứ tự các nguyện vọng giảm dần theo mức độ yêu thích.
Thí sinh nên tìm điểm chuẩn của ngành mình yêu thích của các trường và xem điểm thi của mình có cao hơn điểm chuẩn các năm không? Rồi chọn lựa ngôi trường mình yêu thích để đăng ký nguyện vọng...
Thí sinh có thể đăng ký như sau: Thứ nhất, nếu muốn trúng tuyển ngay vào trường mình muốn học thì đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển của các phương thức xét tuyển sớm như đánh giá năng lực, học bạ... vào nguyện vọng 1 và không cần thêm nguyên vọng nào nữa.
Thứ hai, nếu có nhiều chọn lựa khác thì để nguyện vọng yêu thích nhất lên nguyện vọng 1 (theo điểm THPT) và sắp xếp các nguyện vọng khác tiếp theo mức giảm dần theo mức độ yêu thích. Điền nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển vào nguyện vọng cuối cùng để bảo đảm chắc chắc trúng tuyển. Hệ thống đăng ký nguyện vọng là: https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn/
Theo các chuyên gia, năm nay việc đăng ký xét tuyển của thí sinh nhìn thì có vẻ phức tạp (vì có nhiều thay đổi về mặt kỹ thuật so với các năm trước) nhưng thực ra không khó, và vẫn đảm bảo quyền lợi của các thí sinh. Nếu thí sinh đã được nhà trường thông báo trúng tuyển (có điều kiện) bằng phương thức học bạ, mà đây là một trong các nguyện vọng thí sinh yêu thích thì thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng yêu thích đó lên cổng của Bộ GDĐT là xong.