Sạt lở đe dọa miền Tây

Đoàn xá 15/07/2022 07:23

Người dân ở khu vực huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An vẫn chưa hết bàng hoàng vì vụ sạt lở tuyến đường giao thông nằm cặp bờ sông Vàm Cỏ Tây. Tuy nhiên, không chỉ ở khu vực trên, tình trạng sạt lở đường, đất ven sông ở nhiều tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ đang diễn biến phức tạp.

Sạt lở diễn ra ngày càng phức tạp ở nhiều tỉnh Tây Nam bộ.

Theo ông Võ Kim Thuần - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, tình hình sạt lở đất tại địa phương diễn biến phức tạp. Mỗi năm tỉnh Long An có hàng chục vụ sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Bến Lức, Thạnh Hóa và TP Tân An có nhiều vụ sạt lở nhất.

Nguyên nhân chính của tình trạng sạt lở là do các tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu, thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Để ổn định đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng bị ảnh hưởng do thiên tai sạt lở đất, tỉnh Long An đã tập trung kiểm tra, rà soát, đề xuất các biện pháp xử lý những khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao trước mùa mưa, bão, lũ; cắm biển cảnh báo đối với khu vực sạt lở…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở và nguy cơ diễn biến sạt lở để làm cơ sở vận động, khuyến cáo những hộ dân trong vùng sạt lở di dời đến khu vực an toàn.

Trong khi đó, tình hình ở tỉnh Tiền Giang cũng phức tạp không kém. Tại huyện Cái Bè có 40 điểm sạt lở, huyện Cai Lậy 44 điểm, huyện Châu Thành 19 điểm. Nguyên nhân được cho là do lượng phù sa bồi và bùn cát từ thượng nguồn sông Mekong đổ về giảm mạnh trong những năm gần đây; phương tiện thủy lưu thông tấp nập tạo sóng gây sạt lở; nền đất hai bên bờ sông, rạch yếu kết hợp tác động sóng, gió xâm thực và biến đổi khí hậu khiến bờ sông và kênh rạch sạt lở với diễn biến ngày càng phức tạp cùng một số các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác. Khác với tỉnh Long An, tình trạng sạt lở chủ yếu diễn ra ven sông kênh, tỉnh Tiền Giang còn đối diện với tình trạng sạt lở ven biển khi tuyến đường ven biển của tỉnh này kéo dài hơn 50 cây số.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã triển khai trồng cây chắn sóng, chắn gió, làm kè giữ và thả lục bình để ngăn sạt lở bờ sông, kênh rạch. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nhiều diễn biến rất khó lường.

Tại tỉnh Bến Tre, sạt lở cũng phức tạp, do có nhiều sông ngòi, kênh rạch, đường ven biển. Trong đó, khu vực cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách) là một trong những điểm đen về sạt lở ở Bến Tre. Với vị trí nằm giữa lòng sông Cổ Chiên rộng lớn, sạt lở ở cồn Phú Đa diễn ra hàng chục năm qua. Tuy nhiên, tới nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục trọn vẹn.

Do khu vực này đất đai phì nhiêu màu mỡ nên người dân định cư đông đúc. Dù đã có một số dự án thi công bờ kè, gia cố đê ven cồn nhưng hầu như năm nào cũng có một vài căn nhà ở đây bị nước cuốn trôi. Lực lượng chức năng ước tính phải cần tới 200 tỷ đồng để có thể hoàn thiện dự án bờ kè, gia cố các điểm sạt lở ở khu vực cồn này.

Tỉnh Bến Tre không chỉ có cồn Phú Đa mà thống kê cho thấy có tới vài chục cồn, cù lao có diện tích tương tự hoặc lớn hơn cồn Phú Đa có nguy cơ sạt lở cao. Cũng có vị trí nằm giữa sông, những cồn này gần như năm nào cũng xảy ra sạt lở, đặc biệt là mùa mưa.

Theo thống kê mới nhất, hiện nay toàn bộ miền Tây Nam bộ có khoảng 500 điểm sạt lở ven sông, biển với tổng chiều dài hơn 800 km. Mỗi năm, sạt lở làm biến mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, ảnh hưởng tới hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.

Điều đáng nói, tình trạng sạt lở năm nào cũng diễn ra với tình trạng khốc liệt hơn năm trước và được coi là vấn nạn thiên nhiên nghiêm trọng nhất ở dải đất này chứ không phải bão, lũ lụt như các tỉnh, thành miền Trung, miền Bắc.

Đoàn xá