Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội: Làm cách nào hạ nhiệt?
Đã kết thúc thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến đối với học sinh các cấp của Hà Nội. Từ nay đến 18/7, phụ huynh vẫn có thể sử dụng hình thức tuyển sinh trực tiếp.
Thuận lợi tuyển sinh trực tuyến
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Đặng Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, tính đến thời điểm này, việc tuyển sinh trực tuyến của nhà trường rất thuận lợi với tỷ lệ đăng ký trực tuyến vào lớp 6 của nhà trường gần đạt 100% đăng ký thành công.
Mặc dù thời gian nhận hồ sơ trực tiếp còn kéo dài đến 18/7 song dự kiến sẽ không có nhiều thay đổi, bởi trước đó công tác điều tra phổ cập đã được thực hiện rất nghiêm túc với sự vào cuộc của cả chính quyền nên với thống kê rất sát thực tế, nhà trường tự tin sẽ không có nhiều bất ngờ.
“Hiện tại nhà trường đã nhận được 527 hồ sơ cho tổng chỉ tiêu là 506 cho 12 lớp 6. Dự kiến, sĩ số thực tế sẽ dao động ở mức từ 45-48 học sinh/lớp” - bà Hà thông tin và cho rằng, có sự thuận lợi này là do năm nay, trên địa bàn có thêm 1 Trường THCS Hoàng Mai mới đi vào hoạt động nên nhà trường được “giảm tải”. Trước đó, năm học 2021-2022, nhà trường có chỉ tiêu tuyển sinh lên tới 810 học sinh/18 lớp.
Tương tự, ở cấp tiểu học cũng có thêm Trường Tiểu học Linh Đàm, Tiểu học Hoàng Mai đi vào hoạt động. Gánh nặng dồn vào các trường trước đó trong khu vực đã được chia sẻ nên cả thầy và trò đều phấn khởi.
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tuyển 12 lớp 1, trong đó có 1 lớp tiếng Pháp. Bà Trịnh Thị Chung Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết, công tác đăng ký tuyển sinh trực tuyến của nhà trường rất thuận lợi.
Số phụ huynh đến trường đề nghị hỗ trợ đăng ký trực tiếp rất ít nhưng nhà trường vẫn chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kiểm tra lại chất lượng máy tính, đường truyền mạng, đồng thời cử nhân viên trực tại trường. Hiện nhà trường đang nhận hồ sơ trực tiếp và dự kiến không có chênh lệch đặc biệt so với chỉ tiêu tuyển sinh.
Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GDĐT quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, nhìn từ các năm gần đây cũng như thực tế tuyển sinh đầu cấp năm nay cho thấy, hầu hết các trường trên địa bàn đều có sĩ số học sinh/lớp cao bởi đặc điểm là khu vực có nhiều khu đô thị mới mọc lên, mật độ dân cư đông đúc.
Trong đó, một “điểm nóng” về tuyển sinh đầu cấp của Hà Đông những năm qua là khu đô thị Dương Nội. Mặc dù đã có hệ thống trường công lập trên địa bàn nhưng khi dân cư về thêm thì sẽ quá tải nên quận đang đề nghị các chủ dự án khẩn trương triển khai các hệ thống trường học xã hội hóa trong khu vực để những gia đình có điều kiện cân nhắc lựa chọn trường tư thục. Quận cũng đang đề xuất xây dựng thêm đơn nguyên trong các trường công lập ở địa bàn này.
“Phường Dương Nội có 11 trường công lập hiện vẫn đang đáp ứng được yêu cầu học tập của học sinh. Trường tiểu học sĩ số lớp cao nhất khoảng 50 học sinh/lớp còn với cấp THCS thì sĩ số lớp vẫn đảm bảo dưới 45 học sinh/lớp. Tuy nhiên, vẫn có những Trường như Tiểu học Dương Nội A, Dương Nội B… sĩ số học sinh vẫn giữ ở mức 35-37 học sinh/lớp cấp tiểu học” - bà Hằng thông tin.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GDĐT quận Hoàng Mai cho biết: “Sức ép lên giáo dục Hoàng Mai là rất lớn, việc đảm bảo chất lượng dạy học cho 90 trường học với khoảng 100.000 học sinh đang đè nặng lên vai các thầy cô”.
Năm học 2022-2023, thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì song song hai hình thức tuyển sinh trẻ mầm non, học sinh lớp 1 và lớp 6 là trực tuyến và trực tiếp tại các nhà trường. Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin, thống kê từ các địa bàn, công tác tuyển sinh trực tuyến diễn ra thuận lợi, các đơn vị thường trực hỗ trợ và xử lý tình huống kịp thời; hệ thống vận hành ổn định, không có hiện tượng nghẽn mạng. Ông Tiến yêu cầu các phòng GDĐT tiếp tục rà soát, hoàn thiện các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhằm đáp ứng đầy đủ chỗ học cho học sinh, năm học 2022-2023; tích cực tham mưu chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, không để xảy ra hiện tượng quá tải; hạn chế tối đa việc nhận học sinh trái tuyến.
Tính đến tháng 5/2022, quận Hoàng Mai có 90 trường (58 trường công lập, 32 trường ngoài công lập), 1.969 lớp (công lập: 1.697 lớp, ngoài công lập: 272 lớp), 352 nhóm trẻ tư thục, 96.798 học sinh.
Quận đã xây mới, đầu tư, cải tạo sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 18 trường (10 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 5 trường THCS) với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng; hoàn thành xây dựng mới 1 trường THCS tại phường Hoàng Liệt đưa vào sử dụng năm học 2022-2023. Nhưng theo tính toán, để đảm bảo quy định về sĩ số học sinh các trường chuẩn quốc gia, quận Hoàng Mai phải xây thêm 12-15 trường học nữa.
Đó là chưa kể với tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm, việc xây chung cư đồng thời với xây trường vẫn là bài toán cấp thiết đặt ra với các địa phương và cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, không chỉ riêng ngành giáo dục có thể giải quyết được.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho rằng, giải pháp trước mắt và lâu dài đó là cần làm tốt công tác xã hội hóa, tức tạo điều kiện cho khối trường tư thục phát triển. Thứ 2 là những trường còn có thể xây dựng thêm đơn nguyên thì sẽ xây thêm, xây mới với những khu vực còn đất và tiếp tục tìm kiếm những nơi còn quỹ đất sẽ chuyển đổi quỹ đất cho giáo dục.
“Đề xuất chung là tất cả các khu đô thị đều phải có hệ thống trường công lập cho người dân bởi không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con học trường ngoài công lập” - bà Hằng nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, đối với cấp mầm non hay cấp tiểu học, quan điểm của nhiều phụ huynh là chọn trường gần nhà để đưa đón con trẻ thuận tiện, thậm chí là học sinh tự đi học về. Vì vậy, trên thực tế vẫn có những phụ huynh nhà ở gần trường này hơn so với trường đúng tuyến tuyển sinh hoặc vì lý do gửi con ở nhà người quen… nên vẫn muốn xin học trái tuyến cho con.
“Quan điểm của chúng tôi là cố gắng tạo điều kiện nhất cho học sinh và phụ huynh bởi mỗi cấp học là 4-5 năm, nếu quãng đường di chuyển không thuận lợi cũng sẽ khó khăn cho gia đình. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo nguyên tắc về sĩ số lớp không quá đông để đảm bảo chất lượng dạy và học của thầy trò” - bà Hằng nói.
GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam:
Chú trọng bồi dưỡng giáo viên
Với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên sẽ chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Các hoạt động nhóm, tập thể trong mỗi tiết học sẽ nhiều hơn, mục tiêu cao hơn… nhưng sĩ số học sinh vẫn được quy định như hiện nay là 35 em cấp tiểu học, cấp THCS, THPT là 45 em.
Tuy nhiên thực tế, nhiều trường của Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung vượt ngưỡng quy định này. Khi sĩ số lớp lên đến 50 em học sinh/lớp sẽ là một áp lực rất lớn đối với thầy cô giáo đứng lớp từ việc ổn định trật tự, hướng dẫn học sinh, kiểm tra kiến thức…
Vì vậy, bên cạnh việc bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên nhuần nhuyễn về chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy mới để ứng dụng vào giảng dạy, về lâu dài vẫn cần giảm tải sĩ số lớp học để đạt mục tiêu giảng dạy.
Bên cạnh việc phân tuyến phù hợp, xây thêm trường ở các khu vực nóng về dân số,… cần khuyến khích xã hội hóa giáo dục để người học có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp.
Phụ huynh ngày nay quan tâm đến nhiều yếu tố khác nhau khi chọn trường cho con, chính là cơ hội tốt để hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ, khác với trước đây, nhiều phụ huynh có quan niệm bằng mọi giá phải cho con vào học ở các trường top đầu, trường điểm…
Ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Kết hợp hình thức học trực tuyến
Lớp học đông, nghĩa là giáo viên sẽ phải làm việc với nhiều trẻ cùng một lúc và khả năng học tập khác nhau, tốc độ, cách học cũng khác nhau… Điều này không dễ dàng để giáo viên có thể quan tâm đầy đủ đến từng học sinh.
Giải pháp đó là phân nhóm, phân cặp để tự học sinh giúp đỡ và học hỏi lẫn nhau, không nhàm chán. Giáo viên cũng cần đưa tích cực theo dõi, động viên và hỗ trợ học sinh khi cần thiết.
Hiện nay, ngoài giờ học trên lớp, thầy cô cũng có thể tăng cường tương tác, trao đổi với học sinh và phụ huynh qua các kênh khác nhau trên internet… để tăng cường hiệu quả học tập.
Cần tận dụng, kết hợp với các hình thức học tập trực tuyến để giảm áp lực học tập trên lớp - điều các thầy cô đã thực hành trong thời gian nghỉ học trực tiếp, phải học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh.
Lâm An (ghi)