'Tiếp lửa' cho du lịch Việt Nam
Sau khi chính thức mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam đang nhận được những phản hồi tích cực từ các giải thưởng, chuyên trang du lịch uy tín của quốc tế... Đây là được xem là những tín hiệu tích cực hướng tới việc hoàn thành “chỉ tiêu” đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022.
Những tín hiệu tích cực
Thông tin từ Trung tâm thông tin (Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL) cho biết, du lịch Việt Nam phục hồi khả quan sau khi chính thức mở cửa lại (ngày 15/3). Cụ thể, theo dữ liệu từ Google, lượng tìm kiếm từ nước ngoài về du lịch Việt Nam đang trên đà tăng cao qua từng tháng.
Đặc biệt, đối với cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam, vào thời điểm đầu tháng 3/2022, lượng tìm kiếm chỉ đạt mức 25 điểm, nhưng chỉ sau đó 1 tháng, đã tăng gần gấp đôi, ở mức 48 điểm. Đến tháng 5/2022 đạt 78 điểm; đạt 98 điểm vào đầu tháng 6/2022 và 100 điểm vào đầu tháng 7/2022, tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi mở cửa du lịch quốc tế.
Cùng với những chỉ số tìm kiếm thì số lượng khách du lịch quốc tế Việt Nam cũng có đang có sự tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 602 nghìn lượt, tăng 582,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lượng khách trong tháng 6/2022 đạt 237 nghìn lượt, cao hơn gần 6 lần so với tháng 3/2022 (đạt 42 nghìn lượt).
Không thể phủ nhận, sự thăng tiến của du lịch Việt Nam trong thời gian qua bên cạnh việc ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, cơ chế chính sách thông thoáng còn là những đánh giá tích cực từ chính từ truyền thông quốc tế.
Trong đó, Giải thưởng du lịch Asias Best Awards của Tạp chí Travel + Leisure đã chọn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong tốp 10 thành phố hàng đầu Đông Nam Á; còn Côn Đảo và Phú Quốc lọt tốp 10 hòn đảo hàng đầu Đông Nam Á.
TripAdvisor xếp khám phá Hà Nội vào vị trí thứ 15 trong số 25 trải nghiệm thú vị nhất ở châu Á. Việt Nam cũng đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ tự tin du lịch qua Chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) do Booking.com mới công bố. Hội An có mặt trong top 10 thành phố hiếu khách nhất thế giới năm 2022 của Booking.com…
Đặc biệt, mới đây Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO) đã tổ chức lễ bổ nhiệm nhóm nhạc “BLANK2Y” với vai trò “Đại sứ danh dự du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam” nhằm quảng bá rộng rãi hơn nữa du lịch Hàn Quốc đến du khách Việt Nam và ngược lại mang hình ảnh của Việt Nam đến với đất nước Hàn Quốc.
“Trải thảm đỏ” đón khách quốc tế
Có thể nói, du lịch Việt Nam trong thời gian qua không chỉ được “trải thảm đỏ” trong nước mà còn có sự tiếp sức và ghi nhận từ bạn bè quốc tế.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, sự công nhận của quốc tế không chỉ đánh dấu sự phục hồi đầy ấn tượng mà còn là niềm tự hào khi hình ảnh Việt Nam an toàn được truyền tải rộng khắp, góp phần mời gọi du khách quốc tế trở lại trải nghiệm một Việt Nam với thiên nhiên tươi đẹp và nền văn hóa bản sắc. Đồng thời giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo niềm tin cho Du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Ông Khánh cũng chia sẻ thêm, mùa cao điểm đón khách quốc tế thường vào cuối năm. Lúc này, các đơn vị kinh doanh du lịch cần đẩy mạnh xây dựng sản phẩm mới, làm sao để hấp dẫn du khách; quảng bá, tuyên truyền du lịch Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng; có chính sách cởi mở để khách quốc tế quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn nữa.
Thế nhưng những tín hiệu tích cực trên cũng đặt ra cho du lịch Việt Nam không ít những thách thức, nhất là trong giai đoạn phục hồi hiện nay. Bởi thực tế với nguồn khách quốc tế luôn có những yêu cầu về dịch vụ, chất lượng cao, đặc biệt là nguồn khách hạng sang.
Trong khi đó thời gian qua, do lượng khách nội địa tăng trưởng mạnh nên nhiều điểm đến phải tạm dừng hoạt động do quá tải. Chưa kể lượng khách gia tăng đã nảy sinh các hiện tượng “chặt chém”, mắc kẹt tại một số điểm đến.
Ngoài ra, các chính sách về thị thực tuy đã được khôi phục như thời điểm trước dịch Covid-19 nhưng thời gian và thủ tục xét duyệt visa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhanh, đơn giản của du khách giai đoạn hậu Covid-19. Doanh nghiệp du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến thiếu nhân lực, thiếu nguồn lực tài chính, cần có thời gian để hồi phục. Hàng không tuy đã khôi phục nhưng giá vé máy bay cao, chuyến bay ít…
Để có hướng phát triển bền vững, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, doanh nghiệp du lịch mong muốn Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% không chỉ trong năm 2022 mà duy trì chính sách hỗ trợ này trong năm 2023.
Trước tiên, ngành ngân hàng nên cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay, khoanh nợ và không áp dụng lãi phạt chậm trả cho các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đến hết năm 2022.
Cũng theo ông Bình, thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch rất nỗ lực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và chính sách mở cửa thông thoáng đón khách quốc tế tới đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, với cách quảng bá nhỏ lẻ, tự phát thì chưa thể tạo thành hiệu ứng rộng để làm bùng nổ thị trường; cần thêm những chính sách quảng bá tầm quốc gia.
Để tiếp tục thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương, cho rằng cần tăng cường khai thác thêm các đường bay mới, khôi phục đường bay đã có, tăng tần suất chuyến bay, tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam bằng đường không. Tăng cường những chương trình hợp tác với nước ngoài về đào tạo nguồn nhân lực quản lý du lịch để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng. Hiện tại sau thời gian dịch bệnh, nguồn nhân lực của ngành này đang bị thiếu trầm trọng.