Tăng cường kết nối, quản lý rác thải nhựa đại dương
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Tăng cường kết nối thông tin và khoa học kỹ thuật để hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động (KHHĐ) quốc gia về quản lý rác thải nhựa (RTN) đại dương đến năm 2030. Hội thảo do Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (VISI) - Tổng cục Biển và hải đảo, Bộ TN&MT phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD), Tổ chức Bảo tồn đại dương thực hiện.
Hội thảo tổ chức nhằm tăng cường kết nối, hợp tác, cập nhật thông tin để cùng tham gia, phối hợp thực hiện KHHĐ, thể hiện qua công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất giải pháp và thực hiện mô hình can thiệp trong tăng cường hiệu quả quản lý rác thải rắn, giảm RTN từ đất liền ra biển cũng như các nguồn rác thải trên biển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng VISI chia sẻ, hiện nay, ô nhiễm môi trường biển do RTN đã trở thành vấn đề môi trường toàn cầu, là một trong những mối đe dọa lớn nhất của đại dương thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội tại các vùng biển, vùng bờ biển như du lịch, nghỉ dưỡng, đánh bắt cá, giao thông, môi trường, đa dạng sinh học… Đặc biệt, dưới tác động của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các quá trình chuyển hóa và những tác động khác, RTN sẽ chuyển hóa thành rác thải vi nhựa, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái và sức khỏe của con người.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW cũng như các cam kết quốc tế của Việt Nam, năm 2019, với sự đồng hành, giúp đỡ của MCD, Tổ chức Bảo tồn Đại dương và các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng, tham vấn, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu RTN thông qua việc tổ chức các phong trào, KHHĐ của Bộ, ngành, địa phương, đồng thời, triển khai một số nghiên cứu cơ bản về RTN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về chính sách, quy định pháp lý, chương trình quản lý RTN đại dương tại Việt Nam; các phương pháp đánh giá RTN ven biển, ven sông, từ sông ra biển của quốc tế và Việt Nam; kinh nghiệm triển khai KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương tại các địa phương - cơ hội và thách thức; những khó khăn, thách thức trong thực hiện Kế hoạch ở các cấp và đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác hiệu quả công - tư - cộng đồng trong thực hiện Kế hoạch… nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan, hỗ trợ nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật về quản lý chất thải rắn, giảm RTN, hướng tới góp phần đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch.