‘Lãi suất tăng thì thị trường chứng khoán gay go’?
Đó là quan điểm đã được đưa ra trong hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán" diễn ra vào ngày 15/7. Tuy nhiên, nhận định trên lại không được các chuyên gia đồng tình.
Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng nếu bây giờ Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng.
Cụ thể, ở trong nước và trên thế giới, việc gia tăng lạm phát nguyên nhân không phải do tiền tệ. Cung tiền hiện đang ở mức độ vừa phải và việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát chỉ có nhiều tác dụng khi lạm phát xuất phát từ yếu tố tiền rẻ. Hơn thế nữa, cung tiền M2 của Việt Nam hiện chỉ tăng ở mức 2,51%, là mức thấp so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản cũng chỉ ở mức 1,25%.
Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc tăng lãi suất là đi ngược với quan điểm thúc đẩy phục hồi của Việt Nam trong năm nay. Theo đó, Việt Nam đang triển khai chương trình phục hồi rất lớn lên tới 347.000 tỷ đồng, trong đó cơ quan nhà nước yêu cầu phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí phấn đấu giảm nhẹ. Nếu lãi suất tăng đồng nghĩa với việc đi ngược chủ trương nay.
Chương trình phục hồi này cũng bao gồm gói hỗ trợ lãi suất 2% đối với một số đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. Việc tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với gói hỗ trợ này.
“Dù là Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thì các ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng lãi suất trên thị trường. Vì lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là lãi suất tín hiệu”, TS Cấn Văn Lực cho hay.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thì "thị trường chứng khoán sẽ gay go".
Theo đó, ông cho biết tỷ số P/E của thị trường chứng khoán hiện đang ở mức thấp (khoảng 12). Tỷ số nghịch đảo của P/E là E/P phải cao hơn 2 lần lãi suất gửi tiết kiệm. Nếu lãi suất tăng thì công thức này sẽ không đạt đạt, đồng nghĩa với việc lãi suất tăng không hỗ trợ cho thị trường chứng khoán.
Về lạm phát, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định lạm phát của Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy. Khi đó, vai trò của ngân hàng là rất nhỏ. Lạm phát này khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực nên việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất như ngân hàng trung ương trên thế giới là điều không cần thiết.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, tác động lớn nhất vào lạm phát của Việt Nam hiện nay là do giá xăng dầu. Tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng chịu nhiều thuế nhất hiện nay, từ thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu,… Chuyên gia không đồng tình với việc xăng dầu được bỏ thuế môi trường, vì bản chất thuế này thể hiện trách nhiệm với xã hội trách nhiệm với tài nguyên thiên nhiên.