Tặng Bằng Tổ quốc ghi công tới 75 thân nhân gia đình liệt sĩ
Việc trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với 75 thân nhân liệt sĩ, đại diện cho 387 liệt sĩ là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Sáng 16/7, tại TP Vinh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công tới 75 thân nhân gia đình liệt sĩ, đại diện cho 387 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc được truy tặng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự buổi lễ.
Tham dự buổi lễ còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, ...
Báo cáo tại buổi lễ cho thấy, sau 5 năm, các cơ quan chức năng đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với trên 2.400 liệt sĩ, công nhận trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.
Tại buổi lễ, ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An nhấn mạnh, đây là niềm vinh dự lớn của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An khi được chọn là địa phương để tổ chức lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với 75 liệt sĩ, đại diện cho 387 liệt sĩ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 30 tỉnh, thành phố trong cả nước năm 2022.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ, sự hy sinh đó mãi mãi được khắc ghi, trường tồn cùng non sông, đất nước, nhắc nhở chúng ta phải có trách nhiệm hơn, trân quý hơn giá trị của hòa bình.
Tại chương trình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trình bày báo cáo công tác xác nhận người có công với cách mạng. Bộ trưởng khẳng định, kết quả hôm nay là hành động thiết thực, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đây cũng là hành động xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm sâu nặng của những người đang được thụ hưởng nền hoà bình, độc lập, tự do ngày hôm nay. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn từ ngàn xưa của dân tộc, công tác chăm sóc người có công với cách mạng thời gian tới sẽ tiếp tục được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, để cuộc sống người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn, bởi chăm lo thương binh, liệt sĩ, người có công là đạo lý, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người dân Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với những người đã cống hiến, đóng góp, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng, của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phát huy các kết quả đã đạt được trong công tác người có công, tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020.
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng; tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Việc xác nhận hồ sơ tồn đọng trong thời gian vừa qua, đảm bảo chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước và hướng tới mục tiêu bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư tại nơi cư trú.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, địa phương, tổ chức tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chủ động nắm bắt thông tin từ người dân, nhân chứng, ứng dụng công nghệ và khoa học phục vụ việc tìm kiếm, quy tập, xác minh thông tin hài cốt liệt sĩ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin để huy động mọi nguồn lực cùng chung sức thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa...
Thay mặt các thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, ông Nguyễn Văn Nhân (tỉnh Bến Tre) - cháu liệt sĩ Đinh Công Gấm và ông Phạm Bá Tiến (tỉnh Nghệ An) - cháu liệt sĩ Phạm Cảnh đã bày tỏ niềm xúc động, vinh dự và tự hào khi được đón nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi công; đồng thời khẳng định tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu, tích cực học tập, lao động, sản xuất đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước, xứng đáng với tấm gương anh dũng của các liệt sĩ.
Dịp này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ủng hộ nguồn lực để xây dựng 20 ngôi nhà tình nghĩa cho 20 gia đình người có công, thân nhân liệt sĩ có khó khăn về nhà ở tại tỉnh Nghệ An, trị giá 70 triệu đồng/căn nhà; trao tặng 81 phần quà, mỗi phần quà trị giá 2 triệu đồng cho 81 đại biểu người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ tham dự chương trình.