Ứng dụng công nghệ chống ngập cho Hà Nội
Để khắc phục úng ngập tại TP Hà Nội trong thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội vừa yêu cầu Công ty Thoát nước xây dựng bản đồ số hóa về ngập lụt, nghiên cứu xây dựng đề cương đề án thoát nước thông minh.
Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở Giao thông vận tải, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư cùng các đơn vị liên quan vừa rà soát các quy hoạch chuyên ngành (thoát nước đô thị và ngoài đô thị), rà soát các điểm úng ngập, xem xét nguyên nhân, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài phòng chống úng ngập trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đánh giá của các đơn vị, hệ thống thoát nước đô thị chưa được đầu tư đồng bộ. Một số khu vực có cốt địa hình thấp nên với những trận mưa có cường độ khoảng trên 70mm/h xuất hiện 11 điểm úng ngập, với lượng mưa trên 100mm/h xuất hiện tới 30 điểm úng ngập tại các tuyến phố chính.
Đó là chưa kể đến một số điểm ngập nhỏ lẻ khác tại các ngõ ngách khu dân cư và một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ do chưa có hệ thống thoát nước đô thị.
Đáng lưu ý, hệ thống thấm nước cũng bị giảm sút sau quá trình đô thị hóa. Nhiều ao hồ trong nội thành bị san lấp làm mặt bằng xây dựng làm giảm tối đa dung tích điều hòa. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước vận hành theo nguyên lý tự chảy, các nguồn xả, trạm bơm đầu mối hiện nay chưa được xây dựng hoàn thiện đồng bộ theo quy hoạch. Lượng mưa thực tế vượt lượng mưa tính toán và khả năng của hệ thống thoát nước hiện trạng.
Về nguyên nhân Hà Nội cứ mưa là ngập, các chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ thực trạng phá nát quy hoạch, cấp phép các dự án bất động sản tràn lan trên cả hành lang thoát lũ khiến hệ thống thoát lũ bị chia cắt, nước không có đường thoát ra các cửa cống để đổ ra các lưu vực sông…
Đồng thời, sự xuống cấp của hệ thống thoát nước nội đô theo thời gian không được tu sửa, nâng cấp cũng khiến phố thành sông mỗi trận mưa lớn.
Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh, để khắc phục úng ngập trong thời gian tới trên địa bàn, Sở vừa yêu cầu Công ty Thoát nước xây dựng bản đồ số hóa về ngập lụt, nghiên cứu xây dựng đề cương đề án thoát nước thông minh.
Dưới góc nhìn chuyên gia, đi tìm giải pháp giảm thiểu ngập úng đô thị, TS Chu Văn Hoàng - Bộ môn Kỹ thuật hạ tầng, Khoa Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho hay: Trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý cốt nền đô thị và thoát nước mặt, với tính chất chồng ghép nhiều bản đồ, nhiều số liệu về điều kiện tự nhiên hiện trạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, dữ liệu hồ sơ lớn thì việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực quản lý sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
Theo TS Chu Văn Hoàng, các đô thị Việt Nam đang nỗ lực xây dựng quản lý dữ liệu quy hoạch bằng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Việc xây dựng cơ sở dữ liệu cần được thực hiện từ giai đoạn lập quy hoạch đến giai đoạn thực hiện đầu tư, quản lý vận hành.
Có thể nhận thấy, GIS là một công cụ hữu ích trong quản lý và xử lý tích hợp các dữ liệu đô thị có tọa độ (bản đồ) với các dạng dữ liệu khác để biến chúng thành thông tin hữu ích trợ giúp các cơ quan chuyên môn quản lý, đồng thời công khai - minh bạch hóa thông tin cốt nền và thoát nước mặt đô thị cho doanh nghiệp và người dân.
“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu là bước đi mang tính đột phá mới trong công tác quản lý và sẽ từng bước thông tin đầy đủ hơn cho các cơ quan liên quan và người dân dễ dàng tiếp cận với số liệu cốt nền và thoát nước đô thị lúc cần thiết. Đồng thời, dự báo những khu vực có nguy cơ ngập lụt có hệ thống để từ đó định vị quá trình phát triển đô thị phù hợp với địa hình và không gian cảnh quan chung. Việc áp dụng GIS trong công tác quản lý cốt nền đô thị mang lại hiệu quả và tính khả thi cao”, ông Hoàng đề xuất.
Cụ thể hơn, theo chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng, trong lúc chưa có phương án dài hơi, để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng sau mỗi trận mưa lớn, Hà Nội nên xây dựng sơ đồ cảnh báo ngập úng, đặt biển cảnh báo các tuyến phố, các khu vực ngập úng để người dân chủ động tránh, không đi vào đó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản, phương tiện.
Ông Tùng đề nghị: Chúng ta đang chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. Các cảnh báo trực tuyến về tình trạng ùn tắc giao thông, cảnh báo về chất lượng không khí, ô nhiễm không khí… trên các phần mềm, app ứng dụng cài trên điện thoại thông minh.
Do vậy có thể có thông tin khuyến cáo về tình trạng ngập úng bằng cách tương tự đến người dân, bên cạnh đó là việc xây dựng sơ đồ cảnh báo ngập úng, các biển chỉ dẫn ngập úng, bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ. Điều này hoàn toàn làm được ngay mà không cần phải chờ đợi lâu.