Suy thoái rình rập châu Á
Tới thời điểm này, nạn đói không chỉ đe dọa châu Phi mà còn đe dọa cả một số quốc gia châu Á, nơi vốn được coi là “kho lương thực của thế giới”. Theo các chuyên gia Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo sẽ tăng do chi phí phân bón bị đội lên làm ảnh hưởng đến năng suất trồng lúa, loại cây lương thực chính của ít nhất 2 tỷ người ở châu Á.
Mới đây, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo gạo tại châu Á sẽ tăng giá. “Đó là điều không thể tránh khỏi. Với châu Á, gạo từng là một ngoại lệ, song giờ đây không còn như thế nữa” - nhà kinh tế nông nghiệp cấp cao John Baffes (Nhóm triển vọng kinh tế phát triển của WB) nói.
Còn bà Julia Meehan - chuyên gia phụ trách mảng phân bón tại Công ty phân tích thị trường Independent Services, cho rằng, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, người nông dân cắt giảm mua phân bón nên năng suất đi xuống, dẫn tới thiếu hụt lương thực.
Vẫn theo bà Meehan, phân bón chiếm khoảng 1/3 chi phí canh tác của 4 loại ngũ cốc chính trên thế giới là gạo, lúa mì, ngô và lúa mạch. Cho đến gần đây, gạo cũng đã nhúc nhích lên giá tiếp sau lúa mì, ngô và lúa mạch.
Tại Hội nghị G7 mới đây tổ chức tại Đức, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi tới một thông điệp khi gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng gạo có thể ảnh hưởng đến 2 tỷ người. Ông Widodo kêu gọi G-7 hỗ trợ phân phối nguồn cung thực phẩm và phân bón từ Nga và Ukraine ra thị trường toàn cầu.
“Chúng ta phải hành động nhanh chóng để tìm ra giải pháp cụ thể. Sản xuất lương thực phải được đẩy mạnh. Chuỗi cung ứng thực phẩm và phân bón toàn cầu cần trở lại bình thường” - ông Widodo nhấn mạnh.
Nhìn chung, gạo là mặt hàng đặc biệt dễ bị biến động giá vì hầu hết các quốc gia sản xuất gạo đều giữ phần lớn cho tiêu dùng nội địa. Chỉ 9% sản lượng gạo toàn cầu được đưa ra thị trường quốc tế, so với hơn 20% đối với lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Ở cấp độ quốc tế, thị trường gạo khá mong manh và bất kỳ sự thay đổi nào về biên độ dao động đều có thể dẫn đến biến động giá lớn.
Trong một diễn biến khác liên quan, nguy cơ suy thoái ở một số nền kinh tế châu Á đang tăng lên khi giá cả cao hơn khiến các ngân hàng trung ương đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Theo Bloomberg, nhiều quốc gia châu Á đã bước vào suy thoái, trong đó Sri Lanka là nặng nề nhất.
Steven Cochrane, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình dương tại Moody’s Analytics, cho biết giá năng lượng tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các quốc gia, trong đó có châu Á. “Nói chung, nguy cơ suy thoái của châu Á là khoảng 20-25%, nguy cở của Mỹ là khoảng 40%, trong khi châu Âu là 50-55%” - Tiến sĩ Cochrane đưa ra nhận định.
Nếu nhận định trên là đúng thì châu Á có vẻ như ít chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu hơn là châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, cho dù sự suy thoái không khủng khiếp bằng nhưng điều đó cũng đủ đẩy châu lục đông dân nhất thế giới vào chỗ khó khăn. Với châu Á, số người ở nông thôn và sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp “áp đảo” cư dân thành thị. Vì thế, nếu mùa màng thất bát thì lập tức cuộc sống của họ bị tác động tiêu cực.
Trong khi đó, kể từ đầu tháng 5 tới nay, nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Nam Á và Đông Nam Á đã phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai đến từ biến đổi khí hậu. Hàng ngày người ta nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội cảnh nước lũ tấn công các thành phố lớn, nhưng đã không biết rằng mưa to gió lớn, lũ lụt hay là nắng nóng thiêu đốt đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp như thế nào và người dân vùng nông thôn khổ cực như thế nào.
“Chỉ một trận lụt cũng đủ để cuốn đi mùa màng của người nông dân trong vòng nửa năm làm lụng trên ruộng đồng. Chỉ một đợt nắng nóng kéo dài cũng đủ làm ruộng đồng khô nẻ, gia súc chết vì khát và rồi những hoang mạc hiện ra. Điều đó chính là cảnh báo nghiêm khắc với tất cả chúng ta về sự bất ổn của lương thực ở châu Á nói riêng và rộng ra là trên phạm vi toàn cầu, ít ra là trong nửa cuối năm 2022 này” - Tiến sĩ Steven Cochrane nói.