Xăng giảm, giá hàng hóa vẫn neo cao
Giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm từ ngày 11/7 sau không dưới 10 lần tăng liên tiếp. Việc giảm giá xăng dầu được người tiêu dùng kỳ vọng là sẽ giúp hạ nhiệt giá cả hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế lại không như mong đợi của người tiêu dùng.
Giá hàng hóa không giảm
Sau nhiều lần được điều chỉnh tăng liên tiếp, ngày 11/7 vừa qua, giá xăng đã hạ nhiệt xuống dưới mức 30.000 đồng/lít. Như vậy, sau bao ngày trông ngóng, giá xăng đã giảm tới hơn 3.000 đồng/ lít. Giá xăng đã rời “đỉnh” là thông tin được nhiều người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp (DN) mong đợi với kỳ vọng, việc giảm giá xăng dầu sẽ giúp mặt bằng giá cả hàng hóa hạ nhiệt.
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Báo Đại Đoàn Kết, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khá sâu, sáng 15/7, 4 ngày sau khi giá xăng được điều chỉnh, giá cả các mặt hàng tiêu dùng ở Hà Nội hầu như vẫn giữ nguyên, chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Tại các chợ dân sinh như chợ Thành Công, chợ Nhân Chính, chợ Cầu Giấy... giá thịt lợn vẫn đang neo ở mức cao 90.000 - 130.000 đồng/kg, sườn non vẫn duy trì mức giá 150.000 - 160.000 đồng/kg.
Tương tự, giá các loại thực phẩm khác như thịt gà cũng vẫn neo ở mức 55.000 - 80.000 đồng/kg đối với gà công nghiệp; 120.000 - 150.000 đồng/kg đối với gà ta. Thịt bò ở mức 320.000 - 380.000 đồng/kg. Các sản phẩm rau củ quả cũng chưa hề sụt giảm. Giá rau xanh vẫn đang phổ biến ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg. Cụ thể, tại chợ Nhân Chính, rau bắp cải vẫn giữ ở mức 18.000 - 22.000 đồng/kg, đắt hơn khoảng 5.000 đồng/kg so với hồi đầu năm.
Bà Nguyễn Thị Huế - tiểu thương ở chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, giá thịt lợn đã tăng lên 10 giá, và từ đó đến nay chưa có lúc nào giảm. “Giá thịt lợn chúng tôi lấy qua thương lái đã tăng vọt lên so với trước tháng 7, các thương lái giải thích do giá xăng tăng mạnh liên tục nên phí vận chuyển tăng, thành ra giá thịt cũng phải tăng”, bà Huế cho hay.
Một tiểu thương bán hàng rau xanh tại chợ Nhân Chính cũng cho biết, giá rau xanh đã lập mặt bằng giá mới từ mấy tháng nay, khi giá xăng liên tục điều chỉnh tăng. Cũng theo tiểu thương này, giá xăng dù đã giảm thì thời điểm này, mặt bằng giá cả cũng vẫn chưa thể giảm giá ngay được. “Nếu giá hàng hóa có giảm thì cũng phải một thời gian nữa, nhưng chắc cũng không giảm đáng kể”, tiểu thương này cho biết.
Tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các loại thịt lợn vẫn giữ ở mức giá cao hơn khoảng 30% so với ngoài chợ. Còn các loại rau phổ biến ở mức 22.000 - 35.000 đồng, giữ nguyên so với hôm 2/7, trước khi xăng giảm giá 9 ngày.
Các chủ cửa hàng tạp hóa cũng cho biết, một số mặt hàng được cho là tăng giá mạnh vì giá xăng dầu tăng cao như bia, dầu ăn, thuốc lá… cũng chưa thấy giảm giá sau khi xăng dầu giảm giá mạnh.
Áp lực mặt bằng giá cả vẫn lớn?
Trên thực tế, dường như đã thành quy luật, thị trường giá cả thời gian qua thường được điều chỉnh lên một mặt bằng giá mới khi giá xăng dầu tăng cao, tình trạng “té nước theo giá xăng” của giá các mặt hàng tiêu dùng đã không còn là điều bất ngờ với dư luận xã hội. Thế nhưng điều đáng nói là, khi giá xăng hạ, giảm sâu thì mặt bằng giá lại không “té theo” giá xăng nữa, mà vẫn “neo đậu” ở mặt bằng đã điều chỉnh theo giá xăng trước đó.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc nhà quản lý thực hiện điều chỉnh giảm giá xăng dầu đã làm vơi bớt nỗi lo tác động tăng giá, giảm áp lực lạm phát, bởi xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên thực tế thì, các mặt hàng từng tăng theo giá xăng dầu trước đây sẽ khó giảm ngay.
Trả lời câu hỏi: Liệu giá cả hàng hóa có thể giảm ngay khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm sâu hay không? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giá xăng dầu dù đã được điều chỉnh giảm qua mốc 30.000 đồng/ lít song ở mức như hiện nay vẫn là cao. Trong khi giá xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực vận chuyển - là khâu tác động trực tiếp hầu hết tất cả mọi lĩnh vực kinh tế đời sống, cho nên giá mặt hàng này đã có tác động ngay lập tức đến mặt bằng giá cả. Như vậy, kể cả giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, nên khó có thể kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm theo ngay.
Mặc dù thời điểm này, giá xăng đã giảm với mức sâu hơn các điều chỉnh khác, song nhiều DN sản xuất cho rằng, giá xăng dầu vẫn đang là áp lực đối với hoạt động của DN. Và tất nhiên, khi giá nguyên liệu đầu vào cao chắc chắn giá thành sản phẩm của DN không thể thấp, bởi vậy, việc giảm giá sản phẩm thời điểm này là khó.
Tổng giám đốc Vinasun cho hay, các DN vận tải hành khách vẫn phải nghe ngóng thêm một thời gian. Nếu giá xăng giảm và vẫn tiếp tục giữ mức đó ổn định trong vài tháng, cước taxi mới có thể giảm. Còn trong trường hợp giá xăng dầu trong nước lại quay đầu tăng trong kỳ tới sẽ rất khó điều chỉnh.
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô hành khách TP HCM cũng cho rằng, việc giảm giá cước của các DN vận tải cần phải có độ trễ. Xăng dầu được điều chỉnh trong hôm nay thì phải 7-10 ngày sau mới có thể điều chỉnh giá cước vận tải tương ứng.
Dù vậy, một số DN phân phối cho biết, trong thời điểm khó khăn hiện nay, sẽ có nhiều động thái để giảm áp lực trên vai người tiêu dùng, như việc đưa ra các chương trình kích cầu mua sắm. Theo đại diện Co.op Mart Hà Nội, công ty này sẽ đàm phán với các nhà cung cấp phương án giảm giá đầu vào đối với các mặt hàng, từ đó giảm giá thành sản phẩm tại siêu thị để người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý.