Liệu có tiếp tục ‘đánh trống bỏ dùi’?

XUÂN DUNG 17/07/2022 12:23

Nghị định 45/2022 vừa được ban hành, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8 tới.

Theo đó, khoản 1 Điều 26 Nghị định này quy định phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2 năm.

Phải nói, đây là một tin rất đáng mừng. Cho thấy sự quyết liệt trong việc thực thi các chính sách bảo vệ môi trường. Mà căn cốt nhất, phải khởi đi từ ý thức của từng người dân.

Thế nhưng, ngược dòng thời gian, chúng ta thấy nhiều chiến dịch ra quân, nhiều dự án phân loại rác thải, nhiều quy định, chế tài để tuyên truyền người dân trong việc phân loại rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường. Có dạo, trên nhiều tuyến phố thấy những thùng rác màu sắc khác nhau để ở nhiều góc phố. Những chiến dịch tuyên truyền cũng đã xuất hiện. Sau đó, đâu lại vào đấy.

Thực tế, người dân có biết tác dụng của phân loại rác thải không? Chắc chắn đa số người dân, nhất là những người sống ở các đô thị ý thức được điều ấy. Nhưng vì sao họ không tích cực thực hiện? Nhiều người cho rằng, là do chúng ta thực hiện không đồng bộ, và thường “đánh trống bỏ dùi”.

Đơn cử như ai cũng biết, một quả pin vẫn thường được sử dụng trong chiếc đồng hồ treo tường và rất nhiều đồ chơi cho trẻ em hiện nay có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề. Cụ thể, nếu ném một viên pin xuống đất thì lượng thủy ngân trong đó có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 m3 đất trong vòng 50 năm. Thế nhưng, lâu nay, nhất là sau mỗi dịp Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, liệu có bao nhiêu người biết cách xử lý pin đã qua sử dụng đúng cách? Quan sát sẽ thấy đa số khi thay pin vẫn ném chung vào rác thải sinh hoạt, hoặc ở vùng nông thôn thì ném xuống ao, ném ra vườn... Ở các đô thị, tìm kiếm một địa chỉ để “trao gửi” những viên pin đã qua sử dụng là không mấy dễ dàng...

Trở lại với quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, sắp có hiệu lực. Đa số người dân đều ủng hộ chủ trương đúng đắn này. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến ngày 25/8 là không dài. Trong khi đó, để triển khai, cần có những chiến dịch tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân thì mới có thể tác động vào nhận thức, thay đổi thói quen lâu nay của nhiều người dân. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hơn, là sau khi người dân đã phân loại tại nhà, thì công ty môi trường thu gom xử lý như thế nào, hay lại “hầm bà làng” vứt chung lên một chuyến xe thu gom rác thải?

Phải hết sức tránh tình trạng phân loại rác tại nguồn nhưng lúc tập kết di chuyển đến cơ sở xử lý lại gộp chung vào với nhau. Khi người dân nhìn thấy cách xử lý của công ty môi trường có dấu hiệu không khoa học, không tôn trọng sự phân loại thì người dân cũng sẽ không thực hiện rốt ráo…

XUÂN DUNG