Lạ lẫm… làng Mưng

NGHĨA VĂN 17/07/2022 14:40

Trong tâm khảm của người Việt, cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre... đã là những biểu tượng tượng trưng cho các ngôi làng. Tuy nhiên, ở xã Phong Bình (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) lại có ngôi làng với biểu tượng hết sức độc đáo - cây mưng (cây lộc vừng). Do đó, nhiều người đã gọi nơi đây là làng Mưng.

Khung cảnh ngôi làng thanh bình, yên ả với những cây mưng xanh mát.

Từ chuyện “trồng cây đổi lấy áo”

Một ngày tháng 7, chúng tôi tìm về làng Siêu Quần thuộc xã Phong Bình. Quả đúng như lời nhiều người kể, nơi đây xanh tươi và mát rượi bởi hàng nghìn cây mưng được trồng từ trong nhà ra đến cổng ngõ, ven đường...

Hiện, trong làng có hơn 5.000 gốc cây mưng được trồng từ 100 năm trở lên. Để giữ lại được tài sản vô giá này, người dân trong làng đã từng từ chối món lợi khổng lồ lên đến 50 tỷ đồng của một người chơi cây cảnh đã trả họ trước đó.

Dưới tán cây xanh mát của cây mưng tại làng Siêu Quần, bà Trần Thị Cúc (83 tuổi) kể lại với chúng tôi, bà không biết cụ thể việc người dân trong làng bắt đầu trồng cây mưng là khi nào. Chỉ biết rằng, lúc làng mới lập đã có vị quan về kêu gọi người dân trồng mưng và sau đó sẽ tặng lại cho họ tấm áo.

Tiếp lời, bà Nguyễn Thị Dịu (62 tuổi) kể lại, làng Siêu Quần được lập ra vào năm 1306 thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa. Sau khi đắp đê ngăn mặn, các bậc tiền bối xưa đã trồng những cây mưng.

Tiếp đến, nhận thấy các cây có thể che nắng gió và có những đặc tính phù hợp với thổ nhưỡng nên dân làng quyết định nhân giống từ các cây đã trồng từ trước để giữ đất, chắn sóng.

“Cây mưng này hay lắm, lá nó dường như xanh mát quanh năm mà gặp hạn hán cũng sống khỏe mạnh, bị ngập nước xong cũng sống bình thường. Tán nó không cao, thân thì dẻo nữa nên gặp lúc mưa gió cành cũng ít bị gãy đổ. Loại cây này dễ trồng lắm, nhưng để có được nhiều cây to như tại làng thì tôi nghĩ là khó nơi nào có được”, bà Dịu nói.

Vào mùa mưng nở hoa, nơi đây càng thêm thơ mộng.

Đi tìm ngọn nguồn của việc trồng cây mưng tại đây, chúng tôi được nhiều vị cao niên trong làng kể lại rằng, thuở xưa có ông Trần Văn Kỷ ở làng Vân Trình (kế bên làng Siêu Quần) vốn là người học rộng tài cao, thi cử đỗ đạt và được vào triều làm quan. Trong một dịp về thăm quê, ông Kỷ đã mang theo nhiều giống cây khác nhau trong đó có cây mưng và đến từng nhà kêu gọi người dân trồng trước nhà, bờ ruộng… kèm lời hứa sẽ tặng mỗi nhà một chiếc áo thật đẹp.

Nghe lời ông, người dân ai nấy háo hức trồng, chăm sóc cây để mong ngày được quan tặng áo. Dẫu vậy, thời gian trôi qua, cây cối đã trưởng thành, vươn cao, phủ bóng mát nhưng người dân vẫn chưa nhận được áo như lời quan hứa.

Và, trong dịp quan trở lại làng, các vị bô lão đại diện người dân tiến đến gần hỏi ông về chuyện tặng áo. Ông Kỷ nghe xong bình tĩnh chỉ tay về phía rặng cây xanh ngát và đáp, đó là “tấm áo” mà ông nói tặng cho làng.

Ngẫm lại lời quan nói trong tích trên, bà Cúc tâm đắc, đúng là nhờ có tán cây khắp nơi nên mùa hè Làng Mưng bớt oi ả, nóng bức và mùa đông thì bớt lạnh hơn rất nhiều. Đặc biệt, trong trận lụt lịch sử năm 1999, khi các nơi xung quanh thiệt hại nhiều về người và tài sản thì làng Siêu Quần ít hơn bởi lẽ hàng cây mưng đã cản bớt sức tàn phá của thiên tai.

“Mới năm 2020, lũ lụt, mưa gió cũng nhiều nhưng làng Siêu Quần, Phò Trạch thì vẫn đỡ thiệt hại hơn nhờ có hàng cây mưng che chắn. Không những vậy, đến mùa mưng nở hoa, cả làng như được nhuộm thêm sắc đỏ lộng lẫy. Giờ ngoài tên Siêu Quần nhiều người còn gọi làng tôi là làng Mưng nữa”, bà Dịu nói.

Được biết, hiện tại, hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu của làng Siêu Quần đang được bao quanh, che chắn bởi 20 ha cây mưng. Ước tính, diện tích này chiếm 1/5 đất tự nhiên của làng. Trong đó, hàng ngàn cây có tuổi đời trên 100 năm.

Làng Siêu Quần hiện có hàng nghìn cây mưng đã được trồng trên 100 năm.

Lập hương ước bảo vệ “tấm lá chắn xanh”

Có thời điểm, cây mưng lọt vào “tầm ngắm” của người chơi cây cảnh. Lúc ấy, nhiều tay chơi cây cảnh đã lần tìm về làng Mưng ở Phong Bình để ngã giá, đặt mua cây ở đây nhưng đều bị từ chối thẳng thừng.

Ông Lê Kỳ Thanh - Hội chủ làng Siêu Quần (người chuyên lo nghi lễ, tế tự) ước tính, hiện, trong làng có hơn 5.000 gốc cây mưng được trồng từ 100 năm trở lên. Ông nói thêm, cách đây ít năm, để giữ lại được tài sản vô giá này người dân trong làng đã từng từ chối món lợi khổng lồ lên đến 50 tỷ đồng của một người chơi cây cảnh đã trả họ trước đó.

Không những thế, làng Siêu Quần còn đặt ra hương ước để bảo vệ cây mưng. Trong đó quy định, ai chặt, phá hoặc đào bán cây mưng sẽ bị phạt 500.000 đồng, bị bêu tên trên loa phát thanh xã; đồng thời, phải có mâm cau trầu rượu đem ra trước đình làng tạ lỗi.

Bà Dịu dẫn chứng, cách đây ít năm có một người dân trong làng vì tư lợi đã nhân lúc đêm khuya đào trộm mấy cây mưng đem đi bán. Sau khi phát hiện mất cây, làng đã lập ra đội bảo vệ; đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng để truy tìm kẻ trộm. Xác minh được người trộm cây, cả làng họp và xử phạt người này theo hương ước đã đề ra trước đó.

Cũng theo bà Dịu, ngoài trường hợp nói trên, cách đây ít lâu có người dùng rơm để thui chuột vô tình làm chết một số cây mưng của làng. Người này cũng bị làng họp và xử lý theo hương ước.

“Người trong làng mà trộm, chặt phá cây mưng ngoài việc bị phạt như trên thì còn bị hạn chế tham gia các buổi cúng kiếng theo phong tục của người dân nơi đây trong một thời gian nhất định. Nói chung, hương ước của làng đã định để bảo vệ cây mưng chặt chẽ lắm và thấy lợi ích của cây rồi nên người dân trong làng ngoài trường hợp nói trên thì từ trước đến nay chẳng có ai trộm cây cả”, bà Cúc nói thêm.

Chia sẻ với chúng tôi về làng Mưng độc đáo, ông Trần Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phong Bình cho biết, cũng như người dân trong làng, bản thân ông rất tự hào về ngôi làng có đến hàng nghìn cây mưng này.

Cùng với đó, ông Huy cho biết thêm, giờ đây cây mưng đã trở thành tài sản vô giá của làng, của xã và đã tạo nên một nét đặc sắc riêng cho nơi đây. Thêm nữa, để bảo vệ cho tài sản vô giá ấy, làng cũng đã họp đề ra hương ước rất cụ thể và được người dân đồng thuận.

“Việc trồng và chăm sóc cây mưng của người dân tại làng Siêu Quần đã có từ lâu đời. Người dân đã hiểu được tầm quan trọng của cây mưng mang lại nên họ rất chủ động trong việc bảo vệ tài sản chung này”, ông Huy chia sẻ.

NGHĨA VĂN