Khi trái đất 8 tỷ người
Dự báo của Liên hợp quốc, dân số thế giới sẽ chạm mốc 8 tỷ người vào ngày 15/11 tới đây, sau đó đạt mốc 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 9,7 tỷ người vào năm 2050, lên tới khoảng 10,4 tỷ người vào năm 2080, trước khi ổn định ở mức này cho đến năm 2100. Và rằng, Ấn Độ (dân số tính tới ngày 13/7/2022 là 1,407 tỷ người) sẽ vượt Trung Quốc (1,448 tỷ người), trở thành nước đông dân nhất trái đất vào năm 2023.
Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, nhấn mạnh những con số trên là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết, tuy tốc độ gia tăng dân số thế giới hiện đang ở mức chậm nhất kể từ năm 1950, chủ yếu do giảm sinh. Trong những năm 1970, trung bình mỗi phụ nữ sinh 4,5 con nhưng đến năm 2015, con số này chưa đến 2,5.
Trong khi tỷ lệ sinh giảm tại nhiều nước đang phát triển, thì hơn 50% dự báo về gia tăng dân số trong những thập niên tới tập trung tại 8 nước gồm: Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.
Báo cáo của LHQ còn cho biết 2007 là năm đầu tiên dân số thành thị đông hơn dân số nông thôn và đến năm 2050, khoảng 66% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các thành phố. Tuổi thọ trung bình của dân số toàn cầu cũng có xu hướng tăng, từ 64,6 tuổi trong những năm 1990 lên 72,6 tuổi vào năm 2019.
Khi dân số thế giới đã gần đạt 8 tỷ người, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) cho rằng: "Thời điểm mà thế giới chạm cột mốc quan trọng này vừa là khoảnh khắc vui mừng cần được chào đón, nhưng cũng là lời kêu gọi khẩn thiết cho toàn nhân loại để cùng tìm kiếm những giải pháp giúp giải quyết các thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Các vấn đề có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ như biến đổi khí hậu, xung đột và Covid-19... đang gây ra những tác động không đồng đều tới những nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương”.
Trong khi đó, tiến sĩ Natalia Kanem - Giám đốc Điều hành UNFPA cho rằng “con người chính là giải pháp chứ không phải là vấn đề. Đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững”.
Còn theo giáo sư thống kê xã hội học Adrian Raftery (Đại học Washington, Mỹ) thì “Trái Đất vẫn đủ chỗ cho tất cả mọi người, nhưng tiếc thay nó lại không công bằng”.
Giáo sư Raftery nêu dẫn chứng, ngay tại thời điểm này thế giới đang phải đối mặt nạn đói “không thể chấp nhận ở thế kỷ XXI”. Tổ chức Nông - Lương LHQ (FAO) cho biết hiện hơn 460.000 người ở Somalia, Yemen và Nam Sudan đang trong tình trạng đói kém. Hàng triệu người ở 34 quốc gia khác cũng trên bờ vực nạn đói.
Xung đột Nga - Ukraine đang kéo theo cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi hai nước là những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. 2 nước đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu.
Tuy nhiên, một nguyên nhân sâu xa khác chính là biến đổi khí hậu đã gây ra mất mùa tại nhiều vùng trên thế giới. Hạn hán và lũ lụt khiến sản xuất nông nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, khi các sản phẩm nông nghiệp hao hụt. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới nông dân ở những vùng thiên tai, trong khi đó đây lại là khu vực có tỷ lệ sinh cao.
“Dân số thế giới phải đi cùng với sự phát triển chung và công bằng. Điều này phải được coi là thực tế hiển nhiên nhưng lại đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các chính phủ. Không thể hy sinh một bộ phận dân chúng nghèo khó vùng nông thôn để đổi lấy sự phồn vinh của những đô thị. Điều đó sẽ chỉ mang tới bất ổn và nỗi đau cho nhân loại” - giáo sư Raftery nêu quan điểm.
Ngày 11/7 hàng năm là Ngày Dân số thế giới (World Population Day). Ngày đặc biệt này được xác định từ sự ra đời của cậu bé người Nam Tư có tên là Matej. Vào lúc 6h35 ngày 11/7/1987 tại thành phố Zagreb, Matej chào đời và trở thành công dân thứ 5 tỷ của thế giới. Trong niềm vui chung khi dân số đạt đến con số 5 tỷ, loài người cũng bắt đầu nhận ra những nguy cơ về bùng nổ dân số. Do đó, con số này cũng được xem như sự báo động và nhắc nhở mọi người trên thế giới cần xem xét vấn đề dân số, tránh dẫn đến việc cạn kiệt tài nguyên và mất cân bằng sinh thái; đồng thời thực hiện các mục tiêu để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mỗi năm Ngày Dân số thế giới có một chủ đề. Năm 2020 là "Cách bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ và bé gái trong bối cảnh hiện nay". Năm 2021 là "Cơ thể tôi là của tôi", nhằm nhắn gửi thông điệp rằng cần quan tâm hơn nữa vấn đề giáo dục giới tính. Năm nay, chủ đề là "Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai thác cơ hội và bảo đảm quyền lựa chọn cho tất cả mọi người".