Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng
Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là nội dung quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng được văn kiện Đại hội XIII đề ra. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, phải có hệ thống chính sách để mọi cán bộ, đảng viên, công chức đều phát huy tốt nhất khả năng của mình.
PV: Thưa ông, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đang được lấy ý kiến và sẽ trình tại hội nghị Trung ương 6. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đổi mới phương thức lãnh đạo là việc làm thường xuyên của Đảng. Bắt đầu từ Đại hội VI năm 1986, lúc đó là đổi mới về phong cách lãnh đạo của Đảng, chống quan liêu, chống xa dân, chống tư duy bảo thủ, chủ quan. Đại hội VI là đổi mới, đến các nhiệm kỳ sau và cho tới nay chúng ta luôn luôn phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là yêu cầu khách quan, làm sao đổi mới để lãnh đạo có hiệu quả, chất lượng cao hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và cuộc sống của người dân. Sắp tới đây, theo chương trình thì tại hội nghị 6, Trung ương sẽ bàn sâu về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Nhưng vấn đề cần đặt ra là đổi mới phải đúng yêu cầu hiện nay và khác với đổi mới của các Đại hội VI, VIII trước đây. Bây giờ vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo cần đáp ứng cái gì? Ví dụ đáp ứng sự nghiệp đổi mới theo chiều sâu, yêu cầu chất lượng rất cao để phát triển đất nước nhanh và bền vững theo mục tiêu Đại hội XIII đã xác định đến năm 2025, năm 2030 và đến năm 2045 phải đạt được những mục tiêu gì. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải nhằm vào mục tiêu đó.
Vậy, cần quan tâm tiếp cận nội hàm của từ “đổi mới” như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
- Thứ nhất, cần bám sát từ thực tiễn khách quan của việc đổi mới, xây dựng đất nước theo con đường CNXH. Nhất là vừa qua, tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đời, tôi cho rằng lãnh đạo bây giờ không chỉ đổi mới nhận thức như trước đây, mà cần đi thẳng vào vấn đề xây dựng CNXH theo tư duy mới như thế nào? Nhận thức mới ra sao và quy luật vận động của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam thế nào? Sự đổi mới phương thức lãnh đạo phải đáp ứng được những đòi hỏi đó.
Thứ hai, tình hình quốc tế diễn biến rất phức tạp, cạnh tranh giữa các nước lớn rất gay gắt. Vậy bảo vệ Tổ quốc để vừa hội nhập quốc tế vừa giữ được đường lối độc lập tự chủ, phát triển nhanh và bền vững - đó là vấn đề cần bàn sâu thêm. Bây giờ cần định hình ra được, nói rõ phương thức lãnh đạo của Đảng gồm những vấn đề gì? Quy trình, các bước như thế nào?
Thực tế, phương thức lãnh đạo của Đảng là một hệ thống các phương pháp, hình thức chủ thể lãnh đạo là Đảng tác động vào đối tượng lãnh đạo. Nhưng tác động của từng đối tượng đó đều phải rất cụ thể. Ví như Đảng lãnh đạo Nhà nước thế nào trong điều kiện Nhà nước pháp quyền XHCN để vừa phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, lại vừa phát huy được hiệu lực của Nhà nước trong điều kiện Nhà nước pháp quyền.
Thứ ba, Đảng lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị, từ Mặt trận cho đến các tổ chức chính trị - xã hội khác thì cũng phải thay đổi cách lãnh đạo. Quan trọng là mang lại hiệu quả hoạt động của các tổ chức đó. Mặt trận hoạt động thế nào, các tổ chức quần chúng hoạt động ra sao cho hiệu quả? Cho nên hướng lãnh đạo sắp tới làm sao để các tổ chức phát huy vai trò phản biện xã hội, vai trò giám sát.
Rồi trong lãnh đạo lực lượng vũ trang. Chúng ta phải cụ thể mới có được nội dung mới trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Hiện vấn đề này đang được thảo luận và các lãnh đạo đều nêu ra hướng đổi mới. Cho nên tôi cho rằng vấn đề này cần chuẩn bị thật kỹ, tạo ra được sự đồng thuận. Đổi mới phương thức để nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng. Mục tiêu rất rõ là đi tới CNXH, vậy cách thức nào để đi đến mục tiêu đó nằm ở phương thức lãnh đạo, phương pháp vận động.
Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là vấn đề quan trọng của phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền, thưa ông?
- Cái đó nằm trong phương thức lãnh đạo, làm sao phát huy dân chủ một cách tốt nhất, phòng tránh được độc đoán, chuyên quyền và kiểm soát được quyền lực. Vừa rồi những vụ tham nhũng chính là do không kiểm soát quyền lực tốt. Tất cả các sự vụ đều có nguyên nhân chung là do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, dẫn tới những vi phạm. Bởi vậy cần siết chặt nguyên tắc trong hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ. Lãnh đạo thế nào để vẫn xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Cơ chế đó đã xác định hàng chục năm nay rồi. Bây giờ cần thể hiện thế nào để có hiệu quả nhất, chất lượng nhất.
Hiện chúng ta đang hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Điều đó đòi hỏi bộ máy phải mạnh và tính thượng tôn pháp luật là trên hết, thưa ông?
- Đã là Nhà nước pháp quyền thì cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý bằng pháp luật chứ không phải quản lý bằng đạo lý. Nhà nước quản lý bằng hệ thống pháp luật thì thượng tôn pháp luật là cái cao nhất. Cho nên cần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiện nay hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ nhưng yếu ở khâu thực thi. Cũng giống như trong sự lãnh đạo của Đảng, tại Đại hội XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ cái yếu nhất của ta là tổ chức thực hiện. Vì đưa ra đường lối quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu là rõ ràng nhưng khi thực thi lại lúng túng, hiệu quả thấp. Vì thế trong vai trò lãnh đạo phải làm sao để thực hiện cho tốt. Cầm quyền phải thông qua bộ máy, thông qua pháp luật, hệ thống chính sách, hệ thống giám sát, kiểm tra gồm: cơ quan Đảng, Nhà nước và giám sát của dân, báo chí thì mới thành công.
Và cái gốc vẫn nằm ở công tác cán bộ, vì cùng cơ chế chính sách có nơi làm tốt, nơi lại không làm được, thậm chí là làm sai, thưa ông?
- Có cán bộ tốt, cán bộ giỏi thì mọi việc sẽ thành công. Chúng ta nghĩ nhiều về phương thức nhưng không có đội ngũ đáp ứng được thì khó thành công. Nhiều khi, pháp luật đầy đủ nhưng xuống cơ sở thì mỗi người lại hiểu khác nhau, ngay cả dân cũng hiểu khác nên thực thi không đúng. Cho nên trong đổi mới phương thức lãnh đạo cũng cần quan tâm đến công tác cán bộ. Vì đường lối chính sách đúng nhưng “cán bộ không đúng” khi triển khai thực hiện sẽ lúng túng, thậm chí làm ngược lại, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đại hội VI là đổi mới, đến các nhiệm kỳ sau và cho tới nay chúng ta luôn luôn phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là yêu cầu khách quan, làm sao đổi mới để lãnh đạo có hiệu quả, chất lượng cao hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và cuộc sống của người dân.