Dịch chồng dịch trong ngày hè nắng nóng
Những ngày này, hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết (SXH) tay chân miệng (TCM), viêm não… đều có xu hướng gia tăng tại Hà Nội.
Sốt xuất huyết tăng tốc
Mặc dù không bùng phát mạnh mẽ như TPHCM và các tỉnh miền Nam, nhưng dịch SXH cũng đang có xu hướng gia tăng tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 19 ổ bệnh SXH tại 11 quận, huyện và 17 xã, phường, thị trấn với 254 ca mắc. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 4 đến 10/7, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn với 79 ca mắc mới - tăng 1,5 lần so với tuần trước đó.
CDC Hà Nội dự báo, số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Những dự đoán tương tự cũng được Bộ Y tế đưa ra tại văn bản mới nhất của cơ quan này. Theo đó, Bộ Y tế cho rằng số ca SXH thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Giải Phóng, gần như nơi này đã kín giường bệnh nhân mắc SXH. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS. BS Nguyễn Kim Thư - Trưởng khoa virus ký sinh trùng thông tin: “Từ tháng 6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương bắt đầu ghi nhận các ca nhập viện rải rác do SXH, thường là 1 ngày ghi nhận từ 1-2 ca bệnh. Thế nhưng trong những ngày gần đây số lượng ca mắc đã tăng lên khoảng 3 lần, trung bình mỗi ngày có khoảng 4-5 bệnh nhân nhập viện do dịch bệnh này. Tại phòng khám cũng ghi nhận khá nhiều bệnh nhân có triệu chứng sốt cấp tính, nghi ngờ SXH”.
“SXH Degue là bệnh truyền nhiễm thường gặp tại Việt Nam, năm nào cũng có dịch bệnh bắt đầu từ tháng 6, 7 tại miền Bắc và đạt đỉnh cao trong khoảng tháng 8, 9, 10. Từ thực tế theo dõi, điều trị, tôi cho rằng năm nay dịch bệnh SXH tại miền Bắc cũng có chu kỳ không có gì khác so với những năm qua, cụ thể là dự báo từ tháng 8 đến tháng 10 sẽ ghi nhận số ca bệnh tăng nhiều” - bác sĩ Thư cảnh báo.
Theo bác sĩ Thư, SXH Dengue gây hiện tượng sốt và xuất huyết, có thể khiến bệnh nhân sốc do giảm khối lượng tuần hoàn và có thể gây ra tử vong. Thế nhưng ở giai đoạn đầu, biểu hiện của SXH không khác gì với sốt virus - đây là điều khiến rất nhiều người chủ quan, chỉ điều trị bằng thuốc hạ sốt tại nhà mà không đi khám tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, đối với SXH Dengue, giai đoạn nguy hiểm nhất là giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Một nguy cơ khác, cũng có trường hợp sử dụng các bài thuốc đông y để điều trị bệnh -đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi khi bệnh nhân đã có dấu hiệu thoát huyết tương và cô đọng máu thì bắt buộc bệnh nhân phải nhập viện để điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Một ví dụ để hiểu rõ hơn là đối với việc truyền dịch cho người bệnh, các bác sĩ cũng phải thay đổi tốc độ truyền dịch từng giờ theo tình trạng của bệnh nhân. Do vậy, các bài thuốc Đông y chỉ có thể mang tác dụng làm giảm triệu chứng sốt cấp tính trong giai đoạn đầu của bệnh. Trong giai đoạn SXH bùng phát, tất cả trường hợp sốt cấp tính đều nên đến bệnh viện để sàng lọc và chẩn đoán sớm và được các bác sỹ điều trị.
Gia tăng nhanh số ca mắc tay chân miệng
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca TCM ghi nhận từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã vượt mốc 1.000 ca - tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận bệnh nhân mắc TCM. Chương Mỹ, Đông Anh, Mê Linh hiện là 3 địa bàn đứng đầu về dịch bệnh này, với số ca bệnh ghi nhận trong năm nay lần lượt là 137 ca, 106 ca, 96 ca.
TCM là bệnh xuất hiện quanh năm, đặc biệt giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cũng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong. Trong khi đó, không ít trẻ mắc TCM ít có biểu hiện rõ ràng khiến cha mẹ khó có thể phát hiện.
Điển hình, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé T. (13 tháng tuổi) vào cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều sau sốt. Tại nhà, trẻ được gia đình cho đi khám tư và được chẩn đoán TCM thể nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày sốt, bé liên tục nôn trớ, gia đình vội vã đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu.
TS. BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến điều trị kịp thời, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.