Tìm cách hóa giải áp lực lạm phát
Ở thời điểm này, nhiều nước giàu có đã lâm vào tình trạng lạm phát cao. Tháng 6, nước Mỹ lạm phát với 9,1%; Liên minh châu Âu 8,6%. Cơn sóng lạm phát vẫn tiếp tục quét qua nhiều quốc gia. Trong bối cảnh ấy, lạm phát ở nước ta sẽ ra sao?
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, mức lạm phát 9,1% trong tháng 6 tại Mỹ so với cùng kỳ năm 2021 là mức cao nhất trong 40 năm qua. Còn theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thì 3 rủi ro lớn nhất toàn cầu phải đối mặt hiện nay, gồm lạm phát tăng cao, giá cả năng lượng tăng ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; kinh tế toàn cầu không đạt tăng trưởng như dự báo.
Trong đó, rủi ro lạm phát đang dần hiện rõ và lan rộng.
“Chi phí đẩy” làm gia tăng lạm phát
Với Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng lạm phát thế giới xâm nhập vào nước ta theo con đường nhập khẩu, rồi đi dần vào giá tiêu dùng. Trong khi nước ta có nền kinh tế mở hàng đầu thế giới thì việc đó lại càng phải cẩn trọng hơn. Ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới do kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế ở mức cao. Đáng lưu ý, tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm hơn 50% trong tổng chi phí nguyên vật liệu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế.
Ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng lạm phát ở ta chủ yếu do “chi phí đẩy” - một loại lạm phát gây ra bởi sự gia tăng chi phí của hàng hóa hoặc dịch vụ quan trọng mà không có sẵn phương án thay thế thích hợp. Điển hình là sự gia tăng của giá bán lẻ xăng dầu. Sau nhiều lần tăng, giảm, giá bán lẻ với mỗi lít xăng RON 95-III vẫn cao hơn 6.380 đồng so với đầu năm, xăng E5 RON 92 là 5.230 đồng, còn dầu diesel là 9.020 đồng.
Để chống lạm phát “chi phí đẩy”, ông Nghĩa cho rằng cần giảm các loại thuế và phí, trong đó có thuế với xăng, dầu, nhất là trong bối cảnh thuế và các loại chi phí chiếm khoảng 35% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng, dầu. Vì rằng khi giá xăng leo cao sẽ khiến tất cả các loại hàng hoá tăng giá.
Về việc một số quốc gia tăng lãi suất ngân hàng coi đó như một biện pháp cần thiết để kéo lạm phát xuống, giới chuyên gia tài chính trong nước cho rằng với Việt Nam giải pháp đó sẽ ít tác dụng; do mỗi nền kinh tế có những đặc điểm khác nhau. Còn theo ông Cấn Văn Lực, việc tăng lãi suất chỉ có tác dụng nhiều khi lạm phát do yếu tố tiền tệ. Vậy nên tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất, nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này.
Giá xăng dầu gây áp lực lạm phát
Trở lại vấn đề làm gì để kiềm chế lạm phát? Nhiều ý kiến cho rằng điều quan trọng nhất trong thời gian này là hoá giải áp lực từ chính sách quản lý - điều hành xăng dầu. Theo đó, cùng với việc giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu (từ 11/7/2022) thì cần sớm áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này sẽ rất có ý nghĩa trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), áp lực lạm phát những tháng cuối năm là rất lớn do chịu tác động từ 5 yếu tố. Thứ nhất, biến động giá xăng dầu tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải. Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại mức trước dịch. Thứ ba, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong dân tăng mạnh, qua đó đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao. Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo lộ trình sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt là việc áp dụng khung học phí các cấp học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thứ năm, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 sẽ làm tăng CPI.
Như vậy, giá xăng dầu được cho là nguyên nhân quan trọng dẫn tới lạm phát hay kéo giảm lạm phát.
Theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương), thì Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ thuế như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để bình ổn giá xăng, dầu, trong đó không loại trừ phương án điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này trong bối cảnh thuế và các loại chi phí chiếm khoảng 35% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng, dầu - tức là người tiêu dùng hiện phải trả gần 12.000 đồng tiền thuế, phí với mỗi lít xăng, dầu.
Ý kiến được bà Hoa nêu lên tại Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm, tới nay càng cho thấy là đúng đắn, khi giá nhiều mặt hàng lên cao, nhiều tàu cá nằm bờ cũng như chỉ số CPI nhích lên. Bà Hoa cũng cho rằng, để giảm áp lực lạm phát thì không nên điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng. “Và khi điều chỉnh học phí cần điều chỉnh giãn ra giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát” - bà Oanh nói.
Với góc nhìn lạc quan, tiến sĩ Nguyễn Đức Độ (Viện Kinh tế - Tài chính) cho rằng, với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn. Trong trường hợp lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, thì lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Tuy nhiên, xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.
Ông Độ cũng cho rằng nhiều khả năng giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Nếu vậy, mức lạm phát sẽ ở mức dưới 3,5%.