Đoán ‘trúng tủ’ đề Ngữ văn: Cách ra đề có cần thay đổi?
Câu chuyện về một trang mạng Kaito Kid đoán trúng đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT trong 3 năm liên tiếp khiến nhiều ý kiến cho rằng, cách ra đề thi cần được đổi mới, tránh việc đoán đề, học tủ trở thành vấn nạn.
Học "lệch tủ" sẽ không có cơ hội làm lại
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã kết thúc nhưng cách ra đề thi, vấn đề đoán đề, lộ lọt đề vẫn là câu chuyện cần bàn tới.
Tâm điểm của dư luận những ngày qua là câu chuyện một tài khoản facebook có tên Kaito Kid đoán trúng đề thi môn Ngữ văn không chỉ 1 năm mà thậm chí trong 3 năm liên tiếp.
Qua xác minh làm rõ, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) khẳng định, đề thi môn Ngữ văn hoàn toàn không có việc lộ đề.
Theo Cục Quản lý chất lượng, quản trị mạng Kaito Kid là 3 sinh viên thuộc một trường đại học tại TP Hồ Chí Minh. Việc dự đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi chính thức dựa trên sự phân tích của các cá nhân trong nhóm và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, việc này đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Cục Quản lý chất lượng cho biết, cơ quan chức năng của Bộ Công an đang phối hợp với nhà trường và địa phương để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Lâu nay, việc dự đoán đề thi luôn diễn ra trước mỗi kỳ thi. Không riêng tài khoản Kaito Kid mà trên các hội nhóm, diễn đàn mạng xã hội, đề thi môn Ngữ văn luôn được nhiều cư dân mạng dự đoán, thăm dò ý kiến để tìm tác phẩm trong đề thi chính thức.
Việc dự đoán đề thường không bị xử phạt, tuy nhiên, các cuộc dự đoán này dấy lên lo ngại về việc học tủ trở thành vấn nạn.
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho hay: “Tôi không ngạc nhiên khi một ai đó quan tâm đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và đoán đúng đề môn Ngữ văn ra trúng vào tác phẩm nào đó. Nhưng nếu vì thế mà cho rằng lộ đề thì không phải”.
Bởi theo ông Tuấn Anh, trong chương trình hiện hành, số tác phẩm văn học được đưa vào dạy học ở lớp 12 không nhiều, nên việc đoán đúng đề sẽ rơi vào tác phẩm nào cũng là chuyện thường. Trong khi đó, học sinh, giáo viên - ai cũng muốn mình dự đoán chính xác nhất để đạt điểm cao nhất.
Tuy nhiên, trước băn khoăn về việc đoán đề sẽ nảy sinh vấn nạn học tủ, ông Tuấn Anh cho rằng, nếu vì mong muốn đạt điểm cao mà học tủ thì thí sinh sẽ không an toàn, bởi đoán trúng đề hay không chỉ đến khi vào phòng thi mới biết. Lúc đó nếu học "lệch tủ" sẽ không còn cơ hội làm lại.
“Trong thực tiễn cũng có thể xảy ra hiện tượng ai đó bỗng dưng trúng tủ theo kiểu may mắn. Nhưng xác xuất rất thấp. Vì thế việc dự đoán đề thường xảy ra những ngày cuối cùng trước kỳ thi. Còn việc dạy và học thì diễn ra suốt cả quá trình. Những giáo viên có kinh nghiệm, trách nhiệm và những học sinh học nghiêm túc sẽ không dạy tủ và học tủ đề theo kiểu đoán mò như vậy”, ông Tuấn Anh nói.
Cách ra đề thi môn Ngữ văn sẽ có thay đổi
Câu chuyện tài khoản Kaito Kid đoán trúng đề thi Ngữ văn trong 3 năm liền khiến nhiều ý kiến cho rằng, cách ra đề thi môn Ngữ văn đang đi theo lối mòn.
Ông Hồ Tuấn Anh nhìn nhận, những năm qua mặc dù Bộ GDĐT và các địa phương đã rất cố gắng để tránh việc học tủ, nhất là làm đề thi trắc nghiệm khách quan, thi đánh giá năng lực, chỉ còn môn Ngữ văn là vẫn thi tự luận. Trong đó, phần Nghị luận xã hội luôn được dự luận chờ đợi và đánh giá cao.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng: “Phần làm văn của đề thi Ngữ văn cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, làm sao cho mới lạ, tạo tư duy phản biện, bình luận hơn”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông (Bộ GDĐT) cho biết, sắp tới đây, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, cách ra đề và việc phân tích tác phẩm trong đề thi môn Ngữ văn sẽ khác hơn nhiều.
Khi học sinh lớp 12 bắt đầu học chương trình mới là năm 2025 thì sẽ có phương thức thi mới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức để làm sao ngày càng tinh gọn hơn và đảm bảo được mục tiêu kỳ thi. Cách thức ra đề không yêu cầu thí sinh phải học thuộc tác phẩm mà thí sinh vận dụng được, thể hiện được năng lực của mình với môn Ngữ Văn.
“Việc chấm thi vẫn tiếp tục triển khai chấm thi tự luận và trắc nghiệm theo đúng quy chế. Bài thi tự luận sẽ chấm vòng trong, vòng ngoài. Vòng ngoài sẽ có ghi âm để kiểm tra”, ông Thành cho biết.
Theo quy định của Bộ GDĐT, việc công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ đồng loạt diễn ra trên cả nước vào ngày 24/7. Thời điểm này, việc chấm thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương đang đi vào giai đoạn cuối cùng để có thể kịp công bố kết quả cho thí sinh đúng thời gian quy định.