Quảng Nam: Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Tấn Thành - Chí Đại 18/07/2022 20:17

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng cao và diễn biến khá phức tạp, ngành y tế Quảng Nam đã huy động các nguồn lực và triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch SXH, bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam (CDC Quảng Nam), tính từ ngày 11/7, tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận 2.971 ca mắc SXH tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố, cao hơn so với năm 2019 và tăng gấp 11,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (254 ca). Các địa phương có số ca mắc SXH cao nhất lần lượt là huyện Thăng Bình hơn 490 ca, thị xã Điện Bàn hơn 470 ca, TP Tam Kỳ hơn 420 ca;…

Để chủ động phòng, chống dịch SXH, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, có nguy cơ bùng phát dịch.

Bệnh nhân mắc SXH đang điều trị tại BVĐK Minh Thiện.

Ngoài ra, tăng cường theo dõi người bệnh SXH đang nằm điều trị nội trú trong các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh SXH có diễn biến nặng. Củng cố và duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh SXH” và “đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Ghi nhận của chúng tôi, sáng 18/7, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Minh Thiện hiện đang điều trị cho khoảng 30 trường hợp SXH, trong đó có trẻ em và người lớn tuổi. Đa số bệnh nhân điều trị có biểu hiện sốt cao, đau đầu và người mệt mỏi.

Bác sĩ Hồ Ngọc Ánh, BVĐK Minh Thiện chia sẻ: “SXH là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Muỗi vằn khi đốt người bệnh sẽ mang và truyền vi rút gây SXH sang người lành khi muỗi đốt. Bệnh SXH hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt lăng quăng, diệt muỗi và không cho muỗi đốt. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh”.

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân SXH.

Về dấu hiệu nhận biết bệnh SXH, bác sĩ Hồ Ngọc Ánh nói, sốt cao đột ngột, liên tục 2 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ sốt. Có dấu hiệu xuất huyết (từ ngày thứ 2, 3 trở đi) có dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da; chảy máu chân răng, mũi và người mệt mỏi. Người bệnh SXH có triệu chứng điển hình là sốt cao kèm mất nước nên việc bù nước là quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, người thân nên cho người bệnh uống thêm các loại nước trái cây, nước ép như nước cam, chanh, nước ép bưởi, nước dừa vì các loại quả này có chứa nhiều vitamin C và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Điện Bàn cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, thị xã Điện Bàn có hơn 600 ca mắc SXH tập trung ở Phường Điện Ngọc, Điện Nam Đông, Điện Nam Trung…. Số ca SXH tăng gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2021”.

Phun thuốc diệt lăng quăng, bọ gậy.

Theo bác sĩ Hiến, nguyên nhân SXH tăng chủ yếu do sự chủ quan trong vệ sinh môi trường sống của người dân. Đến nay, dịch bệnh này cơ bản được kiểm soát khi ngành y tế địa phương đã xử lý 11/11 ổ dịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua truyền thanh về các biện pháp phòng ngừa, tham mưu UBND thị xã về công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

Để tránh nguy cơ dịch SXH bùng phát, Tiến sĩ Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết: “Ngành tế địa phương đã phát động ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các xã trọng điểm, nơi có nguy cơ cao; diệt lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình hàng tuần với phương châm: Không có bọ gậy, lăng quăng, không có muỗi thì không có SXH. Chúng tôi cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng địa phương để phòng chống SXH”.

Xe lưu động tuyên truyền về phòng, chống bệnh SXH.

Bên cạnh đó là: Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tại các nơi công cộng, cơ quan, trường học..; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục bằng cách phát thanh qua đài và xe lưu động, nâng cao ý thức của người dân tự giác tham gia các hoạt động phòng chống SXH tại cộng đồng; Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Với sự ra quân đồng loạt, triển khai nhiều biện pháp tích cực và cả sự chăm sóc chu đáo cho bệnh nhân, tin tưởng Quảng Nam sẽ khống chế được đợt dịch SXH lần này.

Tấn Thành - Chí Đại