Xuất khẩu thủy sản: Mốc 10 tỷ USD vẫn khả thi
6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt gần 6 tỷ USD, đây là kết quả khá ấn tượng song theo nhận định của giới chuyên gia, 6 tháng cuối năm ngành thủy sản đối mặt không ít thách thức.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng, đạt kim ngạch xấp xỉ 6 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành thủy sản đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng xuất khẩu trở lại. Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung – cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ đạt 9,5 – 10 tỷ USD trong năm nay.
Nhận định về bức tranh xuất khẩu thủy sản 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, kết quả xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm là tín hiệu vui cho ngành song vẫn còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa ngành thủy sản trong nửa cuối năm. Cụ thể, ông Nam phân tích: Bên cạnh vấn đề cước vận chuyển, gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraine, một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt là đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm.
Tại hội nghị toàn thể VASEP năm 2022 mới đây, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nêu lên những thách thức mà xuất khẩu tôm phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm. Theo đó, tại thị trường Hoa Kỳ giá tôm trong thời gian tới có thể sẽ giảm vì tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập mạnh mẽ. Trong khi đó, giá xăng dầu tăng đã kéo theo hàng loạt hệ lụy trong giai đoạn kích cầu tiêu dùng phục hồi kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với rất nhiều ngành sản xuất đang đối mặt với khó khăn, nhất là những ngành tỷ lệ xăng dầu chiếm chi phí lớn trong tổng chi phí đầu vào như vận tải, chế biến thủy sản.
Trước những khó khăn về vốn và chi phí logistics tăng cao, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển sau hơn 3 tháng triển khai. Theo đó, từ ngày 1/8, TP Hồ Chí Minh sẽ miễn thu phí đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển ra vào cảng bằng đường thủy nội địa theo hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Các loại hình hàng hoá tương tự nhưng không theo hiệp định trên sẽ được giảm 50% mức phí. Ngoài ra, hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) mở tờ khai tại thành phố hay ngoài TP Hồ Chí Minh được điều chỉnh cùng một mức phí. Đây là một tin vui cho cộng đồng DN, vì việc điều chỉnh này sẽ bớt đi gánh nặng chi phí logistics cho DN XNK.
Bên cạnh đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, có khoản vay trong năm 2022 - 2023 (nguồn vốn của gói hỗ trợ này là 40.000 tỷ đồng), được xem là nguồn vốn với chi phí thấp giúp người dân, DN tái khởi động dây chuyền sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới... Trong đó, các DN ngành thủy sản là những đối tượng được hưởng gói hỗ trợ lãi suất 2% với giải ngân hơn 16.000 tỷ đồng.
Mặc dù đưa ra nhận định xuất khẩu tôm gặp nhiều biến động trong 6 tháng cuối năm song theo TS Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP, kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ cao hơn năm ngoài, ít nhất 10%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lý do là thành quả 6 tháng đầu năm sẽ là nền tảng để ngành tôm tăng tốc. “Năm nay, ngành tôm phấn đấu đạt sản lượng tôm thương phẩm 1 triệu tấn. Mức phấn đấu này còn phụ thuộc thời tiết của 6 tháng cuối năm, nhưng chúng ta có căn cứ để đạt mốc này. Đó là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực rõ nét hơn. Năm 2022 sẽ là một năm tiếp tục thành công của ngành tôm nước nhà” - TS Lực nhận định.
Không chỉ với ngành tôm, theo nhận định của giới chuyên gia, năm 2022 là thời điểm để các DN thủy sản nỗ lực vượt qua khó khăn về lạm phát để phục hồi sản xuất và xuất khẩu. Nếu ngành thuỷ sản xuất khẩu thuận lợi về mặt nguyên liệu, sự hỗ trợ kịp thời trong việc vay vốn với gói lãi suất 2%, sẽ thu về trên 10 tỷ USD ngoại tệ trong năm nay.
Năm nay, ngành tôm phấn đấu đạt sản lượng tôm thương phẩm 1 triệu tấn. Mức phấn đấu này còn phụ thuộc thời tiết của 6 tháng cuối năm, nhưng chúng ta có căn cứ để đạt mốc này. Đó là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực rõ nét hơn. Năm 2022 sẽ là một năm tiếp tục thành công của ngành tôm nước nhà - TS Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP nhận định.