Vụ nữ nhân viên Quỹ tín dụng bị tố vay tiền không trả: Công an tỉnh Bình Thuận nói gì?
Với “thủ thuật” cần tiền đáo hạn vay ngân hàng, đã có ít nhất 8 nạn nhân bị bà Phạm Thị Mỹ Linh - nhân viên Quỹ tín dụng nhân dân thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) chiếm đoạt tổng số tiền lên đến gần 14 tỷ đồng. Các nạn nhân đã gửi đơn đến cơ quan có trách nhiệm các cấp kêu cứu.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, trung tá Lê Phúc Minh - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an thị xã La Gi cho biết, việc giải quyết đơn tố cáo của các nạn nhân đều được thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Bà Trần Thị Dung (ngụ khu phố 5, phường Bình Tân, thị xã La Gi) đại diện 8 nạn nhân tố cáo bà Phạm Thị Mỹ Linh - nguyên là nhân viên Quỹ tín dụng thị xã La Gi và ông Nguyễn Thành Công (chồng bà Linh) có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Tuy nhiên, ngày 11/6/2020, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT (Công an thị xã La Gi), thượng tá Vũ Xuân Tiếu đã ký 2 thông báo về kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm và việc không khởi tố vị án hình sự. Trong đó, Cơ quan CSĐT (Công an thị xã La Gi) cho biết đã ra Quyết định không khởi tố hình sự số 49 ngày 5/6/2020, với lý do: “Hành vi của vợ chồng bà Phạm Thị Mỹ Linh và ông Nguyễn Thành Công không cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Không chấp nhận kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT (Công an thị xã La Gi), các nạn nhân tiếp tục làm đơn khiếu nại Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT do Thượng tá Vũ Xuân Tiếu ký, gửi đến Thanh tra Công an tỉnh Bình Thuận. Sau đó đơn của các nạn nhân được chuyển cho Công an tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên, Công tỉnh tỉnh Bình Thuận không thụ lý mà chuyển đơn của các nạn nhân về lại cho Cơ quan CSĐT (Công an thị xã La Gi) thụ lý giải quyết. Điều đáng nói là ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại của các nạn nhân, Thượng tá Vũ Xuân Tiếu chính là người đang bị khiếu nại đã lập tức ký thông báo 490/TB-CSĐT ngày 2/10/2020 từ chối không thụ lý giải quyết đơn khiếu nại của các nạn nhân với lý do “thời hiệu khiếu nại không còn”.
Cho rằng“Cơ quan CSĐT Công an thị xã La Gi giải quyết không khách quan, có dấu hiệu bao che cho người bị tố giác, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy việc giải quyết đơn tố giác tội phạm, các nạn nhân tiếp tục gửi đơn đến Thanh tra Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ. Ngày 20/10/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản (số 8759/VPCP-V.I) chuyển đơn của các nạn nhân cho Bộ Công an xem xét, giải quyết theo quy định. Và, ngày 18/5/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành Thông báo 244/TB-VPCQCSĐT về việc thụ lý đơn tố cáo của bà Trần Thị Dung.
Sau 30 ngày điều tra xác minh theo luật định, vừa qua, ngày 18/6/2022, Thượng tá Vũ Xuân Tiếu tiếp tục ký văn bản gia hạn thời gian xác minh tố cáo thêm 30 ngày, với lý do nội dung xác minh chưa được thực hiện xong. Lần này thượng tá Tiếu ký văn bản với chức vụ Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận do ông Tiếu đã được chuyển công tác.
Trung tá Lê Phúc Minh cho biết, mặc dù rất chia sẻ với những bức xúc của các nạn nhân đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại trong vụ việc, nhưng kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT (Công an thị xã La Gi) là có cơ sở, được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, chưa phát hiện ra sai sót hay dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm như dư luận nghi vấn. Tuy nhiên, hiện Cơ quan CSĐT (Công an tỉnh Bình Thuận), Bộ Công an vẫn đang tiếp tục xem xét lại kết luận điều tra. Theo đó, nếu phát hiện đủ cơ sở, Cơ quan CSĐT (Công an thị xã La Gi) sẵn sàng khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Đặng Anh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và cộng sự cho rằng: Từ nội dung đơn tố cáo của các bị hại cùng các chứng cứ là giấy vay mượn tiền, tin nhắn giữa bị hại và bà Phạm Thị Mỹ Linh cho thấy bà Linh cùng chồng là ông Nguyễn Thành Công đã lợi dụng chính uy tín của mình (bà Linh công tác tại Quỹ Tín dụng nhân dân thị xã La Gi; ông Công công tác tại Công an thị xã La Gi) khiến các bị hại rất tin tưởng. Sau đó bà Linh, ông Công đã có hành vi, thủ đoạn gian dối nói rằng cần vốn làm ăn, vốn đáo hạn Quỹ tín dụng để vay mượn tiền của các bị hại nhưng thực chất không có việc làm ăn hay đáo hạn nào. Khi các bị hại có việc cần nên đòi trả tiền, mặc dù có khả năng chi trả nhưng hai vợ chồng bà Linh, ông Công lại tìm cách bán nhà để tẩu tán tài sản. Đồng thời bà Linh cũng bỏ trốn để chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã vay được từ các bị hại. Mặt khác ông Công luôn trốn tránh trách nhiệm khi cho rằng không biết việc làm của vợ mặc dù rất nhiều giấy vay mượn tiền có đủ chữ ký của ông Công.
Theo Luật sư Đặng Anh Đức - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và cộng sự, số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt được của các bị hại là rất lớn, lên đến 13,99 tỷ đồng thể hiện rõ mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Vì vậy, căn cứ quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175), việc các bị hại tố cáo hành vi, thủ đoạn gian dối của bà Phạm Thị Mỹ Linh và ông Nguyễn Thành Công để chiếm đoạt số tiền lớn của các bị hại tới Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an thị xã La Gi và Công an tỉnh Bình Thuận là hoàn toàn có cơ sở.