Nhân viên y tế nghỉ việc ồ ạt: Giải quyết phần 'gốc' để giữ chân y, bác sĩ

Đức Trân - Phạm Sỹ 19/07/2022 05:01

Tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022, có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc. Việc hàng chục nghìn cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao chắc chắn sẽ tạo ra sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các cơ sở y tế công lập. Vậy Bộ Y tế sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?

Thăm khám bệnh cho người dân. Ảnh TL.

Từ năm 2021 đến nay, nhân lực y tế dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân diễn ra với số lượng lớn. Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo từ các địa phương, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022, có gần 10.000 nhân viên y tế thôi việc, chuyển việc.

Thu nhập thấp, áp lực công việc cao

Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc, 82 người xin chuyển công tác và từ tháng 1/2022 đến 30/4/2022, đã có 226 người nghỉ việc, 17 người xin chuyển công tác. Những người nghỉ việc này tập trung ở các bệnh viện lớn như Đức Giang, Xanh Pôn, Hà Đông…

Tại TP HCM con số này còn cao hơn. Đơn cử như năm 2021, có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc; quý I/2022, có gần 400 người nghỉ việc.

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng nói trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do: Thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; Chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.

Nhân viên y tế kiểm tra các mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Đồng thời môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...

Thực tế, một nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam được thực hiện trên 2.700 nhân viên y tế đã chỉ ra rằng, khoảng 60% nhân viên y tế được hỏi cho biết họ đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19; 48% phải làm thêm giờ. Trong khi đó, 30% nhân viên y tế cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ đã bị giảm, bên cạnh hơn 62% nhân viên tham gia chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào về dịch Covid-19.

Một trong số những nhân y tế xin nghỉ việc trong thời gian vừa qua, Chị Bùi Thị T., nguyên cán bộ y tế quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, suốt quãng thời gian chống dịch 2 năm qua, chị rơi vào tình trạng mất ngủ, căng thẳng nặng bởi quá mệt mỏi với áp lực công việc từ truy vết, điều tra dịch tễ, đến tiêm chủng, trực đường dây nóng, không có thời gian nghỉ ngơi.

Đêm đến, mọi người thay phiên nhau cập nhập số liệu F0, hoàn thiện báo cáo. Áp lực chồng chất, nhưng chỉ được cộng thêm khoảng 500.000 đồng tiền trách nhiệm mỗi tháng.

“Không chỉ riêng tôi, thật sự cuộc sống của các đồng nghiệp cũng rất khó khăn. Có người sau 7 năm làm việc mức thu nhập vẫn chỉ là 2.470.000 đồng và là nhân viên hợp đồng nên không có phụ cấp hay khoản thu nhập nào khác. Trong khi suốt 2 năm vừa rồi, nhất là trong đợt dịch vừa qua, chưa ngày nào được về nhà trước 10 giờ đêm”.

Tự chủ bệnh viện còn nhiều bất cập

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết dưới góc độ một nhà quản lý bệnh viện, PGS. TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng: Nguyên nhân khiến các nhân viên y tế nghỉ việc ồ ạt trong thời gian vừa qua, đặc biệt ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thì nguyên nhân chính là do áp lực của công tác chống dịch.

Còn ở thời điểm gần đây, khi dịch đã ổn định thì nguyên nhân ở đây là do đời sống. Bệnh viện ít bệnh nhân, thu nhập giảm trong khi lại thực hiện tự chủ tài chính. Thu nhập nhân viên y tế chỉ còn đồng lương khiến đời sống của anh em không được đảm bảo.

Lấy ví dụ đơn giản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thời gian qua mặc dù lượng bệnh nhân vẫn giữ được ở mức cao thế nhưng thu nhập của nhân viên y tế cũng giảm 1 nửa so với thời điểm Covid-19 chưa xuất hiện.

Một trường hợp khác đó là Bệnh viện Tuệ Tĩnh, như chúng ta đều biết, 8 tháng trời nhân viên y tế tại đây không được trả lương. Vấn đề ở đây theo tôi thấy rất dễ hiểu, khi bệnh viện đã tự chủ tài chính thì đồng nghĩa với việc người bệnh mới là người trả lương cho cán bộ, công nhân viên của bệnh viện. Do vậy, khi không có bệnh nhân thì đương nhiên anh em đều không có thu nhập.

Ở thời điểm này các bệnh viện tư nhân họ mời chào thì đương nhiên là nhân viên y tế được quyền chọn lựa công việc để đảm bảo thu nhập của bản thân. Bởi vậy dẫn tới tình trạng nghỉ việc nhiều trong thời gian qua. Tuy nhiên, tôi cho rằng những trường hợp này chỉ mang tính nhất thời. Trong tương lai, khi bệnh nhân dần trở lại ổn định, các bệnh viện công dần đảm bảo được nguồn thu nhập thì sẽ không còn việc y bác sĩ ồ ạt nghỉ việc nữa”.

Mặc dù lạc quan cho rằng bản chất về nguồn lực y tế không mất đi đâu mà chỉ là chuyển từ khu vực công sang khu vực tư, nhưng PGS. TS Nguyễn Duy Ánh cũng cho rằng, nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì sẽ gây rối loạn rất lớn cho việc bảo đảm sức khỏe nhân dân vì khi các bác sĩ chuyển hết sang bệnh viện tư thì hệ quả là mất công bằng xã hội.

“Khi nguồn chất xám, những y bác sĩ giỏi sẽ chỉ chữa bệnh cho người có thu nhập cao trong khi đó nước ta vẫn có một phần không nhỏ là người có thu nhập trung bình và thấp. Bác sĩ bỏ viện công đi viện tư hết thì ai khám chữa cho người nghèo bây giờ? Do vậy, rất cần những chính sách để bệnh viện công có thể phát triển, để giữ chân nguồn lao động hài hòa cùng sự phát triển của bệnh viện tư nhân”.

Bác sĩ Trần Văn Phúc.

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: Gánh nặng cơm áo không đùa với ngành y

Theo quan sát của tôi, y bác sĩ nghỉ việc tại bệnh viện công với tốc độ ngày càng nhanh, nhiều người trong số họ là bác sĩ xương sống của những bệnh viện hàng đầu. Nguyên nhân là gì?

Đối với những y bác sĩ bệnh viện công chúng tôi, ai cũng phải làm việc ít nhất 8-10 giờ mỗi ngày, trực 24 tiếng vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và ngày lễ đều không nghỉ bù theo quy định của pháp luật, nhưng cũng không được tính công làm thêm giờ, chẳng ai nghỉ phép nếu gia đình không có việc hệ trọng. Bệnh viện hạng 1 tiền trực của bác sĩ là 115.000 đồng. Hầu hết nhân viên y tế chỉ có lương cơ bản. Trang thiết bị máy móc luôn cũ kĩ, lạc hậu, thậm chí kém chất lượng đến mức rất khó khăn để làm chẩn đoán và thực hiện các thủ thuật can thiệp.

Nhiều người nói với tôi rằng, y tế công lập đang bị sai cả hệ thống, người bỏ đi được thì đã đi rồi, chỉ những người không có khả năng hay quá lười thay đổi mới bám trụ ở lại. Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Mọi thứ đều có điểm mạnh và điểm yếu, bác sĩ trong hệ thống y tế công cũng vậy, ưu điểm là nghề nghiệp ổn định, bệnh viện là nơi đào tạo tay nghề để trưởng thành, là nơi tốt để học hỏi nâng cao năng lực chuyên môn. Chưa kể, những người theo sự nghiệp y khoa là họ yêu bệnh nhân, muốn làm những điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống để xoa dịu nỗi đau, nên chừng nào họ còn xoay xở được thì vẫn cố gắng ở lại, họ chỉ “bỏ chạy” khi những đòi hỏi về cơm áo gạo tiền quá bức bách.

Ông Nguyễn Đình Hưng.

Ông Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Thu nhập và đãi ngộ chưa tương xứng

Số nhân viên y tế của thành phố Hà Nội nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng (1/2021-6/2022) gần 900, tập trung ở một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn, Hà Đông, Đức Giang. Đó là những người có bằng đại học, tay nghề cao và đa số dịch chuyển sang khối y tế ngoài công lập.

Phần lớn, cán bộ, nhân viên y tế nghỉ do công việc quá vất vả sau 2 năm chống dịch Covid-19. Mặt khác, khi các cơ sở y tế tập trung phòng, chống dịch thì không có thêm nguồn thu, nhất là với những nơi tự chủ, từ đó cán bộ y tế không có thu nhập thêm, chủ yếu sống bằng tiền lương. Hiện cán bộ, nhân viên trung tâm y tế thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng; khối bệnh viện lớn 11-12 triệu/tháng. So với bệnh viện tư là quá thấp. Đào tạo được một bác sĩ phải mất 6 năm, sau đó thực hành ở bệnh viện 15 tháng mới được phép hành nghề. Ngoài ra, họ còn phải học thêm chuyên khoa 1, 2, học thạc sĩ, tiến sĩ... Cá nhân tôi mất khoảng 15 năm học mới có thể trở thành bác sĩ cứng tay nghề, nhưng thực tế thu nhập và đãi ngộ vẫn chưa tương xứng.

Đức Trân - Phạm Sỹ