Rừng phòng hộ Trung Trung Bộ bị xâm hại. Bài 2: Bất cập, chồng chéo trong quản lý

ĐĂNG KHÔI 19/07/2022 09:11

Bất cập giữa công tác giao đất, giao rừng với quy hoạch 3 loại rừng đã và đang là tác nhân khiến không ít diện tích rừng phòng hộ ở tỉnh Quảng Bình bị xâm hại. Trong khi đó lại đang tồn tại sự chồng chéo trong quy định quản lý cũng như xử lý sai phạm.

Nhiều khu rừng ở Minh Hóa (Quảng Bình) bị đốn hạ, đốt trụi.

Ai chặt rừng để trồng keo?

Từ phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến khu vực rừng phòng hộ Hung Bưởi (thôn Tiến Hóa, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Tại đây, khu vực rừng rộng khoảng 1 ha đã bị đốn hạ, đốt trụi, trong đó có nhiều cây gỗ lớn, có giá trị như huỳnh, lát, trầm hương... với đường kính khoảng 20 cm.

Qua xác định, khu vực này có tọa độ đại diện X = 499537, Y = 1957638, có diện tích rộng 14.376 m2, đây là đất rừng phòng hộ, thuộc quyền quản lý của 4 hộ dân là các ông Cao Xuân Hiền, Đinh Minh Tâm, Trương Văn Hướng và bà Đinh Thị Thiền.

Trong đó, gia đình ông Cao Xuân Hiền (SN 1965, trú tại thôn Tiến Hóa, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A0749080 vào ngày 21/10/2008 với diện tích 11.356m2, mục đích sử dụng đất là đất rừng phòng hộ, yêu cầu khoanh nuôi bảo vệ.

Theo đó, từ năm 2008 đến nay, gia đình ông Hiền đều bảo vệ tốt khu vực được giao, ngoài ra ông còn trồng thêm nhiều cây gỗ quý để làm giàu và tăng độ che phủ rừng.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2022, ông Hiền phát hiện có đối tượng đã ngang nhiên chặt phá một diện tích rừng phòng hộ trên đất của mình để trồng keo. Ngoài diện tích đất gia đình ông Hiền, diện tích rừng trên đất của ông Trương Văn Hướng và bà Đinh Thị Thiền cũng bị đốn hạ. Trong đó, diện tích rừng trên đất của ông Hiền bị đốn hạ là khoảng 0,4 ha nên ông đã làm đơn tố cáo.

Trả lời PV, ông Đinh Văn Giáo - Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2008 thì khu vực trên nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ. Sau khi nhận được thông tin từ ông Cao Xuân Hiền, lãnh đạo xã đã cùng trưởng thôn và lực lượng kiểm lâm tới kiểm tra nhưng chưa phát hiện được các đối tượng đốn hạ rừng.

Khó xử lý vì thẩm quyền chồng chéo

Trong khi đó, theo Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa, đơn vị phối hợp với Phòng NN&PTNT, Phòng TN&MT huyện, UBND xã Thượng Hóa tổ chức kiểm tra, xác minh theo đơn tố cáo của người dân. Lô rừng này có tọa độ đại diện X = 499537, Y = 1957638, có diện tích rộng 14.376 m2, trong đó có 11.599 m2 là diện tích rừng có trạng thái khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng.

Trên cơ sở xác minh hiện trường, Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa xác định đúng là có việc rừng bị phá. Căn cứ Giấy chứng nhận QSDĐ của các hộ gia đình và bản đồ giao đất của xã Thượng Hóa tại tờ bản đồ số 23, thì vị trí đám rừng bị phá thuộc đất có rừng tự nhiên, giấy chứng nhận QSDĐ ghi: “Đất rừng phòng hộ”. Tuy nhiên, đối chiếu bản đồ quy hoạch 3 loại rừng được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 4534/QĐ-UBND ngày 25/12/2018, vị trí rừng bị phá nằm ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Tuy nhiên, đối với vị trí bị tác động đã giao cho 4 hộ gia đình quản lý tại tờ bản đồ số 23, thì trong Giấy chứng nhận QSDĐ có ghi mục đích sử dụng đất là “rừng phòng hộ”; ghi chú “Đất rừng tự nhiên phòng hộ khoanh nuôi bảo vệ (Ký hiệu RPR - IIA9)”. Đối với vị trí bị tác động đang do UBND xã Thượng Hóa quản lý thì tại tờ bản đồ số 23 là Đất rừng sản xuất.

Từ kết quả kiểm tra thực tế tại hiện trường, đối chiếu các hồ sơ liên quan thì đây không quy định là rừng phòng hộ.

Đến nay, đã hết thời hạn giải quyết đơn tố cáo, mặt khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ. Do đó, Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa báo cáo UBND huyện chỉ đạo UBND xã Thượng Hóa và các ngành liên quan tiếp tục điều tra, xác minh và giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Công Chung - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa cho biết: “Bất cập trong việc chồng chéo giấy tờ giữa việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ trước đây và đối chiếu bản đồ quy hoạch 3 loại rừng khiến chúng tôi rất khó xử lý vì vượt quá thẩm quyền quy định. Vụ việc của ông Hiền, Hạt Kiểm lâm sẽ đề nghị UBND huyện chỉ đạo Công an xã, quân sự xã phối hợp với Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa, Đồn Biên phòng Cà Xèng tiếp tục điều tra, xác minh đối tượng phá rừng, lập hồ sơ chuyển cấp thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Giải pháp nào để cứu rừng phòng hộ?

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, các chính sách liên quan đến giao, nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều bất cập. Cụ thể, chương trình giao khoán rừng có hưởng lợi theo tinh thần Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ đã nảy sinh nhiều bất cập như chu kỳ kinh doanh của rừng quá dài, trong khi đó người nhận khoán rừng đa phần là hộ nghèo nên không thể chờ đợi đến khi rừng đủ điều kiện khai thác để hưởng lợi.

Các văn bản hướng dẫn chính sách hưởng lợi từ rừng chưa cụ thể. Các chế độ hỗ trợ cho người nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng không cụ thể, nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình của Trung ương về không kịp thời nên khi triển khai các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng còn lúng túng.

Trong thời gian tới, để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả, hạn chế thấp nhất nạn phá rừng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ rừng cho nhân dân. Đồng thời, kiện toàn và xây dựng lực lượng kiểm lâm, tập trung lực lượng đủ mạnh truy quét, triệt phá các băng nhóm chuyên khai thác, mua bán, cất giấu, vận chuyển trái phép trên các địa bàn.

Mặt khác, dù đã hết 6 tháng đầu năm 2022 nhưng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững vẫn chưa được bố trí, trong khi nhiệm vụ bảo vệ rừng của các chủ rừng phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Do vậy, công tác quản lý trên địa bàn tỉnh nói chung, các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giao khoán cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Áp lực xâm hại rất lớn, thực tế một số khu vực rừng đã bị xâm hại.

Ông Nguyễn Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho hay, vấn đề cấp Giấy chứng nhận QSDĐ và việc xác định 3 loại rừng ở một số địa phương vẫn chưa có sự thống nhất, điều này dẫn đến sơ hở trong hệ thống quản lý, tạo điều kiện cho lâm tặc thực hiện hành vi xâm hại rừng. Bên cạnh đó, vấn đề bố trí kinh phí bảo vệ đối với diện tích rừng phòng hộ vẫn là vấn đề nan giải.

“Mới đây, để giải quyết bài toán trên, Chi cục Kiểm lâm cùng Sở NN&PTNT tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí 23,2 tỷ đồng để bảo vệ rừng tự nhiên. Riêng đối với việc tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm sẽ phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương, chủ rừng tổ chức chốt chặn bảo vệ tại các khu vực trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn từ đầu hành vi chặt phá, lấn chiếm trái phép” - ông Long thông tin thêm.

(Còn nữa)

ĐĂNG KHÔI