Quảng Nam: Đại biểu HĐND bức xúc việc nhiều cán bộ còn sợ sai, sợ chịu trách nhiệm

19/07/2022 11:03

"Hiện nay nhiều địa phương còn run sợ, anh nào cũng lo thủ, mặc giáp hết, trên sợ dưới cũng sợ, bây giờ co lại hết. Nếu cơ chế không rõ ràng, không minh bạch thì anh em không ai dám làm, còn làm thì nguy cơ lãnh đủ", một đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam có ý kiến.

Quan cảnh buổi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X (Ảnh: T.H).

Sáng ngày 19/7, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã thẳn thắng phản ánh nhiều việc đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) còn chậm ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư cũng như phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt, một số đại biểu còn bức xúc việc nhiều cán bộ đơn vị cấp cơ sở còn có tâm lý e dè trong xử lý công việc, tham mưu, không mạnh dạn làm, sợ sai và sợ chịu trách nhiệm.

Cần chế tài xử phạt việc chậm thực hiện GPMB

Đại biểu HĐND Nguyễn Viết Dũng cho biết, hiện nay công tác bồi thường GPMB được giao cho các trung tâm giải phóng mặt bằng công thực hiện; qua theo dõi, có nhiều dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB đạt từ 97 đến 98%, số còn lại khoảng 2% kéo dài mãi năm này sang năm khác, không chịu giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Nguyên nhân lớn xuất phát từ cơ chế chính sách và cách làm việc thiếu trách nhiệm của cán bộ GPMB, làm cho có, hết giờ thì nghỉ, không đặt cái tâm vào công việc.

"Bên cạnh đó, nguyên nhân chính cũng do hiện nay chưa có khung chế tài xử phạt nào đối với việc chậm thực hiện GPMB cũng như chưa có cán bộ nào bị xử lý khi chậm tiến độ nên các đơn vị thực hiện công tác GPMB cứ vô tư trong công việc hằng ngày, họ đổ lỗi cho yếu tố người dân không phối hợp, quy trình không đảm bảo.

Chủ yếu đi làm để chấm công, đến cơ quan hết giờ thì về, khiến cho các vướng mắc trong công tác GPMB ngày càng không có lối ra, trì trệ, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nhiều dự án nhà đầu tư phải điều chỉnh kế hoạch vốn, kinh doanh thậm chí tự mình loay hoay tham gia thực hiện công tác GPMB...", đại biểu Dũng bức xúc.

Đại biểu HĐND Nguyễn Viết Dũng đề xuất cần có khung chế tài xử phạt nào đối với việc chậm thực hiện GPMB (Ảnh: T.H).

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Viết Dũng cũng kiến nghị thêm: "Tôi đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác BT-GPMB, không để doanh nghiệp "tự bơi" như hiện nay. Cần có những chế tài cụ thể đối với các đơn vị GPMB khi không thực hiện đúng tiến độ GPMB theo tiến độ dự án cũng như tiến độ cam kết với chủ đầu tư".

Đại biểu Nguyễn Viết Dũng còn bức xúc, thời gian qua theo dõi cho thấy cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị cấp cơ sở còn có tâm lý e dè trong xử lý công việc, tham mưu, không mạnh dạn làm, sợ sai và sợ chịu trách nhiệm; gần như việc sợ này có tính hệ thống từ cấp lãnh đạo đến cấp chuyên viên tham mưu, điều này dẫn đến sự trì trệ, chây ỳ của bộ máy quản lý, ảnh hưởng đến người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hồ sơ và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An phát biểu tại tổ thảo luận (Ảnh: T.H).

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, bây giờ thanh tra, kiểm tra liên tục thì thời gian đâu mà làm, vấn đề nữa là con người, riêng Hội An 6 tháng đầu năm 2022 nhận hơn 2.000 đơn kiến nghị, chủ yếu là đất đai, trong khi đó có 7 con người thì thời gian đâu mà giải quyết rốt ráo, kịp thời gian cho người dân được.

"Ngoài ra, hiện nay nhiều địa phương còn run sợ, anh nào cũng lo thủ, mặc giáp hết, trên sợ dưới cũng sợ, bây giờ co lại hết. Nếu cơ chế không rõ ràng, không minh bạch thì anh em không ai dám làm, còn làm thì nguy cơ lãnh đủ.

Riêng đối với bộ máy công chức, tôi đề nghị ngành nội vụ cần thường xuyên thi tuyển công chức, Hội An còn thiếu 10 cán bộ mà chưa tuyển được, có hiện tượng địa phương dành người của nhau, đã thiếu rồi dẫn đến thiếu thêm", ông Sơn nói.

Không để tình trạng, cán bộ cắp cặp đến cơ quan rồi đến giờ thì về

Đại biểu Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam kiến nghị, cần thành lập trung tâm mua sắm tập trung của tỉnh để tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, để đảm bảo thực hiện các trình tự, thủ tục chặt chẽ, đúng quy định về Luật đấu thầu và các văn bản liên quan.

Ông Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đề xuất thành lập trung tâm mua sắm tập trung (Ảnh: T.H).

Việc thành lập trung tâm mua sắm tập trung này hiện tại TP HCM đang dự kiến thành lập, nên mình cũng cần triển khai, chứ thời gian qua các cơ quan chuyên môn, công chức, viên chức nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu không được thấu đáo, dễ xảy ra sai sót.

Ngành chuyên môn của chúng tôi chưa giỏi về công tác đấu thầu, nghiên cứu về vật tư y tế, do vậy còn có nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Văn Diệu kiến nghị tại tổ thảo luận (Ảnh: T.H).

Đại biểu Nguyễn Văn Diệu bức xúc, hiện có nhiều dự án đã được đầu tư nhưng chậm tiến độ, kéo dài đến mấy năm trời chưa đưa vào hoạt động. Chẳng hạng như cầu Tam Giang và Tam Tiến, huyện Núi Thành. Việc này tỉnh cần có giải pháp, chứ không để kéo dài và cần có chế tài xử lý cán bộ cũng chậm GPMB. Nếu không quyết liệt, họ (ý nói cán bộ) cứ cắp cặp đến cơ quan rồi đến giờ thì về, nếu chậm đưa vào sử dụng cần xử phạt.

Xung quanh cầu Tam Giang nối thị trấn Núi Thành với xã Tam Giang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) báo Dân Việt cũng liên tục phản ánh. Cầu Tam Giang được đầu tư kinh phí xây dựng và giải phóng mặt bằng (GPMB) đến 150 tỷ đồng, công trình do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Núi Thành làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Tổng Công ty Công trình đường sắt.

Cầu Tam Giang, huyện Núi Thành hơn 5 năm chưa đưa vào sử dụng khiến đại biểu bức xúc (Ảnh: T.H).

Cầu được thi công từ năm 2017, dự kiến hoàn thành tháng 7/2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong dù đã 2 lần được điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, gần nhất là ngày 31/12/2021, huyện Núi Thành gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2023.

Cầu Tam Giang đến nay đã qua "một nhiệm kỳ" vẫn chưa xong, ì ạch kéo dài khiến người dân khu vực này từng ngày sống khổ sở, đi lại trên cầu Tam Giang cũ rất mất an toàn.