Đường Lê Văn Lương là điển hình của việc quy hoạch bất cập

Việt Thắng 19/07/2022 16:18

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: "Đường Lê Văn Lương tại sao để quy hoạch như thế?. Chồng tầng chỉ tốt cho nhà đầu tư còn người dân rất khổ".

Ngày 19/7, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54 phối hợp cùngTỉnh uỷ Bắc Ninh tổ chức hội thảo “phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54 cho hay, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng đặc biệt quan trọng với 11 tỉnh, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng và 9 tỉnh khác, là vùng đặc biệt quan trọng.

Có thể nói, vùng có nhiều tiềm năng để phát triển. Vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước, gấp 4 lần trung bình cả nước.

Trong 17 năm thực hiện Nghị quyết 54 đã làm được nhiều việc to lớn, trong công nghiệp đã chiếm tỷ trọng lớn trong ưu tiên các địa phương và cả vùng. Thu ngân sách và xuất khẩu dựa chủ yếu vào công nghiệp. Như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.

Đơn cử như Bắc Ninh xuất khẩu trên 90% là từ công nghiệp. Còn hệ thống đô thị thì trong 17 năm qua có 175 đô thị lớn nhỏ.

Tuy nhiên theo ông Hưng, công nghiệp và đô thị có nhiều vấn đề đặt ra. Về đô thị có thể thấy việc quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Hà Nội là điển hình cứ mưa to là ngập lụt, tắc đường, tỷ lệ cây xanh còn nhiều vấn đề đặt ra.

Gần đây, dư luận nhắc đến nhiều về quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đường Lê Văn Lương điển hình của việc quy hoạch bất cập. Quy hoạch bất cập, không đồng bộ hạ tầng dẫn đến tình trạng mưa to là ngập lụt, tắc đường

“Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tác động ngày càng lớn cần phải đánh giá lại những gì đã làm được, chưa làm được sau 17 năm qua ở vùng Đồng bằng sông Hồng trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị. Từ đó có những tổng kết, báo cáo, đánh giá để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới, đặt ra những vấn đề chiến lược, dài hạn trong thời gian sắp tới” - ông Hưng cho hay.

Theo ông Hưng, cần thay đổi nhận thức, tư duy về vấn đề liên kết vùng. Nhắc lại câu nói của Bí thư Bình Dương trong một hội thảo về liên kết vùng phía Nam “thể chế vùng của chúng ta như một câu lạc bộ”, ông Hừng nói: Ban chỉ đạo rất muốn nghe những ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học để có những phương án tối ưu về liên kết vùng, liên kết nội vùng, tạo động lực cho phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng”.

Ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chỉ ra những bất cập trong vấn đề phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hệ thống hạ tầng đô thị của vùng còn thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung, tình trạng ngập úng vẫn còn, đặc biệt tại các đô thị lớn. Tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội chậm được giải quyết. Hạ tầng cấp thoát nước còn nhiều bất cập, chưa có giải pháp hữu hiệu.

Từ đó ông Hùng cho rằng, cần đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch. Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, quy hoạch vùng thủ đô, quy hoạch tỉnh để tái cấu trúc hệ thống đô thị phù hợp với xu thế phát triển liên kết lãnh thổ, hành lang kinh tế, mạng lưới hạ tầng trong khu vực giữa Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia và Thái Lan, Singapore và khối Châu Á-Thái Bình Dương.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói : "Đường Lê Văn Lương tại sao để quy hoạch như thế? Từ tầng này sang tầng khác? Chồng tầng chỉ tốt cho nhà đầu tư còn người dân rất khổ. Cho nên quản lý quy hoạch đô thị rất là quan trọng".

Việt Thắng