Giáo dục giới tính cho trẻ cần minh bạch, chính xác và tin cậy
Giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ mầm non chính là tiền đề quan trọng để trẻ nhận thức được những kiến thức về giới tính, có thể ngăn chặn nạn xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em.
Để trang bị các kiến thức về giới tính cũng như ngăn chặn tình trạng xâm hại ở trẻ, Ban Khoa giáo Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục phát sóng tập 1 chương trình Giáo dục hướng nghiệp – Mầm xanh yêu thương.
Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho biết, các cơ sở giáo dục mầm non đã ứng dụng nội dung GDGT thông qua việc tận dụng mọi tình huống mỗi hoàn cảnh, thông qua sinh hoạt hàng ngày để lồng ghép kiến thức giới tính cho trẻ.
“Hiện nay, GDGT đã triển khai đến hơn 17.000 giáo viên và đã tập huấn đến 3.000 phụ huynh của xã trường mầm non trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, giúp giáo viên và phụ huynh có những phương pháp giáo dục phù hợp với từng độ tuổi của trẻ”, cô Tuyết chia sẻ.
Tại chương trình, GS.TS Hồ Đức Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục cho rằng, chương trình Giáo dục giới tính ERA được xây dựng dựa trên nguyên tắc lấy trẻ em làm trung tâm. Đồng thời, nội dung phải minh bạch, chính xác và tin cậy.
Theo đó, đối với nguyên tắc lấy trẻ em làm trung tâm, cha mẹ phải bảo vệ lợi ích cho trẻ bằng cách trang bị kiến thức phù hợp cho từng độ tuổi của trẻ.
Cụ thể, đối với trẻ dưới 2 tuổi, đây là giai đoạn trẻ cần được biết cơ thể mình có những gì, cơ thể ấy là thuộc về mình, bạn trai và bạn gái khác nhau như thế nào.
Ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi, trang bị các kiến thức về việc một đứa trẻ được ra đời như thế nào, quyền không thể xâm phạm.
Từ 6 đến 8 tuổi, chúng ta cần trang bị kiến thức cho trẻ về tình dục, quyền riêng tư và tôn trọng người khác, những vấn đề xoay quanh dậy thì, sức khỏe sinh sản, cách tự vệ cơ bản khi gặp tình huống nguy hiểm.
Giai đoạn từ 9 đến 12 tuổi, củng cố kiến thức ở các giai đoạn trước một cách chi tiết. Đồng thời, dạy trẻ hiểu về tình dục và các biện pháp phòng tránh thai an toàn.
Và cuối cùng, từ độ tuổi 13 đến 18, thế nào là tình dục an toàn, liệu có bình thường khi con thích một người đồng giới… là những băn khoăn của trẻ cần được cha mẹ giải đáp kịp thời.
Khi giáo dục trẻ, cha mẹ cần gọi tên chính xác các bộ phận sinh dục trên cơ thể, từ đó trẻ sẽ biết cách chăm sóc và giữ gìn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tạo cho trẻ cảm giác tin tưởng bằng cách cởi mở chia sẻ, chủ động đặt câu hỏi và đưa ra giải pháp cụ thể.
Cuối cùng, hãy nhớ giáo dục giới tính cho trẻ là việc thường xuyên, liên tục. Hãy sử dụng cả trắc nghiệm, sách báo lẫn phim ảnh để minh họa và khắc sâu lời mình.