Đừng thờ ơ với bệnh tay chân miệng
BSCK 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) vừa có buổi chia sẻ với các phụ huynh những vấn đề liên quan đến bệnh tay chân miệng.
Hiểu về bệnh để tránh nguy hiểm
Theo BS Tiến, tay chân miệng là bệnh rất nguy hiểm. Bệnh này mặc dù trẻ chỉ nổi hồng ban, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, ở miệng thôi nhưng virus có thể tấn công vào não. Trong não có một khu rất nguy hiểm là trung khu hô hấp tuần hoàn nhiệt độ, điều khiển tất cả hoạt động trong nội tạng từ nhịp thở cho tới nhịp tim, tiết mồ hôi, điều hòa nhiệt độ…
Cho nên nếu tổn thương vùng trung tâm này thì trẻ sẽ tử vong rất nhanh.
“Tôi còn nhớ năm 2011, đại dịch tay chân miệng xảy ra ở TP HCM có tới 159 trẻ tử vong. Thành ra phụ huynh phải hết sức cẩn thận, không nên chủ quan với bệnh tật”- BS Tiến nói.
Chia sẻ về việc vì sao phụ huynh vẫn còn thờ ơ với bệnh tay chân miệng, BS Tiến cho biết: Tại vì số trẻ gặp biến chứng của căn bệnh này cũng chiếm số nhỏ, 1.000 trẻ thì có 1 trẻ bị nặng.
Những trẻ còn lại thì bị nhẹ, hoặc thậm chí có trẻ không có triệu chứng, mẩn nổi bên ngoài cũng ít, thành ra phụ huynh cũng “lướt” qua luôn. Chính vì vậy mà nhiều người chủ quan, có những trường hợp diễn tiến rất nặng, chúng ta không kịp thấy dấu hiệu cảnh báo để đưa trẻ vào viện sớm, nên rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, BS Tiến cũng khẳng định, bệnh tay chân miệng nếu được điều trị đúng cách thì không nguy hiểm. Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây ra và không có thuốc điều trị virus đặc hiệu. Cho nên chúng ta điều trị triệu chứng, điều trị bằng cách bổ sung dinh dưỡng, nâng tổng trạng trẻ lên… Như vậy thì trẻ sẽ vượt qua, nhưng thường sẽ phải vượt qua 8 ngày. Có tài liệu nó là phải vượt qua 10 ngày.
Đặc biệt là các cô giáo mầm non, khi thấy trẻ bị tay chân miệng cho nghỉ rồi nhưng khi cho trẻ quay trở lại trường thì cần phải đủ 10 ngày. Bởi vì phải qua 10 ngày thì tình trạng lây lan mới giảm đi. Nếu đến trường sớm sẽ rất dễ lây cho các bạn khác.
Các phụ huynh cũng đừng lo lắng quá, vì tình trạng bệnh trở nặng rất thấp. Điều quan trọng nhất với các phụ huynh là phải thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, điều trị ở nhà như thế nào, tái khám mỗi ngày như thế nào, đặc biệt là biết được những dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng để đưa trẻ đến viện ngay, kể cả trong đêm vì bệnh viện luôn có bác sĩ trực 24/24…
Không tự đoán bệnh theo nốt hồng ban
Nhiều bậc phụ huynh đếm mụn nhỏ trên tay chân, người con để đoán tình trạng bệnh, và cho rằng càng nhiều mụn thì bệnh càng nặng. Về điều này, BS Tiến chia sẻ: Tôi gặp nhiều trường hợp trẻ nổi mụn khắp người, các phụ huynh rất lo lắng bồng con đến bệnh viện. Nhưng khi chúng tôi gặp tình huống đó thì tôi thấy không lo, vì virus tay chân miệng đã không vào não mà đi ra ngoài da. Hầu như những trường hợp như thế, qua 8-10 ngày là trẻ sẽ khỏi.
Có 3 con đường để di chuyển khi virus vào trong đường tiêu hóa. Con đường thứ nhất là vào máu, lưu hành trong máu và tấn công não, lúc đó bệnh nhân sẽ sốt, mụn nổi ở da rất ít. Con đường thứ hai, virus vào máu nhưng không lên não mà ra da, khi đó mụn nổi trên da rất nhiều. Con đường thứ ba là virus đi theo đường dây thần kinh, đi vào thân não, ở dó có trung tâm hô hấp, trung tâm tuần hoàn, điều hòa nhiệt độ…
Khi tổn thương trung tâm này rồi, thì khả năng tử vong rất cao. Cho nên, khi bác sĩ thăm khám thấy trẻ giật mình chới với, có loét họng nhưng không nổi mụn bên ngoài, hoặc chỉ có 1,2 hồng ban nhỏ, thì cần cảnh giác nhóm bệnh tay chân miệng nặng.
Lời khuyên là, các phụ huynh cần phải nâng cao hiểu biết, không quá sợ hãi, không quá chủ quan. Các phụ huynh cần hiểu biết con đường lây của tay chân miệng, có thể qua đồ chơi, thậm chí khi trẻ đi vệ sinh không rửa tay kỹ vô tình sờ vào miệng. Cho nên phụ huynh cần thường xuyên rửa tay cho trẻ, mà phải rửa dưới vòi nước, hoặc rửa bằng xà phòng.
Thứ hai là luôn luôn phải bổ sung dinh dưỡng cho trẻ để trẻ có thể trạng tốt vượt qua bệnh tật. Thứ ba, mặc dù tay chân miệng không có vaccine nhưng chúng ta cũng nên cho trẻ đi tiêm đầy đủ các loại vaccine khác theo lứa tưởi như vaccine cúm, viêm não mô cầu, viêm não nhật bản…
“Vì vậy, lời khuyên của tôi là phụ huynh cần có hiểu biết, quan tâm đến trẻ, yêu thương trẻ bằng kiến thức, bằng tình thương, và tin tưởng các y bác sĩ để bảo vệ con tốt”.
BS Tiến cảnh báo phụ huynh cần lưu ý một số dấu hiệu của bệnh tay chân miệng như: Trẻ sốt cao 39 - 40 độ mà uống thuốc hạ sốt không hạ; trẻ thở hổn hển, thở bất thường, nhịp thở không đều, hoặc thở bụng, thở đứt (có những em bé tỉnh lắm nhưng thở đứt do liệt khối cơ vùng hầu họng, làm tắc nghẽn đường thở); trẻ bình thường đang chạy nhảy giờ lại đi loạng choạng, tay chân run. Ở trẻ mắc tay chân miệng thường có biểu hiện giật mình chới với, đang thiêm thiếp ngủ thì giật mình… Đó là dấu hiệu cảnh báo nặng, cần cho trẻ nhập viện để được điều trị, xử trí kịp thời.