BV Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh: 'Mái nhà' đặc biệt của bệnh nhân tâm thần
Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh luôn tận tụy, hết lòng quan tâm, chăm sóc đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh để giúp người bệnh cảm nhận được Bệnh viện tựa như “mái nhà” thứ 2. Họ đã, đang làm những việc ít người dám làm, gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đặc biệt.
Thay đổi để phục vụ bệnh nhân tốt hơn
Quay trở lại Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, nhóm PV chúng tôi rất bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” của nơi đây. Chỉ sau 3 năm, những dãy nhà khám bệnh, điều trị nội trú,… xuống cấp, chật hẹp đã được thay thế bằng các tòa nhà khang trang, hiện đại.
Khuôn viên bệnh viện được bố trí như một công viên với những thảm cỏ xanh rì được cắt tỉa cẩn thận, nhiều cây xanh và các khóm hoa đua nhau khoe sắc ở khắp mọi nơi… Dưới những bóng mát có đặt các bộ bàn ghế hay mắc võng cho người nhà và bệnh nhân ngồi chơi, nghỉ chân khi dạo mát, một số chỗ còn có cả các loại máy tập thể dục phục vụ cho bệnh nhân.
Chúng tôi bỗng nhớ lại hình ảnh của bệnh viện trước đây khi chưa được quy hoạch tổng thể và đầu tư. Khi đó, cơ sở vật chất của bệnh viện ở trong tình trạng xuống cấp, chật hẹp, thiếu phòng làm việc cho nhân viên cũng như luôn quá tải trong quá trình điều trị nội trú cho người bệnh tâm thần.
Trước sự bất ngờ của chúng tôi, Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh vui mừng chia sẻ: “Năm 2020, Bệnh viện đã được HĐND tỉnh và UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo và mở rộng Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần. Trong đó, xây dựng mới 1 khu liên khoa Khám bệnh - Cận lâm sàng 5 tầng để phục vụ công tác cấp cứu, khám bệnh, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng, thực hiện thăm dò chức năng và tâm lý lâm sàng cho người bệnh tâm thần với tổng diện tích sàn xây dựng là 1.500 m2; 1 khu điều trị nội trú 3 tầng với quy mô 150 giường bệnh để triển khai điều trị theo yêu cầu về tâm thần Nhi, tâm thần Người già, Rối loạn cảm xúc, Rối loạn giấc ngủ và Nghiện chất (ma túy và rượu bia) và 1 khu nhà 2 tầng gồm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và Dinh dưỡng, triển khai dịch vụ căng tin phục vụ người bệnh, nhân viên viên y tế và khách. Vì vậy, diện mạo của Bệnh viện bây giờ như “lột xác”, trở nên đẹp đẽ, khang trang, sạch đẹp đồng bộ, góp phần giảm áp lực về quá tải bệnh viện, người bệnh sẽ được thụ hưởng các dịch vụ tốt nhất trong quá trình khám chữa bệnh”.
Bên cạnh đó, không chỉ thay đổi về diện mạo mà chất lượng phục vụ, chăm sóc, điều trị bệnh nhân của Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh cũng gia tăng đáng kể. Là một bệnh viện chuyên khoa tâm thần, trong nhiều năm qua, Bệnh viện không thu hút tuyển dụng được nhân lực y tế chất lượng cao về công tác, đặc biệt là bác sĩ chính quy, do vậy bệnh viện rất khó khăn trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn. Thế nhưng, trong 2 năm gần đây, bằng nhiều nỗ lực, bệnh viện đã thu hút và tuyển dụng được 14 bác sĩ, trong đó có 12 bác sĩ chính quy.
“Đây là nguồn nhân lực rất quý giá để từng bước Bệnh viện cử đi đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh chuyên khoa tâm thần ngày càng cao của Nhân dân. Trong thời gian qua, Bệnh viện cũng đã tăng cường công tác đào tạo cho nguồn nhân lực như cử các bác sĩ đào tạo tại Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng hay hàng tuần tổ chức và tham gia sinh hoạt khoa học, qua đó giúp các bác sĩ kịp thời cập nhật các kiến thức chuyên khoa tâm thần để phục vụ cho công tác chẩn đoán và điều trị”, Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Minh Hạnh chia sẻ thêm.
Tạo môi trường giúp bệnh nhân hòa nhập
Nhìn theo bóng lưng một bác sĩ vừa xách đôi nạng vừa hỗ trợ đẩy xe giúp bệnh nhân, lại thấy những điều dưỡng vừa đi phát thuốc vừa phải tâm sự, dỗ dành bệnh nhân uống thuốc, chúng tôi bảo thầm với nhau rằng, chữa trị cho bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã khó, chăm sóc, điều trị cho những người bệnh tâm thần còn khó khăn gấp bội.
Theo chân Trưởng phòng Điều dưỡng Lê Thúy Hoàn đi thăm Khoa Bán Cấp tính nữ, chị Hoàn vừa đi vừa chia sẻ với chúng tôi: “Một ngày mới ở đây bắt đầu vào lúc 6h sáng, các điều dưỡng trực ở dưới khoa sẽ đôn đốc bệnh nhân dậy để vệ sinh cá nhân và tập thể dục. 7h thì bệnh nhân ăn sáng và 8h thì chúng tôi giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân như cắt tóc, cạo râu, bấm móng tay, móng chân... 10h là khoảng thời gian bệnh nhân uống thuốc, sau đó nghỉ ngơi và ăn trưa… Trong suốt cả một ngày, các bác sĩ và nhân viên y tế ở Bệnh viện luôn bận rộn không ngơi để tận tâm chăm sóc những bệnh nhân “đặc biệt”. Bệnh viện còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu văn nghệ - thể thao, lao động tập thể… để tạo môi trường sống, sinh hoạt lành mạnh, gần gũi giúp người bệnh hòa đồng và không cảm thấy lạc lõng, áp lực khi điều trị tại đây”.
Ngoài các trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại cần thiết phục vụ trong quá trình điều trị, Bác sĩ CKI Dương Văn Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh Quảng Ninh cũng đã cho lắp đặt các tivi ở các Khoa, phòng để phục vụ nhu cầu giải trí, tiếp thu các thông tin thời sự của bệnh nhân … Theo Bác sĩ CKI Dương Văn Tuấn, việc xem tivi là nhu cầu cơ bản, chính đáng của người bệnh, đây cũng là một cách để giải tỏa tinh thần cho người bệnh.
Bước vào Khoa Bán Cấp tính nữ, chúng tôi cảm nhận được sự sạch sẽ, thoáng mát dễ chịu. Dọc hành lang và khu sinh hoạt chung của Khoa được bố trí nhiều quạt gắn tường với công suất lớn tạo sự mát mẻ, nền nhà được lau dọn liên tục, Những bệnh nhân có chút ngơ ngẩn, đáng yêu lạ thường có những thói quen và câu hỏi rất lạ, thế nhưng các bác sĩ và điều dưỡng vẫn kiên nhẫn trả lời, quan tâm dỗ dành khiến họ cảm thấy vui vẻ, phấn khởi, hợp tác trong quá trình điều trị.
Hình ảnh các điều dưỡng giúp bệnh nhân chải tóc, cắt móng tay,.. như người mẹ hiền chăm sóc con mọn. Nữ bệnh nhân thích thú ngồi yên để điều dưỡng chải tóc, khuôn mặt rạng rỡ và ánh mắt lấp lánh như một đứa trẻ được mẹ yêu thương và chăm sóc. Những bệnh nhân khác ngồi xung quanh cũng mong ngóng được đến lượt. Chắc hẳn, các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh đã phải làm việc tận tâm, quan tâm người bệnh lắm mới có thể bầu bạn và lấy được cảm tình của người bệnh, cho họ cảm giác Bệnh viện như “mái nhà thứ 2”.
Cảm kích trước tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, bà La Thị Lâm (người nhà bệnh nhân, huyện Vân Đồn) chia sẻ: “Các y, bác sĩ ở bệnh viện chăm sóc bệnh nhân rất là tốt. Bác sĩ thường xuyên túc trực, thăm khám, còn riêng điều dưỡng thì mỗi ngày đến 4 - 5 lần. Khi đưa mẹ vào đây tôi cảm thấy rất an tâm, bệnh tình có tiến triển tốt hơn. Cơ sở vật chất ở đây cũng đầy đủ, đồ ăn ở căng – tin rất sạch sẽ, giá cả phải chăng. Tôi mới vào đây lần đầu nhưng đã có mấy đoàn từ thiện đến để giúp đỡ”.
“Ở đây bác sĩ rất quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của người bệnh, y tá cũng túc trực ngày đêm. Thái độ của đội ngũ y, bác sĩ rất hòa nhã, nhiệt tình, chu đáo”, chị Phạm Thị Định (người nhà bệnh nhân, TP Hạ Long) cho biết thêm.
Ghé qua Khoa Cấp tính, chúng tôi được gặp chị Bùi Thanh Thủy, Điều dưỡng Trưởng khoa và nghe chị tâm sự về công việc hàng ngày: “Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân thì rất là vất vả. Bởi vì đa số điều dưỡng là nữ làm việc tại khoa điều trị bệnh nhân là nam giới với 80 bệnh nhân, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cả về ăn, ngủ, sinh hoạt... Hầu hết bệnh nhân ở đây đều không có người nhà vì vậy 100% là do điều dưỡng chăm sóc. Có những bệnh nhân kích động, đập phá, tấn công gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần cho nhân viên y tế. Động lực để tôi và các nhân viên y tế vượt qua nỗi sợ là trách nghiệm và cái duyên với nghề điều dưỡng, bên cạnh đó là tình thương đối với người bệnh. Ở đây tất cả các anh chị em chúng tôi đều động viên nhau vượt qua thách thức đó để chăm sóc bệnh nhân. Ban lãnh đạo và Công đoàn Bệnh viện cũng có rất nhiều sự quan tâm đến đội ngũ cán bộ điều dưỡng nữ trong quá trình chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Đặc biệt là khi mà bệnh nhân tấn công hoặc có vấn đề về tâm lý thì Ban lãnh đạo và Công đoàn bệnh viện đã kịp thời động viên, quan tâm về cả vật chất và tinh thần đối với chúng tôi”.
Tiếp tục cải thiện điều kiện khám, chữa bệnh
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh, hiện nay bệnh viện có 47 bệnh nhân lang thang cơ nhỡ, không biết rõ lai lịch, địa chỉ gia đình ở đâu. Ngoài ra, nhiều trường hợp bệnh nhân có gia đình nhưng người nhà lại bỏ rơi, có khi cả năm mới đến một lần thăm bệnh nhân. Vì vậy, tâm lý bệnh nhân cũng bất ổn khi thiếu sự quan tâm của gia đình, tuy nhiên các nhân viên y tế của Bệnh viện cũng vẫn tận tình, quan tâm chăm sóc người bệnh như người nhà và Bệnh viện trở thành “mái nhà thứ 2” của họ.
Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Minh Hạnh bộc bạch tâm sự: “Hiện nay, Nhà nước cũng có kinh phí chăm sóc đối tượng không có gia đình nhưng cũng không nhiều. Bệnh viện cũng kêu gọi lòng hảo tâm của những cá nhân, tổ chức để có thêm kinh phí hoặc hiện vật giúp bệnh nhân có thể sinh hoạt trong bệnh viện tốt hơn. Hiện tại, bệnh viện có 340 bệnh nhân điều trị nội trú, so với giường kế hoạch (280 bệnh nhân) là quá tải. Chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của Nhà nước đặc biệt là tiếp tục đầu tư, nâng cấp, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị trong việc khám và điều trị. Đồng thời, có cơ chế, chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại bệnh viện tâm thần bởi vì trên thực tế hiện nay, bác sĩ vẫn đang thiếu rất nhiều. Bên cạnh đó là nâng phụ cấp cho nhân viên y tế để đảm bảo điều kiện tốt nhất khi công tác tại Bệnh viện”.
Thiết nghĩ, những mong muốn của vị lãnh đạo Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần Quảng Ninh là điều chính đáng nhưng cũng còn nhiều khó khăn để có thể hiện thực hóa. Đối với nhiều người, nhắc đến bệnh viện tâm thần, bệnh nhân tâm thần là ai cũng mang một chút tâm lý ái ngại, sợ sệt. Thế nhưng đối với các nhân viên y tế làm việc tại đây, họ đã luôn tận tụy, hết lòng, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh. Họ đã, đang làm những việc ít người dám làm, gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đặc biệt.