Bồi dưỡng giáo viên trước áp lực tự đổi mới
Trước thềm năm học mới 2022-2023, công tác tập huấn cán bộ, giáo viên được các địa phương, trường học tích cực triển khai, đặc biệt với các khối lớp năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tăng tốc bồi dưỡng
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, huyện đang tổ chức bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018 cho 240 cán bộ quản lý giáo viên lớp 3 với 2 chuyên đề: Xây dựng kế hoạch dạy học môn Tiếng Việt lớp 3 theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và dạy học tích hợp và phân hóa môn Toán ở lớp 3 đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Lớp khai giảng từ ngày 29/7 và dự kiến 8/8 kết thúc, học cả ngày theo hình thức tập trung.
Trước đó, từ ngày 12 đến 18/7, cán bộ, giáo viên lớp 7, cấp THCS của huyện Ba Vì đã được bồi dưỡng theo từng môn Ngữ văn, Tin học, Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Toán, Địa lý, Tiếng Anh với các chuyên đề được thiết kế riêng.
“Yêu cầu đặt ra đối với công tác tập huấn, bồi dưỡng đợt này đó là đảm bảo tuyệt đối thời gian tham gia tập huấn; đúng đối tượng; thực hiện nội quy, quy định của lớp tập huấn. Với việc tập huấn trực tiếp, cán bộ, giáo viên tăng cường hoạt động thảo luận nhóm; thực hành nhóm trên phiếu tại lớp” - ông Oanh nói và cho biết kết thúc mỗi chuyên đề, học viên đều phải có bài thu hoạch, ban quản lý lớp có phiếu khảo sát về kết quả sau mỗi chuyên đề…
Trong 2 ngày 14, 15/7, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cùng toàn thể giáo viên khối 1, 2, 3 đã tham dự tập huấn, nghe và tìm hiểu môn Tiếng Việt và hoạt động trải nghiệm của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đây là buổi tập huấn quan trọng tập trung vào mục tiêu cốt lõi và những định hướng trọng tâm giúp giáo viên dạy tốt bộ sách lớp 3 mới.
Các tác giả đã hướng dẫn về cấu trúc sách, học liệu bổ trợ của các bộ sách; hướng dẫn sự đổi mới, cách triển khai của phương pháp giảng dạy qua video tiết học minh họa, kiểm tra đánh giá học sinh qua các phương pháp dạy học tích cực. Tất cả tài liệu, dữ liệu này đều được đưa lên website Tập huấn (taphuan.nxbgd.vn), Hành trang số (hanhtrangso.nxbgd.vn), hoc10.com để sử dụng trong quá trình tập huấn cũng như giảng dạy thực tế.
Chú trọng tự bồi dưỡng
Không chỉ tập huấn về chương trình, phương pháp, ngành giáo dục huyện Ba Vì dự kiến sẽ tiếp tục dạy chuyên đề trực tiếp trên đối tượng học sinh, bắt đầu từ 15/8, để các thầy cô cùng thảo luận, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình giảng dạy. Toàn huyện sẽ chia làm 8 cụm. Ngoài ra, trong hè này phòng GDĐT Ba Vì còn tổ chức thêm các chuyên đề bồi dưỡng như: Chính trị, STEM, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao trong soạn giảng…
Như vậy, việc tập huấn đã được các địa phương lên kế hoạch chi tiết và thông báo tới nhà trường để phổ biến tới cán bộ, giáo viên ngay từ trong năm học trước đó. Các nhà trường đánh giá việc này xuất phát từ nhu cầu của giáo viên và thực tiễn giảng dạy trong các nhà trường, bởi ngoài thầy cô dạy sách giáo khoa mới có những băn khoăn cần tháo gỡ thì trong thực tiễn giảng dạy, mỗi giáo viên sẽ gặp vô vàn tình huống sư phạm khác nhau.
Quá trình bồi dưỡng tập huấn sẽ giúp các thầy cô có thêm những kiến thức, phương pháp, kỹ năng mới góp phần phục vụ tốt hơn cho việc dạy học trong suốt năm học.
Nhất là với định hướng dạy học phát triển năng lực đòi hỏi thầy cô phải có những thay đổi so với dạy học truyền thụ kiến thức nhưng đặc điểm lớp học đông ở nhiều nơi cũng khiến các thầy cô bối rối, khó ứng dụng những lý thuyết được học, tự nghiên cứu vào thực tiễn.
Nhấn mạnh đến vai trò của bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo, Bộ GDĐT Phạm Tuấn Anh cho rằng, việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng phải xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; từ thực tiễn và yêu cầu của các cấp quản lý giáo dục ở địa phương…