Tổng Thư ký Liên hợp quốc: 'Hành động hoặc tự sát'
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo, chúng ta chỉ có một lựa chọn, hành động hoặc tự sát khi một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm, các quốc gia phải đối mặt với cái nóng khắc nghiệt, hậu quả của biến đổi khí hậu.
Cháy rừng và sóng nhiệt
Ông Antonio Guterres cảnh báo, hiện tượng cháy rừng và sóng nhiệt tàn phá khắp thế giới cho thấy nhân loại đang phải đối mặt với “nạn tự sát tập thể”.
Phát biểu tại cuộc họp hôm 18/7, với các bộ trưởng đến từ 40 quốc gia để thảo luận về cuộc khủng hoảng khí hậu, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm, từ lũ lụt, hạn hán, bão cực đoan và cháy rừng. Không quốc gia nào được miễn nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục ‘nuôi’ chứng nghiện nhiên liệu hóa thạch”.
Ông Guterres nói thêm: “Chúng ta có một sự lựa chọn. Hành động tập thể hoặc tự sát tập thể. Tương lai nằm trong tay của chúng ta”.
Cháy rừng hoành hành vào cuối tuần trước trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Trong khi đó ở Nam Mỹ, khu khảo cổ Macchu Picchu cũng bị lửa đe dọa. Các kỷ lục nắng nóng khắc nghiệt đã bị phá vỡ khi các đợt nắng nóng ập đến Ấn Độ và Nam Á, hạn hán tàn phá các khu vực của châu Phi. Đặc biệt, các đợt nắng nóng đồng loạt chưa từng có ở Bắc Cực và Nam Cực đã gây kinh ngạc cho các nhà khoa học.
Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hiện đang diễn ra ở Vương quốc Anh, nơi đang ở giữa đợt nắng nóng đặc biệt và chưa từng có. Một cảnh báo nhiệt độ cực cao đã được ban hành với nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận tại “xứ sở sương mù” là trên 40 độ C. Trước đó, nhiệt độ cao nhất quan sát được của Vương quốc Anh chỉ là 38,7 độ C vào năm 2019.
Kỷ lục nhiệt độ tối đa của Vương quốc Anh dự báo sẽ bị phá vỡ một lần nữa vào ngày 20/7 tại nhiều trạm thời tiết trên khắp miền Trung và miền Đông nước Anh. Mức độ lan rộng của đợt nắng nóng này là đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, một đặc điểm đáng chú ý hơn của đợt nắng nóng đang diễn ra tại Anh là dự báo nhiệt độ ban đêm rất cao.
Tiến sĩ Nikos Christidis cho biết: “Biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến khả năng xảy ra hiện tượng nhiệt độ cực đoan ở Anh. Cơ hội nhìn thấy những ngày 40 độ C ở Anh có thể cao gấp 10 lần so với khí hậu tự nhiên không bị ảnh hưởng bởi tác động của con người”.
Trong khi đó, cháy rừng đang hoành hành khắp Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp, các nhà chức trách cảnh báo có nguy cơ xảy ra nhiều hơn khi tình trạng khô hạn vẫn tiếp diễn. Theo ước tính của Viện Y tế Carlos III, Tây Ban Nha đang phải đối mặt với ngày cuối cùng của đợt nắng nóng kéo dài hơn một tuần, khiến hơn 510 người tử vong.
Hy vọng mong manh
Các bộ trưởng họp tại Berlin trong một hội nghị khí hậu kéo dài 2 ngày được gọi là “Đối thoại khí hậu Petersberg” sẽ thảo luận về thời tiết khắc nghiệt, cũng như giá nhiên liệu hóa thạch, thực phẩm tăng cao và tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Cuộc họp được chính phủ Đức tổ chức hàng năm trong suốt 13 năm qua, đánh dấu một trong những cơ hội cuối cùng để đạt được thỏa thuận giữa các quốc gia chủ chốt trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ Cop27 tại Ai Cập vào tháng 11 năm nay.
Ông Alok Sharma, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của LHQ Cop26 tại Glasgow vào tháng 11 năm ngoái, sẽ vắng mặt trong Hội nghị Berlin, mặc dù ông vẫn tham gia một số phiên họp. Ông Sharma phải ở lại London để tham gia bỏ phiếu trong cuộc chạy đua giành ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, cuộc bầu cử sẽ quyết định người tiếp quản vị trí Thủ tướng Vương quốc Anh từ Thủ tướng Boris Johnson.
Vương quốc Anh vẫn giữ vị trí chủ trì các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc cho đến khi Ai Cập đảm nhận vai trò chủ trì, vì vậy sự vắng mặt của ông Sharma khiến một số người tham gia lo lắng về kết quả đạt được.
Triển vọng đối với Cop27 đã giảm đi đáng kể trong những tháng gần đây, khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, khiến các nước rơi vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát, một phần do hậu quả từ đại dịch Covid-19 và trở nên trầm trọng hơn bởi xung đột ở Ukraine .
Tại Cop26, các quốc gia đã thống nhất giới hạn nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, nhưng các cam kết mà họ đưa ra vẫn chưa đủ để thực hiện. Tất cả các quốc gia đã nhất trí thực hiện trong năm nay với các kế hoạch được cải thiện về phát thải khí nhà kính (NDC), được coi là đóng góp do quốc gia xác định.
Ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), người dẫn đầu khối EU tại các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ đã làm giảm kỳ vọng về hội nghị trong một cuộc phỏng vấn với Guardian. “Thành thật mà nói, tôi không thấy có nhiều cải thiện về phát thải khí nhà kính trong tương lai”- ông Timmermans nói.
Phát biểu tại Hội nghị Berlin, Tổng Thư ký LHQ Guterres cũng chỉ trích mạnh mẽ các “ngân hàng phát triển đa phương”, các tổ chức bao gồm Ngân hàng Thế giới được tài trợ bởi những người đóng thuế ở thế giới giàu có để cung cấp hỗ trợ cho các nước nghèo. Ông Guterres nói rằng, chúng không phù hợp với mục đích cung cấp kinh phí cần thiết cho cuộc khủng hoảng khí hậu và chúng nên được cải tổ.
Theo Báo cáo Tình trạng Môi trường được Chính phủ Australia thực hiện 5 năm/lần, công bố ngày 18/7, mọi hạng mục về môi trường bao gồm nước nội địa, bờ biển, chất lượng không khí và các hiện tượng khí hậu cực đoan - ngoại trừ môi trường đô thị - đều “đang xấu đi” so với thời điểm cách đây 5 năm. Bộ trưởng Môi trường Australia Tanya Plibersek cho biết, báo cáo trên là “một trong những tài liệu khoa học quan trọng nhất được công bố về môi trường Australia”, đưa ra những lời cảnh tỉnh đối với cả chính phủ và người dân, nhất là về tầm quan trọng của hành động chống biến đổi khí hậu.