8 nhóm chính sách phát triển kinh tế tập thể
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Nghị quyết yêu cầu, khắc phục cho được quan niệm hợp tác xã là yếu kém.
Ngày 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Trong buổi chiều, truyền đạt về nội dung “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định về việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực.
Do đó trong kết luận Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu, tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Đồng thời, hội nghị khẳng định sự phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Kinh tế tập thể có nhiều hình thức đa dạng phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt.
“Xuất phát từ yêu cầu và thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với thực tiễn và tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”- ông Khái cho hay.
Ông Khái cho biết, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Mục tiêu Nghị quyết xác định đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.
Để đạt mục tiêu trên, về giải pháp ông Khái cho rằng: Cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là nội dung quan trọng, cốt lõi khắc phục cho được tồn tại kéo dài và chậm được khắc phục trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, ông Khái thông tin, Trung ương đề ra 8 nhóm chính sách cụ thể để khuyến khích, phát triển kinh tế tập thể. Theo đó về chính sách phát triển nguồn nhân lực, đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Hằng năm dành chỉ tiêu cử cán bộ trẻ đi đào tạo chính quy về kinh tế tập thể tại một số quốc gia có phong trào hợp tác xã phát triển mạnh.
Về chính sách tài chính, ông Khái cho rằng cần, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với tổ chức kinh tế tập thể. Hỗ trợ phí kiểm toán, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp đối với các tổ chức kinh tế tập thể.
Còn chính sách tín dụng thì các tổ chức kinh tế tập thể được vay vốn như các tổ chức kinh tế khác; được hỗ trợ để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao năng lực tài chính, quản trị điều hành, các tiêu chuẩn, điều kiện cấp tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Tuy nhiên trong các nhóm giải pháp thì theo ông Khái việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể là một nội dung rất khó trong quá trình thực hiện, nhất là trong việc xử lý các vướng mắc, tồn đọng, đồng thời nâng cao năng lực nội tại của hợp tác xã phù hợp yêu cầu mới.
Từ đó, ông Khái đề cập Nghị quyết đã nêu rõ kiên quyết xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, đồng thời đổi mới hình thức hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, tăng cường công khai, minh bạch, từng bước tạo lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với kinh tế tập thể. “Sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể. Khắc phục cho được quan niệm hợp tác xã là yếu kém”- ông Khái cho hay.