Quản lý sử dụng đất đai: Siết chặt kỷ cương
Ngày 21/7, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Dự hội nghị có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
6 nhóm giải pháp lớn về quản lý, sử dụng đất
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quán triệt nội dung chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Thủ tướng nhấn mạnh: Đất đai là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, đặc biệt quan trọng, hệ trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Giải quyết tốt chính sách đất đai sẽ thúc đẩy giải phóng sức lao động, các nguồn lực cho phát triển đất nước. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam và thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, mỗi chủ trương mới của Đảng ta về đất đai đều mang lại những thành tựu lớn cho phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.
Thủ tướng cho rằng: Nghị quyết số 18-NQ/TW đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn. Theo đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất.
Nhấn mạnh đến nhóm “nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, Thủ tướng đề cập đến trọng tâm là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới với 8 nội dung gồm: đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; phát triển thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; chế độ quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.
“Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” - Thủ tướng cho rằng, đây là nhiệm vụ then chốt để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai trong giai đoạn vừa qua, nhất là trong công tác tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về đất đai. “Trung ương yêu cầu, tăng cường kiểm soát quyền lực, thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai”-Thủ tướng cho hay.
Đề cập đến nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về đất đai, phải chịu trách nhiệm nếu để các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý vi phạm pháp luật, trục lợi, gây thất thoát, sử dụng lãng phí đất đai”.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân; phát hiện và phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập, sai phạm trong thi hành chính sách, pháp luật về đất đai để xử lý kịp thời, hiệu quả.
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Thông tin về chuyên đề “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời, có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo ông Trần Tuấn Anh, công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết 19 chỉ ra những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020.
Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số của toàn cầu, Nghị quyết 19 đã đề ra các yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ nhận thức và bảo đảm quyền làm chủ của nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức liên quan. Theo đó, cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực công nghiệp, dịch vụ. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.
Liên quan đến chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững sẽ cùng với kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác.
Theo ông Khái, Nghị quyết đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó đầu tiên là chính sách phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, đưa nội dung đào tạo về kinh tế tập thể vào chương trình của một số trường đại học, giảng dạy chính thức trong chương trình đào tạo lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên. “Hàng năm dành chỉ tiêu cử cán bộ trẻ đi đào tạo chính quy về kinh tế tập thể tại một số quốc gia có phong trào hợp tác xã phát triển mạnh” - ông Khái cho hay.