Nợ bảo hiểm tăng, người lao động thiệt thòi
Xử phạt hành chính, kiện ra tòa, xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) được kỳ vọng làm giảm tình trạng nợ bảo hiểm, song thực tế số nợ vẫn tăng. Vì sao vậy?
Khó khăn khi khởi kiện
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam về tình hình nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), những năm gần đây, tỷ lệ nợ so với số thu hàng năm đều giảm. Tuy nhiên, từ năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động, cho nên người lao động (NLĐ) không có việc làm phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến kết quả thu BHXH, BHYT, BHTN; vì vậy, nợ cũng tăng lên.
Cụ thể, năm 2020, tiền chậm đóng BHXH là 14.145 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 3,5%; năm 2021, số tiền chậm đóng là 15.070 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chiếm 3,7%. Tính đến hết quí I/2022, số tiền chậm đóng BHXH là hơn 20.500 tỷ đồng, chiếm 5,1%.
Thống kê của BHXH tỉnh Gia Lai cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 1.178 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN với tổng số nợ lên đến 97 tỷ đồng; trong đó, 961 đơn vị nợ từ 1 đến 3 tháng, 200 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên và 17 đơn vị nợ khác. Nhiều đơn vị dây dưa, nợ đọng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.
Tại Hà Nội, theo báo cáo, giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ nợ BHXH phải tính lãi giảm dần qua các năm, nhưng từ năm 2020, có phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số tiền nợ đóng BHXH tăng, lớn nhất cả nước, tính đến tháng 5/2022, tổng số tiền nợ BHXH là 5.050,4 tỷ đồng, chiếm 8,94% kế hoạch thu, số tiền nợ phải tính lãi là 1.903,9 tỷ đồng (tăng 296,5 tỷ đồng so với năm 2021), chiếm 3,37% kế hoạch thu. Trong đó, số nợ BHXH không thể thu hồi là 1.342,5 tỷ đồng do 11.675 đơn vị bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản (chiếm 26,6% so với tổng số nợ BHXH).
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, BHXH Hà Nội cho rằng, thực hiện quy định từ ngày 1/1/2016 chức năng khởi kiện DN nợ BHXH được chuyển từ cơ quan BHXH sang Tổ chức Công đoàn thực hiện, dẫn đến việc khởi kiện gặp nhiều khó khăn do phải có sự ủy quyền của NLĐ, nếu NLĐ khởi kiện chính đơn vị sử dụng lao động của mình sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mối quan hệ và việc làm của NLĐ tại DN đó.
Do khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ và thủ tục pháp lý, từ 2015 đến nay, Hà Nội chuyển 175 hồ sơ công đoàn khởi kiện sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý, tuy nhiên, đến nay chưa có DN nào bị khởi kiện.
Hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người lao động
Thực tế việc dây dưa, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN là thực trạng đáng lo ngại nhiều năm qua. Nhằm tăng cường công tác thu hồi nợ các loại bảo hiểm, từ đầu năm đến nay, BHXH các địa phương đã gửi thông báo đôn đốc các đơn vị thực hiện nghĩa vụ.
Bên cạnh đó, tiến hành thanh tra đột xuất các đơn vị nợ nhiều, nợ kéo dài. Qua thanh tra, đã phát hiện và xử phạt những trường hợp vi phạm theo quy định, yêu cầu chấn chỉnh và chấp hành nghiêm chính sách pháp luật bảo hiểm.
Mặc dù vậy, số NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi do DN nợ BHXH ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đơn cử như TP Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, BHXH thành phố đã tiến hành hơn 3.000 cuộc thanh tra, nhằm thu hồi nợ đọng BHXH. Kết quả, BHXH thành phố đã thu được hơn 270 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm, đạt khoảng 47% tổng số nợ tại các đơn vị đã thanh tra.
Đáng chú ý, tại Hà Nội có DN đã khắc phục 100% số tiền nợ, sau thanh tra. Tuy nhiên, số tiền 270 tỷ này so với 5.050,4 tỷ đồng rất khiêm tốn.
Để khắc phục tình trạng trên, BHXH Việt Nam đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về BHXH. Cụ thể, bổ sung về quản lý nợ BHXH đối với các đơn vị mất tích, chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản, ngừng giao dịch; Có cơ chế, chính sách giải quyết quyền lợi cho người lao động trong các DN có chủ sở hữu bỏ trốn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.