Giá USD tăng tác động đến xuất nhập khẩu thế nào?
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2, tháng 6 (16-30/6) đạt 33,36 tỷ USD, tăng 5,4% (tương ứng tăng 1,72 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 6/2022.
Như vậy qua 6 tháng tổng kim ngạch XNK của cả nước đạt 371,32 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 52,33 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Vậy nhưng trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh, hoạt động XNK cũng bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực XNK người cười kẻ khóc. Cụ thể, với những DN xuất khẩu, tỷ giá USD tăng sẽ giúp giá hàng hóa quy ra USD rẻ hơn trước, tăng tính cạnh tranh. Nhưng DN nhập khẩu sẽ gặp khó khăn vì phải quy đổi từ VND sang USD để thanh toán, với giá trị thấp hơn.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên phân tích, tỷ giá tăng rất tốt cho các DN xuất khẩu. Ví dụ năm ngoái tỷ giá neo giữ ở mức thấp, các DN xuất khẩu rất thiệt hại. Chẳng hạn, so với năm 2020 tỷ giá bình quân chung giảm hơn 3%, nghĩa là DN xuất khẩu 10 triệu USD thì mất gần 6 tỷ đồng. "Hiện nay, tỷ giá đang ở mức trên 23.100 VND/USD sẽ rất có lợi cho các DN xuất khẩu”- ông Dương nói.
Vẫn theo ông Dương, đầu năm nay tỷ giá giao dịch ở mức 22.600 VND/USD, khi DN xuất khẩu 1 triệu USD sẽ có 22,6 tỷ đồng, nhưng hiện nay tỷ giá đang neo ở mức 23.100 VND/USD thì DN sẽ thu về 23,1 tỷ đồng, tăng thêm 500 triệu đồng. Như vậy với số tiền tăng thêm DN sẽ có thêm nguồn thu để tăng lương giữ chân người lao động và để giải quyết vấn đề tăng giá nguyên liệu đầu vào đang tăng mạnh như hiện nay, giúp giảm áp lực cho DN.
Tuy nhiên, trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao (kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP ở mức khoảng 185% năm 2021) và Mỹ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, chiếm 28,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam), thì muốn xuất khẩu được lượng hàng lớn Việt Nam cũng nhập khẩu nguyên liệu tương đối nhiều. Do giá bông, giá sơ sợi đang tăng cao nên DN cũng phải xuất nhiều tiền hơn cho việc nhập nguyên liệu.
Theo phân tích của TS Lê Xuân Nghĩa, VND đang chịu sức ép mất giá khi thâm hụt cán cân vãng lai của Việt Nam tương đối cao. Trong bối cảnh hiện nay, các nước khác xuất khẩu vào Mỹ có lợi vì đồng USD tăng giá, nhưng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không có lợi nhiều vì đồng USD chỉ tăng giá so với VND khoảng 2% trong 6 tháng qua, trong khi đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác tới 9-10%. Tuy nhiên, tập trung vào việc chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên có thể chúng ta phải hy sinh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao hơn.
Ông Nghĩa cũng lưu ý, trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các DN xuất nhập khẩu cần chú ý để đảm bảo ổn định dòng tiền thanh toán, chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.
“DN nên đa dạng hoá các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD. Đáng chú ý, lạm phát, chiến sự Nga - Ukraine, dịch bệnh… đều tác động đến một số thị trường trọng điểm của Việt Nam, nên việc xây dựng chiến lược thương mại trung hạn dựa trên những dữ liệu mới về thị trường là cần thiết nếu tình trạng kể trên kéo dài. DN lớn kinh doanh xuất nhập khẩu lớn nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi.
DN có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi (SWAP), hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động XNK được ổn định. Điều đó sẽ tạo niềm tin cho ngân hàng tài trợ cũng như các khách hàng quốc tế, để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào, bao gồm cả đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ” - ông Nghĩa nói.