Bao giờ giá các mặt hàng giảm theo giá xăng?
Giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng giá hàng hoá tiêu dùng, giá các dịch vụ thiết yếu vẫn “bất động”. Điều này khiến cho người tiêu dùng bức xúc.
Trong tháng 7 này, giá xăng có 3 lần điều chỉnh giảm, trong đó 2 lần sau giảm mạnh, với mức giảm tổng cộng 6.690 đồng/ lít. Cụ thể vào ngày 11/7, giá xăng giảm 3.090 đồng/ lít (xăng RON E95), ngày 21/7 mặt hàng xăng này tiếp tục giảm 3.600 đồng/lít. Theo nguyên tắc khi giá xăng dầu giảm sâu, chi phí sản xuất kinh doanh giảm, thì giá các mặt hàng cũng giảm. Nhưng tới nay giá các loại hàng hoá vẫn không giảm.
Hiện giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống đang rất cao so với thu nhập. Trước kia, suất ăn sáng thông thường là 30.000-35.000 đồng/người thì nay đã “cộng thêm” 5.000-10.000 đồng. Một chủ quán phở ở Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) cho biết, do các loại gia vị, rau hành đều tăng so với trước đó, chưa kể lương thuê người trông quán, phụ việc cũng tăng theo thời gian, nên chưa thể giảm giá bán.
Khảo sát tại các chợ cho thấy, giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu vẫn neo ở mức cao Tại chợ Gia Lâm, móng giò 80.000 đồng/ kg, giá thịt lợn nạc mông, nạc vai từ 120.000 -130.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, sườn thăn 130.000 -150.000 đồng/kg; thịt bò 246.000 -260.000đ/kg; rau muống 10.000 đồng/bó; rau cải non 15.000 đồng/mớ; cà chua 30.000 đồng/kg; mồng tơi 5.000 đồng/bó…
Thực tế cho thấy khi giá xăng dầu tăng thì giá các mặt hàng thiết yếu, giá cước vận tải sẽ tăng. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm thì các mặt hàng này lại không giảm theo tương ứng bởi vì cần có thời gian điều chỉnh chi phí sản xuất, chi phí tiền lương. Bên cạnh đó mạng lưới phân phối bán lẻ do hệ thống chợ truyền thống chiếm tỷ trọng chi phối chính, các tư thương và người buôn bán nhỏ vì lợi nhuận luôn chủ động và khẩn trương tăng giá bán hàng hoá, nhưng miễn cưỡng giảm giá bán những mặt hàng.
Còn tại các siêu thị thì sao? Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, từ đầu năm đến nay, các nhà cung cấp hàng hóa vào siêu thị đã tăng giá từ 5-15%. Trong khi các mặt hàng như gạo, trứng gia cầm… chỉ nhích lên đôi chút thì dầu ăn lại tăng giá đến 15%.
“Dù giá xăng dầu đã giảm mạnh song các nhà cung cấp vẫn chưa có sự điều chỉnh giá. Hàng hóa thiết yếu là cả một chuỗi cung ứng, việc điều chỉnh giá cần thời gian và quy trình chứ không thể điều chỉnh tăng - giảm ngay được, nên cần có độ trễ. Và khi có thông báo điều chỉnh giá, nhà cung ứng phải báo trước ít nhất 1 tháng”- bà Dương cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, xăng giảm giá là tin mừng với doanh nghiệp. Song khách hàng chưa thể kỳ vọng giá cước vận tải sẽ giảm ngay vì doanh nghiệp chịu nhiều gánh nặng chi phí khác ngoài xăng dầu. Chưa kể các hãng taxi truyền thống thời gian qua chưa kịp làm hồ sơ tăng giá thì giá xăng liên tục điều chỉnh tăng. Nay giá giảm cũng chưa nhiều nên giá cước vẫn giữ nguyên vậy.
6 tháng đầu năm, kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mức tăng CPI tháng 6/2022 được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 2016-2022.
Giới chuyên gia cho rằng, để kéo giá xuống Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần xem xét giá xăng dầu, giá cả đầu vào tăng bao nhiêu, tác động tới giá thành thế nào để từ đó tính toán giá bán các loại hàng hóa khác, sau một thời gian nhất định mà hàng hóa không giảm thì hai đơn vị này phải vào cuộc.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng về cước phí vận tải, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, rà soát lại giá vé, giá cước liệu đã phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu hay chưa.
Còn PGS Ngô Trí Long nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động có các giải pháp sát với tình hình thực tế, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá thị trường. Trong đó Bộ Tài chính cần chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, đồng thời, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả. Trên cơ sở đó xây dựng trước các kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá phù hợp.