‘Trao trả kỷ vật cho những cán bộ đi B’
Chiều ngày 25/7, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B và khai mạc Triển lãm “Kỷ vật thời thanh xuân”. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B là toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, kỷ vật được hình thành trong quá trình hoạt động của cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể địa phương được cử vào Nam công tác (gọi là đi B) và từ các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc công tác, an dưỡng, chữa bệnh, sau đó trở về miền Nam. Trước khi vào Nam, theo quy định, các cán bộ đi B phải gửi lại toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân… (gọi là hồ sơ, kỉ vật của cán bộ đi B) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ.
Trong mỗi bộ Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như Sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Đảng, sổ Đoàn… còn có nhiều kỷ vật như Huân chương, Huy chương, Giấy khen, Bằng khen, Album ảnh, Nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm, công trái, vàng…
Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm “Kỷ vật thời thanh xuân”. Nội dung Triển lãm thể hiện qua các phần: Nhiệm vụ đặc biệt; Những kỷ vật biết nói; Khi cuộc chiến đi qua.
Với diện tích và không gian Triển lãm được trang bị, nội dung Triển lãm giới thiệu chọn lọc khoảng 200 Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B thuộc các tỉnh thành thể hiện sự quyết tâm, tình nguyện đi B cùng nhân dân cả nước sát cánh cùng đồng bào miền Nam kháng chiến. Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước là một phần ký ức, câu chuyện về cuộc đời của cán bộ đi B.
Buổi Triển lãm nhằm thể hiện sự tôn vinh và tri ân đối với những người có công với đất nước; nâng cao ý nghĩa giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng trong nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Hồ sơ cán bộ đi B là một nguồn sử liệu quý giá, gắn với cuộc đời của hàng vạn con người trong chiến tranh, đất nước bị chia cắt. Phát huy giá trị khối tài liệu “Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B” đưa hồ sơ, kỷ vật trở về với chính chủ nhân, người thân của cán bộ đi B là mong muốn và là nhiệm vụ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.